Người dân mong ngóng những thay đổi từ thuế thu nhập cá nhân

16/07/2025 - 06:59

PNO - Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính ngày 2/7, đại diện Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, bộ đang hoàn thiện các nội dung dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) để kịp trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp vào tháng 10/2025. Đây là tin vui cho người lao động.

Mức giảm trừ gia cảnh chưa hợp lý

Từ tháng 7/2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng; sau khi được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, một số khoản phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ để tính thuế TNCN. Mức giảm trừ này không giải quyết được gánh nặng chi phí sinh hoạt của người nộp thuế khi giá cả ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, theo quy định, Bộ Tài chính chưa thể nâng mức giảm trừ gia cảnh do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kể từ năm 2020 đến nay chưa tăng đến 20%.

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang - cho rằng, quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa trên CPI là quá lạc hậu, dù đúng về mặt pháp lý. Lý do là khi Luật Thuế TNCN được thông qua (năm 2007) và có hiệu lực thi hành (năm 2009), CPI có thể tăng đến 2 con số mỗi năm. Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh sau 4 năm áp dụng luật. Nhưng kể từ đó đến nay, kinh tế Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%/năm. Điều này khiến 7 năm sau mới có đợt điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần thứ hai (năm 2020). Từ năm 2020 đến nay, CPI chỉ tăng khoảng 17% nên chưa đủ điều kiện để Bộ Tài chính điều chỉnh, trong khi giá cả hàng hóa thực tế luôn tăng cao hơn nhiều so với chỉ số CPI được Tổng cục Thống kê công bố.

Làm nội trợ, chị Bích Thủy (phường Bàn Cờ, TPHCM) so sánh, từ năm 2020 đến nay, giá mỗi chai dầu ăn đã tăng thêm 15.000-20.000 đồng/lít, tương đương 30 - 50% tùy loại; giá gạo thường cũng tăng từ 10.500 đồng/kg lên 16.000-17.000 đồng/kg, tức tăng 50 - 60%; giá bánh mì thịt tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/ổ, giá phở bình dân tăng từ 25.000 đồng lên 40.000 đồng/tô, mức tăng đều là 60%. Đó là chưa kể, giá điện, nước, học phí, thuốc men mỗi năm đều tăng khá cao trong khi thu nhập thực tế tăng không nhiều, thậm chí ở nhiều đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thu nhập thực tế không tăng dù mức lương cơ sở tăng.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã lạc hậu trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng cao  (ảnh chụp ở Aeon Mall Bình Tân, TPHCM)
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã lạc hậu trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng cao (ảnh chụp ở Aeon Mall Bình Tân, TPHCM)

Sống trong nhà trọ ở phường Bình Đông, TPHCM, chị Ngọc Mai có thu nhập chỉ 16 triệu đồng/tháng và phải nuôi mẹ nhưng vẫn bị trừ thuế TNCN do mẹ chưa đủ tuổi để tính là người phụ thuộc. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế (khoảng 1,68 triệu đồng) và giảm trừ gia cảnh cho bản thân 11 triệu đồng, chị còn hơn 3,3 triệu đồng làm căn cứ để tính thuế TNCN 5% (thuộc bậc 1), phải đóng khoảng 150.000 đồng/tháng.

Sớm khắc phục những bất cập

Theo đại diện Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN sẽ được sửa các nội dung như xác định khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế (như phát triển nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh…) và cách tính thuế; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Đáng chú ý, các khoản chi phí đặc biệt như giáo dục, y tế có thể được bổ sung vào mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người dân. Biểu thuế cũng được nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng thu gọn, đơn giản hơn thay vì 7 bậc như hiện hành.

Tiến sĩ Hồ Trần Quốc Hải - Trường đại học Luật TPHCM - cho rằng, việc khấu trừ chi phí y tế và giáo dục sẽ trực tiếp hỗ trợ các gia đình có con nhỏ, giảm gánh nặng tài chính và góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc con cái. Điều này không chỉ là một chính sách kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ông cũng đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh dựa trên lương tối thiểu vùng. Điều này sẽ giúp các mức giảm trừ gia cảnh phản ánh đúng chi phí sinh hoạt trung bình khác nhau ở từng vùng.

Theo ông, nhìn về dài hạn, với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7.000 USD vào năm 2030, 13.000 USD vào năm 2040 và khoảng 25.000 USD vào năm 2050, so với mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là 11 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 5.280 USD/năm), mức giảm trừ cần được tăng lên khoảng 14,5 triệu đồng/tháng để tương xứng với tốc độ tăng trưởng đã được dự báo. “Tất cả chi phí y tế, giáo dục nên được giảm trừ hết vào phần tính thuế TNCN bởi Việt Nam đang khuyến khích việc học tập nâng cao trình độ của người dân, hướng tới mục tiêu học tập suốt đời và đáp ứng yêu cầu của thời đại mới” - ông nói.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nên được tính bằng 4 lần mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo sự công bằng về chi tiêu giữa các vùng miền. Ông cũng đồng tình việc bổ sung các khoản giảm trừ khác khi tính thu nhập chịu thuế. Trong đó, 3 khoản chi phí đáng được xem xét bổ sung vào danh mục giảm trừ gia cảnh là tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên; chi phí đào tạo của người nộp thuế; chi phí đào tạo cho con cái người nộp thuế.

Tiền lãi vay mua nhà là khoản hỗ trợ cần thiết cho người lao động, giúp họ có nơi an cư. Việc này cũng gián tiếp thúc đẩy thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần giới hạn giá trị ngôi nhà, như không vượt quá giá nhà ở xã hội hoặc một mức cụ thể (ví dụ 1 tỉ đồng) để đảm bảo đúng mục đích hỗ trợ nhu cầu cơ bản. Việc khấu trừ chi phí đào tạo cho bản thân người nộp thuế sẽ khuyến khích người dân nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn. Khoản chi phí đào tạo cho con cái người nộp thuế cũng tương tự quy định đang áp dụng cho người nước ngoài ở Việt Nam (được khấu trừ chi phí đào tạo con cái) để đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, các khoản chi phí này cũng cần có giới hạn, như chỉ áp dụng cho chi phí học ở trường công lập, không phải trường quốc tế.

Về chi phí y tế, ông cho rằng, chỉ xem xét khấu trừ cho những bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm y tế chưa bao phủ hoặc những trường hợp thực sự khó khăn, không phải cán bộ về hưu. Tất cả khoản này đều phải có mức giới hạn cụ thể, chẳng hạn chi phí chữa bệnh không vượt quá 100 triệu đồng/năm, bởi Nhà nước không thể đủ khả năng chi trả cho các khoản điều trị tốn hàng tỉ đồng.

Luật sư Trần Xoa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh bằng cách tăng mức khởi điểm chịu thuế lên cao hơn, ví dụ 20 triệu đồng. Khi mức này được nâng lên, người phụ thuộc cũng sẽ tự động được hưởng lợi mà không cần có điều chỉnh riêng. Ông đề xuất loại bỏ quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo chỉ số CPI mà xác định mức khởi điểm chịu thuế bằng 4 lần mức lương tối thiểu vùng. Ông phân tích, khi lương tối thiểu vùng tăng hằng năm, mức khởi điểm chịu thuế sẽ tự động tăng theo.

Ông cũng kiến nghị giảm bớt các bậc thuế TNCN hiện hành theo hướng chỉ còn các bậc 5%, 10%, 20% và 30%. Cụ thể, thu nhập chịu thuế đến 20 triệu đồng/tháng sẽ chịu mức thuế 5% (mức hiện nay là 15%), thu nhập trên 20 đến 40 triệu đồng sẽ chịu mức thuế 10% (mức hiện nay là 25%); thu nhập trên 40 đến 80 triệu đồng sẽ chịu mức thuế 20% (mức hiện nay là 30%); thu nhập trên 80 triệu đồng sẽ chịu mức thuế 30% (mức hiện nay là 35%). Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng thuế cho người lao động trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Nên giảm trừ chi phí y tế, giáo dục

Việc miễn viện phí theo chỉ đạo của Tổng bí thư là rất cần thiết, nhưng cần làm rõ là miễn hoàn toàn hay miễn có giới hạn. Nếu miễn toàn bộ thì quá tốt, nhưng nếu chỉ miễn đến một mức nào đó, người bệnh vẫn phải chịu những chi phí kỹ thuật cao hay thuốc đặc trị thì cần phải quy định rõ. Đặc biệt với những người mắc bệnh hiểm nghèo thì nên miễn hoàn toàn cho họ. Chi phí khám, chữa bệnh mà người lao động phải tự chi trả nên được trừ vào thu nhập chịu thuế. Cụ thể, nếu bảo hiểm y tế chi trả 80%, phần 20% còn lại cần được khấu trừ. Nếu người bệnh phải tự chi trả phần lớn chi phí cho các kỹ thuật cao, thuốc đặc trị thì khoản này nên được giảm trừ.

Về chi phí giáo dục, việc trừ thẳng theo học phí thực tế là khó khả thi do mức phí khác nhau giữa các trường và địa phương. Thay vào đó, nên áp dụng mức trừ khoán theo từng cấp học: khoảng 1 triệu đồng/tháng/con bậc tiểu học; 1-2 triệu đồng/tháng/con bậc trung học cơ sở; 2-3 triệu đồng/tháng/con bậc trung học phổ thông và khoảng 5 triệu đồng/tháng/con bậc đại học. Việc này sẽ đơn giản hóa quy trình và đảm bảo công bằng cho các gia đình có nhiều con đi học.

Luật sư Trần Xoa

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI