Chăm sóc vùng kín bé gái

19/10/2015 - 09:21

PNO - Vùng kín của bé gái dễ viêm nhiễm, do đó cần có sự chăm sóc tỉ mỉ lẫn hướng dẫn cặn kẽ khi bé vào tuổi dậy thì...

Khi con còn nhỏ

Không ít phụ huynh lo lắng khi phát hiện con gái ngay trong tuần lễ đầu sau sinh, xuất hiện huyết trắng. Đây là huyết trắng sinh lý bình thường do lượng nội tiết tố giảm. Điều cần làm là vệ sinh vùng kín cho bé bằng nước sạch, chặm khô, một thời gian ngắn sẽ hết.

Bé có thể bị viêm âm đạo do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân mẹ chăm sóc không kỹ, dùng giấy vệ sinh kém chất lượng, lau chùi không đúng cách sau khi đại tiện khiến vi khuẩn đường ruột xâm nhập vào âm đạo.

Sai lầm mà nhiều bà mẹ thường mắc là vệ sinh cho bé quá sâu, quá kỹ khiến bé bị trầy xước niêm mạc âm đạo hoặc ngược lại, lơ là không rửa sạch, chặm khô sau khi đi tiểu. Cả hai sai lầm này đều khiến bé bị ngứa rát, khó chịu, ngủ không ngon.

Vệ sinh vù g kín cho bé sao cho đúng? TS Lê Thị Thu Hà - Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM hướng dẫn, mỗi ngày tắm bé một lần. Khi tắm bé, thấm khô bộ phận sinh dục bằng khăn mềm mỏng. Sau khi bé tiêu, tiểu, lau bộ phận sinh dục bằng khăn mềm ướt và thấm khô nhẹ nhàng.

Bé còn nhỏ, đi ngoài nhiều lần, do đó tã giấy được sử dụng để bé không “làm bậy”, đỡ công chăm sóc. Hiện nay, tã giấy được quảng cáo là thấm hút tốt, luôn giữ cho bé khô ráo nhưng theo bác sĩ

Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, lượng nước vẫn nằm tại chỗ và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, do đó khi dùng tã giấy cần “thăm khám” và thay đúng lúc để vùng kín không ngập trong “rác thải”.

Thực chất, tã giấy tiện nhưng tốn kém (nếu dùng đúng để bé không bị nhiễm trùng, hăm…). Ngoài ra, khi dùng tã giấy bé không được tập thói quen đi tiểu tiện theo tiếng “xi”, ngồi bô… Các bé mặc tã giấy thường xuyên, ngoài việc dễ viêm nhiễm, hăm còn có thêm “tật” đái dầm trong thời gian dài thậm chí đến năm sáu tuổi.

Vì vậy, chỉ nên mặc tã giấy khi đi chơi xa, còn khi ở nhà nên cho mặc quần vải và tập thói quen “xi” bé mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, sau khi ăn uống… Khi bé ngồi vững thì tập cho bé ngồi bô.

Dạy con tuổi dậy thì

Cham soc vung kin be gai
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tuổi dậy thì trước đây thường là khoảng 13 tuổi, nhưng thời nay do nhiều nguyên nhân, các bé dậy thì rất sớm, và thường có những đợt kinh không đều. Trong những ngày có kinh nguyệt, nên tắm rửa bình thường không kiêng cử, nhưng cần tắm nơi kín gió.

Thay băng sau mỗi bốn tiếng và phải lau rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch. Máu kinh sạch nhưng sau khi thoát khỏi cơ thể lại là môi trường thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển. Nếu vừa thay xong mà “ngập lụt” ngay, cần thay tiếp, giữ vùng kín khô ráo ở mức tốt nhất có thể.

Từ tuổi dậy thì trở đi, cổ tử cung, âm đạo, tuyến quanh âm hộ sẽ tiết dịch nhầy. Khi có chu kỳ, cửa tử cung hơi hé mở. Nếu vệ sinh không đúng cách, dịch bị nhiễm trùng sẽ nặng mùi, đổi màu... Khi thấy dấu hiệu này nên đến bác sĩ khám.

Đừng ngại ngùng, các bác sĩ sẽ có cách điều trị hiệu quả. Nếu không điều trị, bệnh sẽ nặng do vi khuẩn tiến vào âm đạo, lên cổ tử cung, tử cung… gây viêm nhiễm, bé sẽ bị đau bụng, huyết trắng đổi màu, có mùi khó chịu.

Việc điều trị lúc này rất khó khăn, di chứng nặng nề. Đây là một trong những nguyên nhân gây thai ngoài tử cung, hiếm muộn do tắc ống dẫn trứng, dính tử cung… sau này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI