Bảo vệ con gái

17/01/2016 - 07:55

PNO - Ai cũng nghĩ, đương nhiên phải dạy trẻ biết giữ khoảng cách với người khác phái. Nhưng giải thích sao đây để con gái biết mức độ an toàn?

Mười tuổi, con gái đầu lòng của tôi chưa dậy thì, nhưng đã khá mũm mĩm, cao ráo. Đi cà phê với mẹ, bé rụt rè bảo: “Chú cho con xin sốt mayone để ăn khoai tây chiên”. Cậu nhân viên trạc ngoài hai mươi mỉm cười nói “Em kêu “anh” được rồi!”. Đơn giản thế thôi, mà “hai trẻ” bỗng ngượng ngùng với nhau từ lúc ấy tới tận khi mẹ con rời quán…

Chuyện chỉ có vậy, nhưng lại khiến tôi nghĩ ngợi. Lâu nay, tôi luôn chủ quan cho rằng, con mình còn bé tẻo teo, vẫn đang bám váy mẹ, chứ không nhận ra, bé đã bắt đầu ở giai đoạn có những giao tiếp nhất định với người lạ. Tôi bắt đầu lo ngại, bất an, như bao bà mẹ khác có con gái trên đời này.

Sực nhớ, mới hôm qua đây thôi, con đã quay đi khi gặp một cảnh nóng trên ti vi. Khi đã hiểu, những pha “người lớn” ấy không dành cho lứa tuổi của mình, thì cũng có nghĩa, con bé hẳn phải tiếp nhận một số thông tin nhất định rồi.

Bao ve con gai
Ảnh minh họa

Chưa khi nào trẻ con có nhiều môi trường và điều kiện để quen biết, kết bạn với nhau như bây giờ. Tôi quyết định chưa sắm cho con điện thoại di động như mong mỏi, dù xung quanh, nhiều bạn học của con đã lác đác làm quen với món đồ chơi cực kỳ hấp dẫn ấy.

Cứ hình dung cảnh con bé có thể chủ động gọi hay nhắn tin với mấy thằng cu nào đó mà mình không biết, là đủ để tôi lần lữa mãi. Tất nhiên, đấy cũng là phương tiện cần thiết để liên lạc và quản lý con, nhưng dạy con xài điện thoại thế nào cho hữu ích, đúng người đúng việc, cũng là chuyện đáng để các bà mẹ quan tâm.

Rồi chắc chắn con gái sẽ chơi game, nối mạng, đủ thứ. Liệu con có biết tự suy nghĩ trước mọi vấn đề, phòng tránh các cạm bẫy trên mạng, những gọi mời “thử cho biết”, ham vui, ham mới lạ hay chưa? Thử hỏi Google mà xem, nhan nhản những chuyện con gái bị dụ dỗ bỏ nhà theo bạn chat “đi chơi vui lắm”, con gái bị hãm hại hội đồng sau khi được “cứu net” này nọ…

Nghe kinh khủng, dễ sợ, nổi cả da gà, cứ như thể đó là chuyện của ai kia, một tầng lớp gia đình “cá biệt” nào đấy, chả liên quan đến mình. Con mình hiền ngoan, bé dại, khờ lắm, chỉ quanh quẩn đi học thôi chứ nào đã biết gì. Những chuyện tày trời ghê gớm kia thuộc về một thế giới khác, phức tạp, hỗn loạn, xấu xa, chứ con mình thì…

Chắc hẳn, nhiều bà mẹ cũng như tôi, từng đinh ninh như thế trước khi xảy ra sự cố đáng tiếc. Cảm giác bàng hoàng không tin được ấy, tôi cũng từng một lần nếm trải, khi tìm thấy trong cặp đi học của con gái vài tờ giấy rời, với nội dung là các bài nhạc trẻ yêu đương nhăng nhít thay đại từ “anh”, “em” bằng… tên riêng. Phải làm sao trước tình huống khó đỡ này? Tôi rối bời vì quá sốc, bởi không thể tưởng tượng nổi con mình lại có thể… hư hỏng đến mức vậy!

Trên facebook, tôi nhớ có bà mẹ trẻ thuật lại câu chuyện về con mình, rằng vì con có má phính mềm mại nên bạn A (một cậu trai) rất thích sờ má con… Bà mẹ ấy ngay lập tức giảng một bài, chỉ có bố mẹ và những người rất thân yêu mới được chạm vào cơ thể của con. Có những “khu vực” chỉ có mẹ mới được chạm vào để chăm sóc cho con. Đến khi con có thể tự lo liệu cho mình, thì ngay cả mẹ cũng không được chạm vào chỗ riêng tư của con nữa. Chứ không thể, cứ ai bảo, sờ vào thích lắm, rất mềm mại, là con cho họ toại nguyện!

Cách đây không lâu, bọn con gái mới lớn trên mạng xã hội truyền tay nhau hình ảnh con gái của một cô ca sĩ, kèm theo nhiều bình luận có phần không hay. Ở trang cá nhân, bà mẹ của công chúng đã bày tỏ thái độ thẳng thắn để bảo vệ con gái trước những bình luận khó nghe của cư dân mạng.

Đứa con gái ấy, hẳn sau cú sốc bất ngờ, sẽ trở nên thận trọng và e dè hơn khi giao tiếp với cái thế giới tưởng chừng hư ảo, nhưng gạch đá thì lại thật đến đau lòng. Cô bé đó, may mắn thay, còn có mẹ đỡ đần bênh vực. Sẽ ra sao, nếu con gái của bạn, của tôi một mình đương đầu với những cơn bão đến từ bàn phím, để rồi có thể làm những chuyện dại dột cực đoan mà chính nó cũng không ngờ tới?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI