Chúng tôi lớn lên ở chiến khu

30/04/2021 - 16:49

PNO - Năm 1954, ba tôi và anh Hai ra Bắc tập kết. Sáu anh em còn lại ở Long Xuyên với mẹ. Đầu năm 1962, anh Thảo, anh Duy (nhà văn Lê Văn Thảo và đạo diễn Lê Văn Duy) vào rừng trước. Một - hai năm sau đó, toàn bộ gia đình tôi cùng nhau vào rừng. 8 tuổi, tôi theo mẹ và các anh chị vào rừng trong những tháng năm chiến tranh khắc nghiệt nhất. Tôi đã lớn lên ở rừng...

Trước khi vào rừng, tôi ở cùng mẹ phía ngoài bìa rừng chung với người dân địa phương, chưa được vào căn cứ như các anh chị.

Bấy giờ, mọi người gọi nơi này là Xóm giữa, Tây Ninh. Đó là lần đầu tôi cảm nhận được sự thân tình, ấm áp, sẻ chia của hai chữ “đồng bào”. Một thời gian không lâu sau, hai mẹ con mới vào rừng sinh sống.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về rừng là màu xanh ngút ngàn, âm u. Là đứa nhỏ lớn lên ở đồng bằng, nên cảnh rừng đối với tôi đầy mới mẻ. Rừng Tây Ninh ngày ấy nhìn lên ken đầy những lớp lá của những cây cổ thụ, không thể thấy ánh nắng mặt trời.

Các chị thanh niên tập văn nghệ ở TW Cục. Ảnh tư liệu.
Các chị thanh niên tập văn nghệ ở Trung ương Cục - Ảnh tư liệu

Tôi học trường Thiếu nhi Tháng Tám, vào những lúc rảnh rỗi, đám bạn cùng tuổi lại rủ nhau luồn từng vạt rừng chơi, hái trái cây, hái nấm. Đứa lớn bày cho đứa nhỏ để phân biệt không hái trúng cây dại, quả dại, nấm độc…

Trái bứa, trái rỏi… là những món quà quý đối với trẻ con chúng tôi. Có lần, vì ham quá, tôi ăn nhiều trái rỏi (được gọi là măng cụt rừng vì rất giống trái măng cụt) đến mức ngộ độc, ói mửa. 

Để chia sẻ với người lớn, chúng tôi được phân công đào hầm trú ẩn, đi lấy gạo từ kho lương thực về các điểm, gánh nước… Những việc vừa sức với mỗi đứa. Trường học của tôi nằm ngay trong nhà in Trần Phú của Trung ương Cục miền Nam, nên buổi sáng đi học, buổi chiều chúng tôi cùng nhau tham gia giúp các cô chú xếp giấy, xếp sách, báo.

Ở rừng, bất cứ lúc nào cũng phải chuẩn bị tình huống có thể bị đánh bom. Lũ trẻ con chúng tôi vào rừng, một trong những bài học đầu tiên là cách chui xuống hầm, chổng mông lên để không bị thương ở đầu, hai tay bịt tai để không bị điếc…

Chúng tôi học cách tự chăm sóc sức khỏe, cách tránh rắn, nấu bếp không khói để không bị địch phát hiện, cách giăng võng sao để có thể nằm không đứt võng nhưng khi nghe tiếng báo động thì có thể rút dây thật nhanh đi trốn; cách trữ nước mưa để dùng sao cho sạch sẽ, an toàn…

Chúng tôi lớn khôn lên khi trải nghiệm những kỹ năng sống đó.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi lớn lên ở rừng là lần tôi được tham gia Đại hội chiến sĩ anh hùng toàn miền Nam. Do háo hức, tôi tỉnh giấc từ ba giờ sáng.

Lúc  này sương xuống nên rừng rất lạnh, tôi càng chộn rộn, khó ngủ. Một đứa bạn tôi, hẳn cũng vì khó ngủ mà xách đèn dầu qua gọi bạn dậy từ rất sớm. Ngọn đèn va quệt cháy cả góc mùng khiến mọi người được phen hoảng hốt.

Chúng tôi đi dự đại hội khi trời vẫn còn tờ mờ sương sớm, lòng vui một cách khó tả. Kỷ niệm đáng nhớ khác nữa là lần tôi được tham gia múa hát cho hai ông bà nhà báo nước ngoài vào rừng tìm hiểu cuộc sống kháng chiến. Họ là những nhà báo phản chiến nước ngoài đầu tiên đặt chân đến chiến khu nên ai nấy đều rất vui vẻ đón tiếp.

Chúng tôi múa hát đón đoàn nhà báo nước ngoài tại TW Cục.
"Chúng tôi múa hát đón đoàn nhà báo nước ngoài" tại Trung ương Cục miền Nam

Những ngày lễ, tết, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốn khó, sự sống và cái chết luôn gần kề nhưng các cô, các mẹ vẫn luôn tìm cách đem niềm vui đến để mọi người chia sẻ cùng nhau.

Ngày tết, lũ trẻ thức cùng các cô, các mẹ, nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết, được ăn bún do chính tay mẹ xay gạo tẻ ra làm, ăn chè đậu đen đường thốt nốt, kẹo đậu phộng… Những nguyên liệu này quý và ít có trong rừng, phải ra ngoài vùng ven mới có thể mua của người dân rồi đem vô rừng tự tay chế biến.

Nhưng kỷ niệm nhớ nhất, đau lòng nhất tôi trải qua là trường tôi bị nã pháo. Chị tôi xuống đến cửa hầm, phát hiện ra vẫn còn các em nhỏ học sinh kẹt lại trong trường, nên lại lao lên cứu học sinh. Cả học sinh và thầy cô, 11 người hy sinh, 13 người bị thương, trường sơ tán liên tục để tránh bị địch phát hiện. Sau ngày chị tôi mất, tôi chạy càn lên tới cơ quan anh Thảo (nhà văn Lê Văn Thảo - PV).

Nhớ mãi buổi khuya hôm ấy, chừng 2 - 3 giờ khuya tôi mới tới nơi, một người cùng cơ quan anh Thảo đang ngủ, nhưng giật mình tỉnh khi nghe có người gọi tên tôi. Anh nói: “Thúy? Phải Thúy em anh Thảo không? Mấy ngày nay ngày nào Thảo cũng lên đây hỏi tin em, mới về ban nãy.  Lát nữa, sáng sớm thế nào cũng lên lại tìm”.

Tầm 5 giờ sáng, trời tờ mờ sáng, quả thật anh Thảo đến. Thấy tôi, anh xúc động dựa vào một dây rừng, châm điếu thuốc để bình tĩnh lại. Tôi chạy ùa tới ôm chầm anh mà khóc… Cảm giác giữa những lằn ranh sống chết mà chờ nhau, tìm nhau và gặp được người thân, cảm động lắm, sâu nặng lắm.

Năm 1971, trường tôi mở lại. Tuy nhiên, lúc này, tình hình chiến tranh mỗi lúc một ác liệt, toàn bộ học sinh được đưa ra miền Bắc học. Năm ấy tôi 16 tuổi, ba tháng trời chúng tôi đi bộ dọc Trường Sơn để ra Bắc. Từ những cánh rừng nguyên sinh ở Tây Ninh đến Trường Sơn đều in nhiều dấu ấn kỷ niệm trong tôi.

Những ngày ấu thơ tựa như trang giấy trắng, những ký ức về rừng chiến khu luôn vẹn nguyên vì đó là ký ức đầu đời nơi tôi lớn lên và trưởng thành. Tôi học được từ các chị tôi cách vui với những niềm vui bé nhỏ như nhìn một đóa hoa đẹp, một chồi non xanh tươi, đàn bướm tung tăng trong rừng thẳm…

Và tôi học được sự bền bỉ, không ngại khó để có thể gắn bó với nghề báo, nghề làm phim tài liệu sau này.

Khôi Nguyên Thảo

(Ghi theo lời kể của Đạo diễn Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện Ảnh TPHCM)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI