Chuyện học ở một gia đình người Mông

11/09/2014 - 06:30

PNO - PN - Tới đầu làng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), khách sẽ gặp một cái quán lợp tôn lụp xụp. Đó là nơi nghiền lúa, ngô kiêm dịch vụ bida của vợ chồng Hờ Văn Say và Vàng Thị Mỷ (ảnh). Người sõi tiếng kinh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyen hoc o mot gia dinh nguoi Mong

Tìm cách thoát nghèo

Chị Vàng Thị Mỷ thấy khách vào thăm quán thì mang ra một cái ghế nhựa cũ, mời ngồi: “Quán chỉ xay lúa, nghiền ngô và chọc bi thôi. Không bán gì đâu!”. Mang ra cho khách một ly thủy tinh lớn rượu trắng, chị xởi lởi: “Cán bộ uống đi! Rượu ngô mình nấu đấy”. Một người đàn ông chạy xe máy ghé vào, cười giả lả bắt tay khách: “Cán bộ mới lên à?”. Bà chủ quán đem ra một ly rượu nữa, chỉ người đàn ông: “Nó là Hờ Văn Say, chồng mình đấy. Cũng bằng tuổi 48 thôi”. Hai vợ chồng già trước tuổi, nhìn anh Say cứ như xấp xỉ 60. “Nhà anh Say có mấy cháu?”. “Không có cháu, chỉ có sáu đứa con thôi!”. Thấy khách nhìn quanh, chị Mỷ bảo: “Chúng nó đi làm, đi học hết rồi. Có hai người già ở nhà, buồn lắm!”. Đúng là sự lạ giữa vùng cao nguyên đá này, khi tỷ lệ trẻ em bỏ học khá cao và việc học cái chữ không phải là điều quan trọng trong đại đa số gia đình người Mông. Trong khi đó, sáu người con của chị Mỷ đều được đi học, hai người con lớn là Hờ Thị Len và Hờ Văn Chiến theo học hệ dự bị đại học Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, sau đó Len học cao đẳng sư phạm, Chiến học trung cấp nông lâm, đã ra trường và nhận công tác. Bốn người em còn lại đang theo học ở các trường dân tộc nội trú (DTNT).

Vàng Thị Mỷ kể rằng, chị “bị” bắt về làm vợ từ năm 17 tuổi: “Thế là muộn đấy. Bạn bè chúng nó bắt nhau từ năm 14-15 tuổi mà. Hai con đầu thì năm một, bốn con sau cứ hai năm một đứa. Nhà chỉ có mấy sào ngô trên núi đá, nuôi hai con ngựa. Khổ lắm! Thiếu lắm!”. Anh Hờ Văn Say lúc đó bàn với vợ: “Nhà mình đông con, phải tìm cách mà nuôi chúng nó lớn”. Nhắc đến chuyện ấy, chị Mỷ lắc đầu, lè lưỡi: “Vợ chồng mình liều nhất Lũng Cú, dám vay Nhà nước ba chục triệu. Người làng không ai dám vay, vài triệu cũng không dám. Vay ăn hết, lấy gì mà trả”. Tin vào khả năng của chồng, chị Mỷ bắt đầu mua lợn giống, mua máy nghiền ngô và mấy năm sau thêm cả bàn bida. Công việc được phân công rõ ràng. Chị Mỷ hàng ngày chăm sóc đàn lợn 20 con phía sau nhà, nấu thêm nồi rượu ngô, lo cơm nước cho cả nhà. Anh Say phụ trách máy xay nghiền đằng trước. Lúc nào không có lúa ngô để xay thì mấy bố con trèo lên núi khoan đá, đem xếp trước nhà, bán cho dân làng. Cứ cách một ngày, hai vợ chồng thịt một con lợn, bán cho dân làng, trường học và trạm biên phòng gần đó. Tới phiên Chủ nhật thì mang thịt lợn ra tận chợ Ma Lé bán. Lợn bán đến đâu, lại mua giống bổ sung đến đấy. Chỉ ba năm, do biết buôn bán, lại trồng lúa, tỉa ngô nên kinh tế gia đình thay đổi.

Chuyen hoc o mot gia dinh nguoi Mong

Vợ chồng chị Mỷ bán thịt lợn ở chợ Ma Lé

"Phải cho hết sáu đứa đến trường"

Ngay từ khi các con đến tuổi đi học, vợ chồng chị Mỷ đã bàn nhau phải cho con đến trường. Trẻ con người dân tộc ở Lũng Cú thất học còn nhiều. Chủ yếu là cha mẹ không quan tâm đến sự học của con, chỉ cần chúng biết đi cõng củi, cắt cỏ ngựa, tỉa ngô giúp cha mẹ. Không muốn con mình thiếu cái chữ, anh Say bảo vợ phải cho hết sáu đứa đi học: “Mình chỉ phải nuôi chúng một bữa và may quần áo. Còn nhà trường cho hết rồi, tại sao không cho con đi học? Nó giỏi cái chữ thì bố mẹ cũng sướng theo”. Thế là những đứa con của họ lần lượt vào trường bán trú của xã, rồi trường DTNT huyện, tỉnh. Buổi sáng xôi mèn mén cho các con ăn, rồi chúng đến trường. Bữa trưa chỉ có hai vợ chồng và những đứa còn nhỏ. Buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Ngày nghỉ, hai cậu con trai lên núi giúp bố khoan đá.

Chị Mỷ tâm sự: “Nhà mình khổ lắm, không có các con làm giúp như các nhà khác. Nhưng phải cho con đi học thôi”. Hai vợ chồng làm quần quật ngày đêm. Chị Mỷ nhắc chồng, muốn làm được nhiều tiền thì uống ít rượu. Lúc nào nhà có khách hay trong làng có đám tiệc thì anh mới uống... hết lòng. Đi chợ phiên, đàn ông người Mông chỉ muốn tới đó gặp nhau, uống rượu say nghiêng ngả, quên cả đường về. Nhưng Hờ Văn Say bây giờ không muốn thế. Anh cùng vợ bán cho mau hết thịt, cùng vợ đi mua vải, mua chỉ thêu hay các đồ dùng khác trong gia đình. Vài tháng, nhớ các con ở xa, chị Mỷ lặn lội đi Thái Nguyên, mang cho chúng ít quần áo, tiền tiêu vặt và mua sách vở.

Vàng Thị Mỷ tâm sự: “Không phải mình không dám kêu ca, nhưng kêu ca thì có được gì đâu. Công việc trong nhà, trên núi vất vả lắm, nhiều lúc ốm mà không dám nằm nghỉ, vì sợ chồng nó buồn, sợ con bỏ học. Đá trên núi còn đổ mồ hôi mà”. Hai đứa con thứ ba và thứ tư là Hờ Thị Tiếp, Hờ Thị Lủn sắp học xong trường THPT DTNT tỉnh, nếu chúng nó muốn đi học dự bị đại học Thái Nguyên thì anh chị cho đi nữa. Hai thằng út đang học lớp 6 và lớp 4 cũng học rất khá, sẽ tiếp bước các anh chị. Ông Sùng Đại Hùng, Chủ tịch huyện Đồng Văn, cũng là một người Mông, nhận xét: “Trường hợp như gia đình Hờ Văn Say, Vàng Thị Mỷ quyết cho con đi học là rất hiếm. Nếu nhà nào cũng thế, sẽ tạo cho địa phương nguồn cán bộ trẻ năng lực...”.

Trên đường vào làng Cẳn Tằng, từng tốp học sinh trai, gái lưng đeo túi sách vở, vai vác một cây gỗ nhỏ đến trường. Hỏi chúng thì được biết, củi này đem góp cho cô giáo để nấu cơm. Trong cái nghèo nàn, lạc hậu, những người con của các dân tộc ít người ở Lũng Cú đang tìm tới cái chữ, trong đó có các con nhà chị Vàng Thị Mỷ.

 PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI