Sau sáp nhập, phường Bình Đông bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường 6 và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường 5, phường 7 (quận 8 cũ) và xã An Phú Tây (thuộc huyện Bình Chánh cũ).
“Bến Bình Đông, ai đến cũng quen/Ai đi cũng nhớ”
Nhìn trên bản đồ, phường Bình Đông hiện nay giáp ranh với phường Phú Định và cùng trải dài theo dòng kênh Tàu Hủ - nơi có bến Bình Đông đã trở thành một phần ký ức đô thị với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”.
 |
Bến Bình Đông mang theo dấu chân của người dân miền Tây sông nước xuôi về đất này - Ảnh: Thành Lâm |
Bình Đông cũng là một trong những bến nước xuất hiện nhiều trong ca dao - tục ngữ, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân thuở xưa. “Bến Bình Đông, ai đến cũng quen/Ai đi cũng nhớ”, “Bến Bình Đông, ghe nào cũng đậu/Người nào cũng thương”...
Cái tình, cái nghĩa của người dân tứ xứ thể hiện trong những câu ca dao đầy chất hào sảng của người dân Nam bộ. Những thương thuyền xuôi từ miền sông nước Cửu Long lên Sài Gòn đã mang theo tấm lòng chân chất và tình cảm mộc mạc của bà con quê lúa.
Bến Bình Đông còn là nơi lứa đôi trao gửi nỗi lòng trong những câu ca dao với hình ảnh và câu từ đầy tính ẩn dụ: "Bến Bình Đông, ghe bầu, ghe súng/Nhớ ai, ruột đục, dạ chùng”...
Một bến nước xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của người dân, lưu dấu giá trị cho văn học dân gian cũng có nghĩa là dấu ấn quan trọng trong đời sống cộng đồng và đã trở thành biểu tượng văn hóa của cư dân vùng đất này.
 |
Ghe thuyền trên bến Bình Đông xưa - Ảnh tư liệu |
Tìm dấu xưa của bến Bình Đông qua tục ngữ - ca dao, văn học - nghệ thuật còn có thể hình dung bến nước trăm năm xưa với hàng cây xanh bóng mát, có xe ngựa thong dong và những cây đa cổ thụ...
Trong bức tranh Ngược dòng kênh Tàu Hủ từ cầu Malabars, Chợ Lớn của họa sĩ Pháp Adolf Obst (vẽ vào năm 1898), không gian “trên bến dưới thuyền” nên thơ với vẻ đẹp của bến nước xanh bóng cây, thuyền ghe neo đậu sầm uất cùng dãy phố kinh doanh mà nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam từng nhận định là “kết hợp kiến trúc Đông - Tây”.
Một bài ca dao khác cũng khắc họa hình ảnh bến Bình Đông với những cây đa: “Cây đa Bình Đông, cây đa Bình Tây/Cây đa Xóm Củi, cây đa chợ Đuổi/Năm bảy cây đa tàn/Trát quan trên gởi giấy xuống làng...”. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam đã miêu tả dòng kênh Tàu Hủ thuở xưa: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo 2 con nước lên, nước ròng, thuyền bè chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập…” (trích Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Trẻ).
 |
Vẻ đẹp của kênh Tàu Hủ 100 năm trước qua tranh vẽ của họa sĩ Adolf Obst - Ảnh: Thành Lâm |
Trong văn chương, hình ảnh kênh Tàu Hủ trải dài trong tác phẩm Xin lỗi mày, Tai To! của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chú chó nhỏ Tai To khi trốn khỏi nhà nhân vật “chú Xuân” tìm đường về với cậu chủ Tùng đã chạy dọc theo dòng kênh Tàu Hủ. Nơi ấy, có bến đò với “những tiếng trò chuyện râm ran xen lẫn tiếng động cơ làm quãng kinh vắng bỗng chốc ồn lên như họp chợ” (trích chương 9 tác phẩm).
Hình ảnh “bến nước” giàu chất thơ và tính ẩn dụ cùng lịch sử hàng trăm năm gắn bó cùng thành phố đã khiến bến Bình Đông nói riêng cũng như tên gọi Bình Đông gợi nhiều hoài niệm thân thương trong dòng chảy của ký ức đô thị.
Rực rỡ những mùa hoa về
Trên đường Phạm Thế Hiển ngày nay, vẫn còn đó dãy nhà cổ đậm nét kiến Trúc Đông - Tây được xây dựng từ thời Pháp. Đêm đêm thành phố lên đèn, từ đường Võ Văn Kiệt nhìn sang, những ngôi nhà cổ ấy mang một vẻ đẹp của yên tĩnh và thơ mộng như một bức tranh.
 |
Bến Bình Đông ngày nay - Ảnh: Phương Nguyên |
Khu vực bến nước giao thương tấp nập ngày trước nay vẫn còn lưu dấu nhiều kho bãi. Và trong ký ức của người dân sống lâu đời ở nơi này, còn có sự tồn tại của những thương hiệu lớn thuở nào: bột mì Bình Đông, tàu vị yểu hiệu Con Mèo Đen, bột cà ri Ông Chà Và...
Kênh Tàu Hủ một thời là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn - Gia Định và Tây Nam Bộ. Nay, không gian “trên bến dưới thuyền” đã được tái hiện ở bến Bình Đông vào những dịp lễ hội (hội hoa xuân, lễ hội sông nước, tuần lễ trái cây…).
Bến Bình Đông yên tĩnh qua những mùa trăng tròn trăng khuyết, nước lớn nước ròng để rồi rực rỡ và tấp nập, xôn xao trong những dịp hoa xuân về. Mỗi năm người dân thành phố lại được nhìn thấy bến nước khoác lên tấm áo mới ngập tràn hương sắc, với những màu hoa mai, cúc, quất, thược dược, vạn thọ, hướng dương...
 |
Hoa xuân về trên bến Bình Đông - Ảnh: Thành Lâm |
Không chỉ có bến Bình Đông nhộn nhịp khi mùa xuân đến mà nơi này, còn có chợ Bình Đông - khu chợ truyền thống nằm dọc bờ kênh - lúc nào cũng xôn xao người mua kẻ bán, rộn rã những lời mời gọi, chào hỏi thân tình những sớm mai.
Phường Bình Đông mới được mở rộng phạm vi còn cho khu vực này thêm những khu chợ truyền thống khác: chợ Xóm Củi, chợ Nguyễn Tri Phương...; cùng các điểm đến vui chơi: bãi diều An Phú Tây, những khu ẩm thực..
Đình Bình Đông - nơi lưu dấu chân Chủ tịch Tôn Đức Thắng Đình Bình Đông - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là điểm đến quen thuộc của người dân quận 8. Nằm trên cù lao Bà Tàng, ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình Đông đã có tuổi đời hơn một thế kỷ rưỡi. Nơi này còn là di tích lịch sử cách mạng quan trọng, từng lưu dấu chân của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.  | Đình Bình Đông nhìn từ trên cao - Nguồn ảnh: Đình Bình Đông quận 8 |
Năm 1920, Tôn Đức Thắng thành lập Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Và tại ngôi đình Bình Đông, ông đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Công hội. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình Bình Đông cũng là địa điểm liên lạc, cho quân dân ta vận chuyển vũ khí vào nội thành và là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chính quận 7 của chế độ cũ, vào năm 1968. |
Hàn Giang