Làm gì để không bức bối khi bên nhau suốt ngày?

13/06/2021 - 05:57

PNO - Với nhiều người, dịch COVID-19 mang lại cơ hội để “sống chậm”, có thời gian gần gũi với chồng/vợ, cha mẹ, con cái, một sự gắn kết thiêng liêng bền vững vô tình được hình thành… Tuy nhiên, cũng vì giãn cách xã hội, không ít gia đình rơi vào bi kịch vì… phải quá gần nhau.

Chồng trở nên hung dữ

“Tôi sắp điên rồi!” - Trinh nức nở bên kia điện thoại. Đây là lần thứ ba cô gọi cho Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ TP.HCM kể từ ngày con hẻm ở P.15, Q.Gò Vấp bị phong tỏa.

Trinh là công nhân, chồng làm thợ hồ. Hai vợ chồng từ Thanh Hóa vào TP.HCM sống từ năm 2010. Bình thường, cả ngày vợ chồng đi làm, hai cậu con trai 14 và 16 tuổi tự quản chuyện học hành, ăn uống. Hai đứa trẻ thông minh, học tốt, tự giác việc nhà dù đang cái tuổi “dở ông, dở thằng”. 

“Vậy mà chỉ mấy ngày cách ly, nhà tôi đã rối thành một nùi!” - chị Trinh than phiền. Do ở nhà suốt ngày, chồng chị thấy tụi nhỏ châu đầu trên máy tính, điện thoại chơi game thì la làng, bắt tắt máy. Chị mở ti vi xem thời sự hay phim truyền hình anh nói nhức đầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ban đầu bọn nhỏ nghe lời. Nhưng đến ngày thứ hai, bọn nhỏ chống đối: “Không có điện thoại, không có máy tính thì giờ bố bắt tụi con làm gì đây? Cái nhà đã lau, quần áo đã phụ mẹ giặt phơi xong hết rồi, xe bố, xe mẹ đã rửa… Chẳng lẽ bố bắt tụi con ngủ suốt ngày như bố?”.

Ông bố giận lên, quát chửi con, rồi quay qua mắng vợ không biết dạy con… Chị Trinh bị ức chế, bực bội cả ngày nên khi tối, anh “đòi hỏi”, chị cự tuyệt. Thế là chiến tranh lạnh xảy ra.

Trinh lên Zalo chat với bạn bè, xem Facebook người quen thì anh nổi ghen, hai người cãi vã. Trong cơn giận, anh đập máy tính bảng của vợ. Trinh nói, đây là lần đầu tiên anh ấy hung hãn với tôi trong 17 năm chung sống. 

Bức bí phận ở rể

Quân và Hương là công nhân của một công ty may mặc. Quê Quân ở Quảng Ngãi, còn Hương gốc Cần Thơ. Cuộc sống khó khăn nên từ năm 2000, ba mẹ Hương đưa năm người con lên Q.12, TP.HCM thuê nhà rồi cùng tỏa ra đi làm thuê.

Hương được học hết cấp III và xin làm ở xí nghiệp may. Cô gặp và yêu Quân ở đấy, hai người cưới nhau 5 năm, có một cô con gái xinh xắn. Quân ở rể, gia đình Hương cũng rất thương chàng rể siêng làm, chăm lo tốt cho vợ con, hiếu thuận với gia đình vợ. 

Thế nhưng chỉ sau ít ngày giãn cách xã hội, Hương đã khủng hoảng vì phải ở thế giằng co giữa mẹ, hai chị gái và chồng. Công ty vợ chồng Hương bị tạm dừng làm việc một tuần, khu phố nơi cả nhà đang thuê trọ bị phong tỏa khiến mọi người đều “bị nhốt” trong nhà. Các anh em cột chèo trong đại gia đình rủ nhau nhậu liên tục. 

Hương kể: “Bắt đầu cuộc nhậu nào, các anh cũng vui vẻ lắm, nhưng nhậu một lát lại cãi nhau. Ba ông anh rể và anh trai đều dân Cần Thơ, chỉ có chồng em là người miền Trung. Uống vô là phân biệt vùng miền rồi la ó, chửi bới. Các chị thì bênh chồng, mẹ em bênh con trai. Chồng em uất ức, vào phòng là đập đầu vô tường, nói tủi phận chó chui gầm chạn…”. 

Mỗi lần như vậy em khuyên can ảnh, nhưng lần nào cũng vậy, đến hai ba ngày sau anh mới chịu xuống nhà ăn cơm chung. Xung đột đến cực điểm, vợ chồng em tách ăn riêng một tuần nay. Chồng em suốt ngày nằm trong phòng không bước xuống phòng khách.

Mẹ và các chị hễ không gặp thì thôi, thấy em xuống nhà đi đổ rác, lấy thức ăn trong tủ lạnh lên nấu ăn thì lại chì chiết: “Mày hầu nó như hầu vua!”. Chắc em không sống nổi. 

Lẽ nào không lối thoát?

Chị Trinh kể rằng có lần vợ chồng cãi nhau, chị giận dữ gào lên: “Suốt ngày sống trong bốn bức tường và không khí gia đình vầy, tôi không sống nổi nữa!”. Lập tức chồng chị và hai đứa nhỏ cũng gào lên như vậy.

Sau đó, cả bốn người nhìn nhau trong bế tắc. Anh lặng câm bỏ lên gác. Hai thằng con trai thui thủi ra ngồi trước phòng trọ, còn Trinh sững sờ đứng giữa nhà. 

Quân cũng tâm trạng vô cùng. Anh nói: “Chuyện gia đình vợ phân biệt vùng miền, nói tôi và gia đình tôi bủn xỉn đã nhiều lần, nhưng tôi nín nhịn vì vợ con. Tôi cũng muốn ra riêng, thuê phòng trọ từ lâu rồi, nhưng Hương muốn sống chung với gia đình. Nay, muốn dọn ra ngoài thuê phòng ở riêng cũng không có lối!”.

Chị Trịnh Thị Kiều Thu, chủ một tiệm trà sữa ở khu phố 6, P.8, Q.Gò Vấp, kể: “Chỉ sau một tuần bị phong tỏa vì ca nghi nhiễm COVID-19 thôi, mà nhiều gia đình xóm tôi trở nên rối loạn, nhất là tại các khu nhà trọ.

Năm ngoái, khi thực hiện giãn cách lần đầu tiên, mọi người mọi nhà có thể thư giãn bằng những chầu karaoke tại gia. Nhưng từ tết tới nay, thú thư giãn ấy đã hoàn toàn bị cấm. Hễ ai mở nhạc to còn có thể bị kiện và xử phạt nói gì đến hát ca”. 

Hãy “bước ra” khỏi khu nhà trọ…

Mỗi người trong gia đình nên "lùi" một chút để các "cuộc chiến" không xảy ra giữa bốn bức tường?

Theo thạc sĩ xã hội học Phan Thị Hoài Yến - Khoa Tâm thể Bệnh viện TP.Thủ Đức - nhiều cặp vợ chồng đã kết hôn 5 năm, 10 năm thậm chí là 30 - 40 năm, nhưng dễ gì có chuyện cả ngày 24/24 tiếng ở chung trong căn phòng 4x4m. Giờ bị “cột” lại cả ngày nhìn nhau, dễ chướng tai, gai mắt.

Thạc sĩ Hoài Yến chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với cảm giác của mọi người, đặc biệt là giới nữ, vốn dễ tổn thương, dễ tích lũy cảm xúc tiêu cực. Cảm giác bức bối trong bốn vách tường nơi phòng trọ thường xuất phát từ việc đối diện với nỗi lo sức khỏe, dịch bệnh, tiền ăn, tiền thuê nhà cùng bao sinh hoạt khác.

Thêm nữa là cảm giác bức bối khi nhìn cảnh chồng/vợ nằm khoèo và con cái giành đồ chơi, áo quần cả đống phải giặt giũ phơi phóng, cơm ngày nào cũng phải nấu hai, thậm chí là ba bữa, mà không có thu nhập… 

Tôi nghĩ, bây giờ các thành viên đừng nhìn vào nhau trong gian phòng chật chội, mà hãy cùng tìm cách “bước” ra khỏi không gian chật hẹp ấy. Chị Trinh không nên chat với bạn một mình, mà hãy rủ chồng tham gia trò chuyện cùng nhóm bạn. Chị hãy khuyên chồng, cùng chơi game, lướt net với con. 

Anh Quân hãy nghĩ rộng ra, gạt đi tư tưởng vùng miền hay câu đùa trên bàn nhậu để nghĩ về tình cảm 5 năm gắn bó với gia đình vợ… Không phải các đôi lứa yêu nhau cứ về một nhà là hạnh phúc.

Người ta vẫn ví von kết hôn là một hành trình để đi đến hạnh phúc, luôn cần sự điều chỉnh liên tục của con người để thích nghi với hoàn cảnh. Hãy xem việc cách ly, phong tỏa là thử thách trên hành trình hôn nhân để mỗi người tự điều chỉnh và thích nghi”. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - cho biết:

Nhiều người, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động tự do… rơi vào cảnh khó khăn bởi mất việc làm, giảm thu nhập. Nhiều trẻ không thể đến trường, vất vả với việc học trực tuyến, và đối mặt với những kỳ thi cuối cấp đầy hoang mang… nên các gia đình rơi vào khủng hoảng.

Thực tế đó, chúng tôi - những người làm công tác công đoàn, bạn đồng hành của người lao động ở thành phố này, đã nhận thấy. 

Trước mắt các công ty, đơn vị đang quan tâm, tìm lối duy trì sản xuất an toàn, để công nhân, người lao động không bị ảnh hưởng đời sống khi việc làm đình trệ, giảm thu nhập vì dịch bệnh.

Trạng thái căng thẳng trong các mối quan hệ gia đình của người lao động là một thực trạng đáng lưu ý và việc chăm lo, hỗ trợ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động cũng là một phần nhiệm vụ của Liên đoàn Lao động cùng tổ chức công đoàn, các đoàn thể phải hướng đến và tìm giải pháp.

Diễm Chi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI