Nơi ăn, chốn ở, hoạt động trải nghiệm, thái độ với phụ huynh… của một chương trình trại hè được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội gần đây khiến tôi ngạc nhiên. Tạm không bàn về lùm xùm quanh chuyện quảng cáo khác xa thực tế, hay chất lượng của dịch vụ, thái độ của người điều hành... điều tôi muốn bàn ở đây là: Cha mẹ đã kỳ vọng gì về các khóa trại hè cho con?
 |
Những hình ảnh thực tế của trại hè Làng Háo Hức được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội |
Phải nói ngay rằng, tôi có tới 4 đứa con, việc xoay xở trông nom và chăm sóc con trong suốt năm học khiến tôi luôn khao khát được… giải phóng vào dịp nghỉ hè. Tôi có điều kiện để thực hiện được khao khát ấy vì gia đình nội, ngoại đều ở vùng nông thôn và sẵn sàng nhận trông con giúp vợ chồng tôi.
Nhưng sau 2 mùa hè gửi con cho ông bà ở quê, tôi nhận ra sự thật: Những đứa trẻ dù có kỹ năng nhất định trong việc tự lập, cũng cần sự uốn nắn, nhắc nhở mới biết sống có trách nhiệm. Và cha mẹ phải chấp nhận thực tế: chỉ cần được chọn, hầu hết những đứa trẻ sẽ chọn điều sung sướng hơn như nằm phòng điều hòa, xem tivi, chơi game… thay vì rèn luyện khắc nghiệt, hòa mình vào thiên nhiên để trải nghiệm hay trưởng thành.
3 đứa trẻ lớn nhà tôi (từ 8 -12 tuổi), vốn đã được rèn những kỹ năng tự lập cơ bản trong việc nhà (nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, xếp gọn quần áo…) nhưng cũng không chủ động làm việc khi về sống cùng ông bà. Dù mẹ giao bài tập, việc đọc sách từ xa, chúng cũng chỉ làm qua loa nếu không có người giám sát. Những ngày hè, chúng trốn vùi trong phòng điều hòa và ôm thiết bị điện tử…
Tôi để ý những gia đình khác. Họ cũng thường gửi con về quê và chấp nhận trải nghiệm giống như tôi. Đó là tặc lưỡi cho qua việc con lười biếng, không chủ động, không tự lập, thường xuyên nằm dài xem tivi… Tôi và những người bạn của tôi chấp nhận sự thật này, vì coi như gửi con tạm thời ngày hè để ba mẹ được giải phóng, đi làm.
 |
Dù ở thành phố hay nông thôn, tôi nghĩ đều sẽ có những hoạt động đơn giản để rèn tính tự lập cho con (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Nhưng khi thấy chuyện gửi con về cho ông bà không ổn, tôi đã nghĩ đến việc cho con đi trại hè. Rồi tôi lại tự hỏi chính mình, ngay cả việc rèn con trong thời gian dài tính bằng năm còn chưa tạo thành thói quen cho con được, thì làm sao có thể kỳ vọng những thay đổi ở một trại hè chỉ 7-10 ngày?
Những tiêu chí như một trại hè đặt ra về lòng biết ơn, sự trân trọng gia đình, yêu văn hóa dân tộc, xây dựng kỹ năng xã hội… sẽ cần cả đời người để rèn luyện. Đó cũng là những mục tiêu dài hạn chứ không phải bỏ ra một số tiền, gửi con đi xa nhà ít hôm là “mua” được.
Trải nghiệm sống ở vùng nông thôn cũng cần phải hiểu đúng bản chất. Lớn lên ở một làng nhỏ và yêu văn hóa nông thôn da diết, nhưng tôi phải thừa nhận rằng nông thôn bây giờ đã khác. Nếu phải trải nghiệm cuộc sống như trước đây (không có máy lạnh, nhà vệ sinh thô sơ, sống chung cùng côn trùng...), tôi vẫn thấy rất khó thích nghi. Huống chi là những đứa trẻ vốn lớn lên trong đời sống vật chất đầy đủ?
 |
Tôi cho con tham gia những hoạt động có sẵn ngay tại quê như đi hái nho, ngắm bình minh trên biển, đi dạo trên đường làng... (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Vì vậy, yếu tố cần quan tâm trước hết của tôi khi lựa chọn cho con đi trại hè về với thiên nhiên, làng quê không phải là chương trình hay những kỹ năng mà là việc ăn uống, sinh hoạt của con. Khi một đứa trẻ không đảm bảo về vấn đề ăn uống, đi vệ sinh, sống trong cảnh gây gổ thường trực, hoặc sợ hãi bạn bè, chúng sẽ chẳng còn tâm trạng đâu để học hỏi được điều gì.
Những trại hè mà tôi cân nhắc thường có chi phí rất cao, vượt quá mức chi trả của gia đình. Nên dù khao khát được "giải phóng", và không yên tâm phó mặc con cho ông bà, chưa tìm được trại hè phù hợp điều kiện của mình, tôi quyết định tự trông con, tạo ra... trại hè tại nhà.
Tôi may mắn hơn nhiều cha mẹ là có thể làm việc từ xa. Nay tôi chủ động nhận ít việc làm hơn để có thời gian đồng hành bên con, coi như khoản thu nhập bị cắt giảm là... chi phí đi trại hè. Trong 1 tháng đầu tiên khi vừa nghỉ hè, tôi cho 4 đứa trẻ ở lại thành phố để rèn các kỹ năng cho con. Sau đó, tôi mới cùng các con về quê.
Quan điểm của tôi là nông thôn hay thành phố đều là môi trường tốt để con rèn luyện. Mỗi nơi có một ưu, nhược điểm riêng, nhưng trước hết hãy cứ tận dụng hết các ưu điểm. Như ở Hà Nội, số lượng bảo tàng và làng nghề rất nhiều, tôi đưa con đi đến những nơi này để tìm hiểu. Ngoài ra, tôi cũng cho các con trải nghiệm các món ăn đặc trưng từng vùng miền tại Thủ đô…
Tôi đặt mục tiêu rèn sự tự lập cho các con nên mỗi ngày đều ghi rõ các việc cần làm, bài cần học lên tủ lạnh để các con có thể theo đó mà làm khi mẹ không ở nhà. Mức độ làm chưa tốt, tôi cũng không quá quan trọng. Thay vào đó, tôi muốn cho các con biết cách tự chịu trách nhiệm cho mỗi ngày của mình.
Thời gian đưa con về quê sống cùng ông bà, tôi xem xét những nơi phù hợp như cho con đi biển, leo núi, ngắm đầm sen, hái nho, hái dưa hấu… hoặc loanh quanh trong làng khám phá từng loại cây ven đường. Chiều chiều, tôi cho các con tập luyện cầu lông, đi xe đạp, đi bơi, chạy bộ…
Các hoạt động hoàn toàn tự nhiên, sẵn gì trải nghiệm nấy. Những ngày mưa, tôi cho con mang ghế ra sân ngồi ngắm mưa. Những ngày nắng, tôi cho con đoán thời điểm nắng tắt.
 |
Cây cối nào ở xung quanh cũng cần được con khám phá, gọi tên... (Ảnh do tác giả cung cấp) |
 |
Khi ở thành phố, tôi cho con ra hồ xem cách câu cá, đi các bảo tàng, thưởng thức các món ăn vặt đặc trưng các vùng miền... (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Khi có những buổi rảnh rỗi, tôi đưa các con đi chợ địa phương, làm các món ăn có sẵn nguyên liệu như bánh bèo, khoai lang kén, bánh rán, bánh cà… Muốn cùng con sống lại ký ức tuổi thơ, tôi bày các trò ô ăn quan, nhảy dây, gấp thuyền, làm diều… cho con chơi. Tôi nghĩ rằng dù ở đâu, vào lúc nào cũng có thể chơi những trò này mà chẳng cần phải về vùng nông thôn hay chờ đợi kỳ nghỉ hè.
Không muốn cấm cản hoàn toàn tivi hoặc chơi game, tôi vẫn cho các con những giờ phút chơi và xem để giải trí sau những giờ vận động, đọc sách, hoạt động có ích. Sau những ngày đồng hành cùng con, tôi nhận ra không phải cứ đưa con về "thả" giữa vùng nông thôn là chúng thích nghi được.
Có bữa, tôi “ép” mấy đứa con ra vườn để hái rau cho bữa tối nhưng mấy đứa đang mặc quần đùi, mới hái được vài lá rau đã bị muỗi đốt cho sưng chân… Con khóc lóc, ỉ ôi, tôi cũng phải chấp nhận đó là sai lầm của mẹ khi đẩy con ra vườn mà chưa quan sát kỹ.
Một hôm khác, đứa con 8 tuổi muốn đi vệ sinh, nhìn 2 phòng cạnh nhà vệ sinh tối thui, con tôi ngay lập tức rụt đầu sợ hãi quay lại vì... sợ ma. Đến khi mẹ chủ động dắt con ra, dỗ dành rằng mẹ đứng đợi, con lại không thể đi được nữa. Nên tôi hiểu rằng có những đứa trẻ sẽ tự dưng hết nhu cầu đi vệ sinh, nhịn nhiều ngày nếu không cảm thấy thoải mái.
Sau cùng, trong trường hợp không thể cùng con trải nghiệm và phải tìm trại hè cho con thực sự xa nhà, xa cha mẹ, tôi sẽ không chờ đợi, kỳ vọng những thay đổi ngay lập tức xảy ra về con người một đứa trẻ. Nếu chưa chắc chắn về điều kiện sinh hoạt của con, tôi sẽ không quyết định gửi con đi xa bằng cảm giác mơ hồ, cho rằng nơi đó tốt.
Thay vào đó, tôi sẽ coi chính nhà mình, quê của mình là… trại hè. Ở đó có những người “điều phối viên” là cha mẹ, ông bà hiểu con hơn ai hết, đã có nhiều thời gian làm quen với con, sẵn sàng đồng hành trong lâu dài để con trưởng thành lành mạnh, hạnh phúc.
Linh Nguyễn (Hà Nội)