Cháu dâu chăm chú chồng

10/07/2020 - 06:00

PNO - Có người nói vợ chồng ông bà "ôm rơm nặng bụng". Cụ Tám Bằng còn hai người con gái chớ có phải độc thân đâu mà rước về cho thêm cực.

Thấy chúng tôi thăm nhà, cậu con trai bà Sáu Đông dọn dẹp bàn nước, nói:
- Má biểu mấy anh chị ngồi uống nước, chờ bả chút.

Tôi ngạc nhiên thấy cảnh một bà già nhỏ thó chăm sóc một cụ ông cao lòng khòng, người chỉ còn da bọc xương. Trước đó, nghe kể chuyện bà Sáu Đông từng là đội viên du kích thiếu niên "Đội chim chèo bẻo", không ngờ gặp mặt, tôi thấy bà đúng là một con "chim chèo bẻo" chứ không giống một trung úy, từng vào sinh ra tử, xông pha lửa đạn một thời. 

Bà Sáu Đông tên thật là Nguyễn Thị Đông, năm nay 73 tuổi. Ngôi nhà mới cất của mẹ con bà ngụ trên mảnh đất hương hỏa của nhà chồng tại ấp Thuận Phong, xã Cát Lâm, H.Phù Cát, tỉnh Bình Định. Mấy năm trước, ông chồng vốn cũng là cựu chiến binh thời chống Mỹ, đã qua đời. Ba cô con gái đi lấy chồng, còn hai cậu con trai gắn bó với mẹ. 

- Con gái, tiếng là đi lấy chồng, nhưng tụi nó giao con cho bà ngoại tối ngày. Tui lu bu không hết việc, lại còn chăm ông chú chồng nữa.

Nghe bà Sáu Đông kể lể, ông cụ già ngồi bên cười khoe hàm răng móm:
- Con mẹ nầy nó được lắm mấy chú. Tui ở với vợ chồng nó từ năm "bảy sáu" tới giờ đó.

Ông cụ năm nay đã 103 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn. Tự giới thiệu tên là Lê Bằng, cụ thanh minh đúng ra tên mình là Lê Bường, Tám Bường: “Nhưng kẹt trong xóm cũng có một bà tên Bường. Thấy bả đẹp, nên trùng tên thì kỳ quá, tui đành đổi qua tên Bằng".

Bà Sáu Đông chăm sóc ông chú chồng 103 tuổi
Bà Sáu Đông chăm sóc ông chú chồng 103 tuổi

Bà Sáu Đông kể, sau giải phóng hai vợ chồng gặp nhau ở trường chính trị Quân khu 5. Nhà trường đứng ra tổ chức hôn lễ cho hai người. Sau khi cưới, bà khoác ba-lô theo chồng về Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm sau họ đón luôn ông chú chồng từ Gia Lai về nuôi. Ông Tám Bằng năm đó mới 54 tuổi, nhưng chân bị tật vì mảnh pháo, đi lại còn khó khăn huống chi làm việc để nuôi thân. Có hai người con gái lấy chồng ở Tây Nguyên, nhưng ông không khoái ở chung với rể, nên về với cháu trai.

Ông cụ Tám Bằng chỉ chờ có dịp là hào hứng kể lại chuyện đời mình, từng lưu lạc suốt từ H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định lên vùng rừng núi Tây Nguyên, chạy lòng vòng tránh chiến tranh mà rốt cuộc vẫn bị mảnh pháo giặc văng bể ống chân phải, rồi lại rời Gia Lai về đây, thuộc H.Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Vợ chồng bà Sáu Đông sinh năm người con. Thời bao cấp kinh tế khó khăn, nuôi đàn con ăn học đã thấy oải, huống chi phải nuôi thêm ông chú tàn tật. Người trong họ cũng nói vợ chồng ông bà "ôm rơm nặng bụng". Ông Tám Bằng còn hai người con gái chớ có phải độc thân đâu mà rước về cho thêm cực. Ông chồng đôi lúc cũng ngại, nói điều đó với vợ, nhưng bị bà Sáu Đông gạt đi: “Ai nói gì mặc kệ người ta. Chú như cha, mình nuôi ổng cũng như nuôi cha mình vậy”.

Hồi mới về ở với cháu, ông Tám Bằng còn trẻ, nên còn chống nạng phụ dọn dẹp trong nhà, quét sân quét cổng hoặc lặt rau, nấu nước, tự giặt đồ của mình. Nhưng càng già, cái chân ông càng bị teo, đi lại vô cùng khó khăn. Cũng may, bà Sáu Đông không nề hà việc chăm sóc chú chồng, lo cho chú từ miếng ăn, giấc ngủ. Năm 2017, ông cụ được Chủ tịch nước tặng quà nhân lễ mừng thọ 100 tuổi, đã xúc động nói: “Tui sống thọ được đến hôm nay để có vinh dự này, là nhờ vợ chồng con Sáu”.

Bảy năm trước, chồng bà Sáu Đông bị bệnh rồi qua đời. Cụ Tám Bằng thương cháu trai khóc mất mấy ngày. Nhiều người khuyên cụ nên về ở với con gái, chứ cháu ruột mình chết rồi, ở với cháu dâu kỳ lắm. Dù không muốn, nhưng ông cụ vẫn ngược lên Gia Lai với con gái và các cháu ngoại. Được một thời gian, không hiểu sao cụ vào chùa ở. Bà Sáu Đông nghe tin, vội bỏ hết việc nhà, lặn lội lên Gia Lai, vào chùa kiếm ông chú, lại mang về nhà chăm. Cho đến bây giờ đã mấy chục năm, ông cụ vẫn là thành viên chính trong gia đình, được cháu dâu và con cháu của bà thương yêu, chăm sóc chu đáo. 

Ngồi nói chuyện với chúng tôi chừng 20 phút, ông cụ kêu mỏi muốn đi nghỉ. Bà Sáu Đông vừa dìu ông chú tàn tật vô nhà, vừa vui vẻ nói: “Chăm người già cũng cực lắm, nhưng tui coi ổng như cha chồng, nên không nề hà chi”. 

Đến bây giờ, bà con dân làng mỗi khi nhắc đến chuyện gia đình bà Sáu Đông đều khen ông cụ Tám Bằng có phước, vợ chồng bà Sáu Đông hiếu thảo. Ở đâu đó, còn nghe vài chuyện đau lòng vì con cái đẩy cha mẹ đẻ ra đường, hắt hủi chia nhau nuôi cha mẹ mỗi người một tháng, thì việc nuôi chú chồng của bà Sáu Đông thật đáng trân trọng và suy ngẫm. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI