Chuyên đề Nhà có người ốm: Tôi đã vịn người thân mà đứng dậy

24/11/2020 - 09:30

PNO - Tin buồn về sức khỏe của một người trong nhà thường gieo xuống cả gia đình một biến cố lớn. Một gia đình có người thân lâm bệnh sẽ ra sao? Các thành viên cần phải làm gì để cân bằng những xáo trộn cả về sinh hoạt lẫn tâm lý?

Hôm ấy chúng tôi lên đường đi du lịch, trong chuyến đi có con tôi và một số người bạn nữ. Do bản tính thích tự khám phá những nơi mình đến, nên tôi quyết định ngồi sau xe máy của một bạn nữ, con tôi đi xe hơi cùng nhóm khác. Trong chuyến đi ấy, xe tôi gặp tai nạn.

Chi tiết tai nạn thế nào thì tôi không nhớ, chỉ biết là tôi tỉnh dậy trong bệnh viện một tỉnh cách TP.HCM bốn giờ đi xe, với một nửa thân người liệt hoàn toàn và miệng không nói được, chỉ ú ớ… Đầu tiên tôi nghĩ mình đang mơ nên cố gắng thức dậy. Sau nhiều lần lịm rồi tỉnh trong tiếng còi hụ của xe cấp cứu, tôi biết mình đang ở trong tình trạng nguy hiểm thực sự chứ không phải là mơ.

Điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến vào lúc đó là tôi không được phép ngủ, vì giấc ngủ có thể sẽ mang mình đến một nơi khác. Con trai tôi mới mười tuổi, ai sẽ chăm lo dạy dỗ con nên người, ai sẽ là người bên cạnh con mỗi lúc buồn vui? Tôi không được phép chết.

Nhưng rồi ý chí không thể ngăn được cơn hôn mê. Bác sĩ nói với người nhà rằng tôi bị tổn thương não ở vị trí rất nguy hiểm. Bệnh viện quyết định không phẫu thuật, tất cả dựa vào ý chí sinh tồn của bệnh nhân. Cả đêm hôm đó tôi chìm vào hôn mê. Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là ba mẹ mình đang đứng cạnh giường, chăm chú theo dõi tình trạng của tôi.

Tôi bật khóc tức tưởi. Có lẽ việc nhìn thấy ba mẹ đã khiến tôi phần nào vững tâm, và khóc như thể trẻ con bị bắt nạt chỉ biết chạy về mách ba mẹ, hòng đòi lại công bằng. Sở dĩ tôi có cảm giác tức tưởi, là bởi tôi đã bị số phận “chơi” một vố bất ngờ và quá đau.

Chị Nguyệt trong chuyến đi xe máy lên Hà Giang cùng bạn bè ( Ảnh NVCC)
Chị Nguyệt Phạm trong một chuyến đi xe máy lên Hà Giang cùng bạn bè (Ảnh NVCC)

Thời gian ở bệnh viện, tôi được nhiều bạn bè đến thăm và an ủi. Nhưng không ai hình dung được đoạn đường phía trước của tôi sẽ kinh khủng đến mức nào. Hôm xuất viện, bác sĩ dặn tôi về nhà tập vật lý trị liệu và châm cứu, thời gian hồi phục được tính từ năm này qua năm nọ, và khả năng phục hồi sẽ không cao.

Lúc đó, tôi vừa bước ra khỏi một cuộc hôn nhân, đang làm mẹ đơn thân. Những ngày trước mắt của tôi quay cuồng với những câu hỏi: Ai sẽ chăm tôi? Các con tôi sẽ ở với ai? Ba mẹ tôi đưa ra phương án hai mẹ con tôi về quê ở với ông bà. Nhưng ở quê thì không có chuyên viên tập vật lý trị liệu, và việc chuyển trường quá đột ngột với một học sinh lớp Năm sẽ làm con xáo trộn về mặt tâm lý.

Cuối cùng, tôi quyết định để con tạm thời sống với ba, còn tôi thì về sống với em gái, thỉnh thoảng mẹ tôi sẽ từ quê lên chăm phụ. Tôi và mọi người đều yên tâm cho những ngày sắp tới. Đó không chỉ là thử thách cho bản thân tôi, mà còn là một thử thách cực kỳ lớn cho những người thân của tôi. 

Trước khi tai nạn, chị Nguyệt là phụ nữ mê du lịch, ưa khám phá. Trong hình là chị ở Trại Cửu Trâu ( Trung Quốc)
Trước khi tai nạn, chị Nguyệt Phạm là phụ nữ mê du lịch. Trong hình là khoảnh khắc chị khám phá rừng nguyên sinh, Cửu Trại Câu - Trung Quốc (Ảnh NVCC)

Trước khi lâm vào tình trạng phải nằm yên một chỗ, tôi từng xem bộ phim về nhà khoa học bị mất vận động toàn thân - Stephen Hawking. Tên phim là Theory of Everything (tựa tiếng Việt là Thuyết vạn vật hoặc Thuyết yêu thương). Tôi đã phần nào hiểu được tâm lý mệt mỏi của những người chăm bệnh. Nhưng quả thật, tôi không thể tưởng tượng ra một người bệnh thì trái tính trái nết như thế nào.

Tôi từng là một người vui vẻ, sống hòa đồng, ít khi khiến người khác phải khó chịu. Nay bỗng trở nên mặt ủ mày chau, dễ gắt gỏng, dễ giận dỗi. Có lẽ do nằm một chỗ, cảm giác vô dụng và bất lực, mặt khác cứ nghĩ về tương lai là tôi lại thấy lo lắng, nhất là về kinh tế.

Tôi chỉ có một mẹ một con, rồi đây sau khi tiêu hết tiền tiết kiệm, tôi phải làm sao? Chứng mất ngủ khiến tâm trạng tôi càng trở nên tồi tệ hơn. Lúc nào cũng có cảm giác bị bỏ rơi nên tôi rất sợ ở một mình, tôi luôn cần có một người thân trong tầm mắt.

Mặc dù không có nhu cầu gì, nhưng tôi vẫn cứ gọi em gái suốt ngày. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy sức chịu đựng của em gái là quá lớn. Cả ngày em đã phải lo buôn bán, làm hàng, đi chợ nấu cơm, tắm rửa vệ sinh cho chị, lại còn chịu đựng những cơn gầm gừ vô lý của tôi.

Con trai tôi mỗi tuần lên thăm mẹ hai ngày. Cậu luôn miệng kể tôi nghe những chuyện vui ở trường, thỉnh thoảng nhắc tôi giãn cơ mặt, đừng chau mày… Có lẽ người lo lắng nhất cho tôi chính là ba mẹ, nhưng hai người lại chẳng dám hé lời, vì sợ gây thêm áp lực cho tôi. 

Tôi kiên trì tập luyện, nhưng đúng như lời bác sĩ, tôi hồi phục vận động rất kém. Người ta hay truyền miệng nhau, bệnh này nếu qua sáu tháng đầu, là thời gian vàng để phục hồi, mà vẫn không khỏi, thì coi như “thua” rồi. Nhưng tôi vẫn không ngừng kiên trì, và đến hai năm thì đã có thể tự chăm sóc cho mình.

Thời điểm lần đầu tiên hai mẹ con chị Nguyệt đi du lịch sau tai nạn
Thời điểm sau tai nạn 2,5 năm, lần đầu tiên hai mẹ con chị Nguyệt Phạm đi du lịch với nhau (Ảnh NVCC)

Tôi đi lại trong nhà và tập tành kinh doanh online. Có em gái hỗ trợ, tôi tự kiếm tiền để trang trải đời sống cho hai mẹ con. Bệnh tôi đến nay đã bốn năm, và vẫn tiến triển theo từng năm. Cho đến nay, tôi đã có thể tự tin nói mình sống ổn, sống vui trong điều kiện của mình. 

Biến cố - khi nhắc đến nó, người ta thường nghĩ ngay đến nạn nhân, người trực tiếp “nhận lãnh” điều kinh khủng xảy ra trong đời mình. Nhưng thực sự thì người thân của họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Biến cố gần như lấy đi của chúng ta mọi thứ quan trọng: tiền của, danh vọng, sức khỏe hoặc là mối quan hệ. Thậm chí là tất cả điều trên. Vì mọi thứ trong cuộc đời chúng ta thường liên quan đến nhau, nên khi một thứ mất đi, thì những thứ khác cũng dần sụp đổ hết. Chỉ có một điều, theo tôi, sẽ mãi mãi vững bền. Đó là tình thân. 

Tác giả (thứ hai từ trái sang) và những người thân đã giúp cô đi qua biến cố lớn trong cuộc đời
Tác giả Nguyệt Phạm (thứ hai từ trái sang) và những người thân đã giúp chị đi qua biến cố lớn trong cuộc đời (Ảnh NVCC)

Tình thân là nền tảng tuy vô hình nhưng vô cùng vững chắc, là chốn nuôi dưỡng và nâng đỡ khi bạn gặp biến cố nào đó trong đời. Bởi lúc bình thường, người thân, tình thân vốn đã là một mối quan hệ hiển nhiên. Ở đó, mình được yêu thương và tha thứ vô điều kiện. Với nhiều người, dù vẫn nói: “Gia đình quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi”, nhưng vẫn vô thức xếp gia đình sau công việc, sự nghiệp, bạn bè, quan hệ xã giao… Chúng ta chỉ thật sự nghĩ về gia đình khi rảnh rỗi, chứ không ưu tiên đưa người thân lên vị trí hàng đầu. Thế nhưng, tình thân vẫn ở đó, dù chúng ta không thật sự cảm nhận rõ. Khi hữu sự, cha mẹ, con cái, anh chị em luôn là những người đến bên ta đầu tiên, gần gũi và xuyên suốt. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI