Chuyên đề Nhà có người ốm: Lúc “lê lết” càng được vợ thương

24/11/2020 - 15:05

PNO - Nuôi người bệnh tai biến trăm bề cực nhọc. Vợ chồng thương nhau khi tóc xanh môi thắm là điều bình thường, thương nhau khi tóc bạc da mồi, lê lết không thể rời khỏi giường mới thật kỳ diệu.

Ông Năm (Lê Quang Trinh - ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bị tai biến lần này là lần thứ ba. Di chứng khiến ông bị liệt nửa người bên trái, giọng nói ngọng nghịu khó nghe. Mỗi lần ông nói, chỉ có bà Năm Mỹ (vợ ông) mới dịch lại được.

Nuôi người bệnh tai biến trăm bề cực nhọc. Cả đêm ông Năm không ngủ được, nên “kiếm chuyện” gọi vợ dậy. Khi thì ông đòi uống nước, khi thì đòi thay tã… Ban ngày, ông ngủ lơ mơ từng quãng ngắn. Mở mắt ra, ông kêu đau nhức chân tay, ngột ngạt khó chịu. Bà Năm nhẹ nhàng xoa bóp cho ông, đỡ ông lên xe lăn đẩy ra sân cho thoáng.

Bà Năm biết chồng khó chịu trong người, muốn được quan tâm nên luôn chiều chuộng. Mỗi lần ông đi ngoài không kiểm soát, bà không hề cáu gắt, còn khen: “Bữa nay ông tự đi ngoài được, khỏi bơm thuốc, giỏi nha”. Ông nhìn bà, chúm chím cười.

Ông Năm có lắm thứ bệnh nền: tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu… nên cứ hai tiếng là phải uống thuốc một lần. Ông nuốt rất khó khăn. Bà Năm vừa vỗ lưng chồng nhè nhẹ, vừa dỗ dành để ông chịu nuốt. Ba đứa con trai và các con dâu của ông bà rất có hiếu, thay nhau vào bệnh viện phụ bà chăm sóc ông. Bác sĩ nói người bị xuất huyết gần nửa não mà hồi phục kỳ diệu như ông Năm rất hiếm. Có lẽ tình thương của vợ và các con đã truyền sang ông năng lượng tích cực.

Vợ chồng thương nhau khi tóc xanh môi thắm là điều bình thường, thương nhau khi tóc bạc da mồi, lê lết không thể rời khỏi giường mới thật kỳ diệu.

Ngày trẻ, ông Năm thương và cưới bà Năm vì bà hiền lành, mồ côi mẹ. Sống với nhau ba mặt con, mỗi khi vợ chồng hờn giận, ông Năm luôn kiếm cớ làm lành để bà Năm nguôi giận. Ông hay khoe với lối xóm: “Vợ tui hồi xưa đẹp nhất xóm, tới giờ 60 tuổi vẫn còn đẹp”. Lúc cưới con dâu, người răn điều này, người dạy điều kia, ông Năm ngắn gọn: “Con học theo mẹ, y vậy mà sống thì ai cũng thương”.

Từ ngày về hưu, ông Năm tham gia mặt trận tổ quốc kiêm thanh tra nhân dân. Những hộ nghèo trong thị trấn, ông vận động Mạnh Thường Quân giúp gạo, tiền. Mùa mưa bão, ông đi khảo sát những nhà lụp xụp. Nhà thì ông giúp bộ cột, tôn lợp, nhà nào khó khăn hơn thì ông giúp dựng nguyên căn. Đường sá lầy lội, cầu cống hư hỏng, ông vận động người góp tiền, người góp công để sửa chữa.

Sau khi ông Năm uống thuốc, bà Năm và con trai lớn thay phiên nhau vỗ lưng cho ông dễ chịu
Sau khi ông Năm uống thuốc, bà Năm và con trai lớn thay phiên nhau vỗ lưng cho ông dễ chịu

Lo chuyện xã hội nên cả ngày ông đi vắng, bỏ việc nhà cho bà Năm lo. Bữa tối muộn ông mò về, bà Năm nói mát mẻ: “Ông ăn cát đá với mấy tấm tôn no rồi khỏi ăn cơm nhà nghen”. Ông Năm nịnh vợ, cười hề hề: “Tui làm việc tốt để đức cho bà với tụi nhỏ, còn muốn gì nữa”. Nói vậy thôi, thấy ông ở nhà vài bữa là bà Năm nhắc: “Sao không thấy ông đi làm từ thiện, hết tiền hay gì? Tui ủng hộ ông một triệu nha”.

Bà Năm cũng đồng lòng làm việc nghĩa với chồng. Bà phụ trách quỹ từ thiện do bà con trong xóm đóng góp. Những người buôn bán vặt, ít vốn cũng ủng hộ bà Năm bằng cách mỗi tháng góp mười ngàn, hai chục ngàn. Góp gió thành bão, bà Năm chịu khó đi gom. Ai có hoàn cảnh khó khăn, bà khảo sát kỹ rồi xuất quỹ trợ giúp.

Sống có tình nghĩa nên giờ ông Năm bệnh, lối xóm thương, nườm nượp đi thăm. Nhìn cách bà Năm dịu dàng chăm sóc chồng, ai cũng khen ông tốt phước nên có được gia đình đầm ấm. Vợ chồng muối mặn gừng cay, thương nhau tới răng long đầu bạc, thiệt đáng trân quý. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI