Chồng giữ giấy tờ tùy thân của vợ để đòi tiền "nuôi ăn" có vi phạm pháp luật?

06/03/2021 - 15:35

PNO - Câu chuyện người chồng ở Thái Bình đòi lại tiền ăn, tiền khám chữa bệnh, tiền học... rồi mới đồng ý chia tay đặt ra các tình huống pháp lý: liệu người chồng có vi phạm pháp luật?

Sự việc dở khóc dở cười của người vợ ở Thái Bình khiến cộng đồng phẫn nộ, nhưng thực tế cho thấy, chuyện đòi tiền, đòi quà khi chia tay, khi ly hôn ở các cặp đôi khá phổ biến. Lúc vui vẻ hạnh phúc thì hết lòng vì nhau, nhưng khi chia tay hay ra tòa ly hôn, đến "chổi cùn rế rách" các đương sự cũng yêu cầu phân chia rạch ròi.

Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc anh chồng đòi vợ đưa 42,6 triệu đồng mới trả giấy tờ cá nhân ở Thái Bình, nhiều bạn đọc gửi thắc mắc tới Báo Phụ Nữ Online, hỏi rằng liệu anh chồng có hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Chúng tôi đã chuyển câu hỏi tới Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc, Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)  giải đáp như sau:

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc, Hãng luật TGS
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Hãng luật TGS

Với hành vi người chồng giữ giấy tờ tùy thân như bằng đại học, sổ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… của người vợ và yêu cầu người vợ phải đưa số tiền (42,6 triệu đồng) mới trả giấy tờ cho người vợ, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Trong trường hợp này người chồng chỉ giữ các giấy tờ như là bằng đại học, sổ bảo hiểm, hợp đồng lao động... các loại giấy tờ này là giấy tờ chứng minh về nhân thân của người vợ, không được coi là giấy tờ có giá theo quy định của Bộ luật Dân sự, cho nên người chồng không có hành vi chiếm giữ tài sản theo quy định của Luật Hình sự.

Tuy nhiên, việc người chồng đưa ra những yêu cầu không chính đáng, nếu xét thấy có dấu hiệu của việc uy hiếp, bắt buộc người vợ phải đưa tiền mới trả những giấy tờ tùy thân, hoàn toàn có thể bị điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, với số tiền chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 50.000.000 đồng thì người có hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù.

Vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình

Căn cứ theo khoản 3, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về những nguyên tắc cơ bản về chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có đề cập đến nguyên tắc: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con”.

Đồng thời, tại Mục 1 Chương III của Luật này quy định về Quyền và nghĩa vụ về nhân thân cũng quy định: vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chắc sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Vì vậy, trong trường hợp này, khi hai bên không còn chung sống hạnh phúc với nhau dẫn đến yêu cầu ly hôn của người vợ và anh chồng đã có hành động bắt vợ phải trả lại 42,6 triệu đồng (bao gồm tiền ăn hàng tháng tính từ thời điểm cô về làm dâu và tiền đưa vợ đi khám bệnh…), thậm chí còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ để làm tin cho đến khi người vợ trả đủ tiền là trái với quy định của pháp luật hôn nhân gia đình, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Hai con người kết hôn với nhau dựa trên tinh thần tự nguyện, thuận tình, không có sự ép buộc nào nên mỗi bên phải có quyền và nghĩa vụ cơ bản trong quá trình chung sống như trong quy định của pháp luật. Việc trả chi phí sinh hoạt ăn uống, thuốc men… hằng ngày với mục đích cơ bản là duy trì sự sống, bảo vệ cuộc sống gia đình khi hai người đang trong quan hệ vợ chồng.

Chưa kể đến việc để có được chi phí chi trả cho các hoạt động hằng ngày này cũng có sự góp công sức, thời gian của người vợ. Vì vậy, hành động của người chồng trong trường hợp này vừa vi phạm quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, vừa làm ảnh hưởng đến “đạo vợ chồng” khiến dư luận bất bình và lên án. 

Mai Phương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI