Báo Phụ Nữ - “nạng chống” giúp tôi vượt khó khăn, mặc cảm

21/06/2022 - 06:00

PNO - Những lúc chông chênh nhất, tôi được tiếp sức để vượt qua mặc cảm của khuyết tật, của hoàn cảnh nghèo khó khi đọc những bài viết trên Báo Phụ Nữ.

Năm 2012, tôi bất ngờ nhận cuộc gọi của một cô gái lạ, giọng trẻ măng. Khi biết đó là nhân viên Báo Phụ Nữ TPHCM mời tôi đến nhận giải cuộc thi viết “Chuyện tình của tôi” do Báo tổ chức, tôi mừng không kể xiết.

Qua vài câu thăm hỏi, tôi biết tên của cô gái ấy, lại đúng là cô phóng viên với giọng văn rặt miền Tây mà tôi yêu thích bấy lâu, tôi càng vui hơn (do cô phóng viên này không muốn nêu tên nên tôi tạm gọi là cô Út).

Tôi chia sẻ với cô rằng tôi mong một lần được làm quen những cây viết quen thuộc của quý báo, muốn nhìn tận mặt chị Hạnh Dung thông thái luôn hợp lý hợp tình trong mục “Nhỏ to tâm sự”, muốn gặp anh phóng viên Trường Sơn. Cô Út bật mí cho tôi biết Trường Sơn là… phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh nhận giải cuộc thi viết “Chuyện tình của tôi” do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức năm 2011-2012
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh nhận giải cuộc thi viết “Chuyện tình của tôi” do Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức năm 2011-2012

Sau dòng tâm sự miên man của tôi, cô Út vui cười nói: “Dạ thì bây giờ mình là người quen của nhau rồi nè cô!”. Một câu nói mộc mạc, đầy tình cảm khiến tôi rưng rưng. Nào có ngờ một bà già bị tật ở chân, làm thợ may ở một huyện ngoại thành như tôi lại được ưu ái đến vậy: gửi bài đầu tiên đã được đăng, được đoạt giải, lại được nhận… bà con.

Đã 10 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp, lâng lâng khi nhấc chân lên bục lãnh giải trong vòng tay dìu đỡ của nhiều người trong ban tổ chức và các tác giả khác.

Kể làm sao hết bao lần dìu đỡ của Báo Phụ Nữ đối với tôi. Những lúc chông chênh nhất, tôi luôn có quý báo làm bạn đường, làm “nạng chống” cho mình. Tôi như được tiếp sức để vượt qua mặc cảm của khuyết tật, của hoàn cảnh nghèo khó khi đọc những bài viết về các gương khát vọng sống.

Tôi tự nhủ: “Đời mình vẫn còn may, chưa đến nỗi nào”. Thông qua nhịp cầu Báo Phụ Nữ, mọi người truyền cảm hứng sống cho nhau thế này cũng ấm áp lắm rồi.

Báo Phụ Nữ trong lòng tôi như cô tiên giúp đỡ những người nghèo, gặp tai ương, bị lừa lọc, bạo lực, xâm hại… Họ không biết luật lệ, không biết cách để giành lại công bằng cho mình. Quý báo đã cất tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ họ, bảo vệ lẽ phải.

Đến tuổi 80, tôi chưa từng được học lớp kỹ năng, nghệ thuật giao tiếp nào, may mà có Báo Phụ Nữ với những bài viết sắc sảo về ứng xử, giáo dục gia đình, chia sẻ kinh nghiệm sống.

Hàng trăm, hàng ngàn bài báo ngấm dần để tôi thay đổi mình từng ngày trong vai trò làm mẹ, làm bà… Tôi nhận ra dạy con cháu đừng nên áp đặt hay quá nôn nóng. Và điều tiên quyết là người lớn phải sống thật tốt như những giá trị mà mình muốn truyền dạy cho trẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh đọc báo Phụ Nữ vừa để mở rộng hiểu biết vừa để thưởng thức văn chương.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh đọc báo Phụ Nữ vừa để mở rộng hiểu biết vừa để thưởng thức văn chương.

Trước Tết Nhâm Dần 2022, cô Út đột ngột ghé nhà tôi với khẩu trang, khăn nón bít bùng khiến mất chục giây tôi mới nhận ra. “Đây, con để dành báo cho cô nè! Đợt giãn cách để phòng chống COVID-19, hạn chế ra đường, chắc cô mua bị sót nhiều số báo. Cô khỏe khỏe viết bài cộng tác cho báo nữa nhen cô!” - cô Út nói vội rồi quay xe tiếp tục chuyến công tác.

Tôi lê bước ra cửa, trông theo dáng cô Út khuất dần rồi ôm lấy bao vàng bạc, kim cương - thật ra là chồng Báo Phụ Nữ cũ - như thể chỉ chậm vài giây nữa sẽ bị ai giật mất.

Báo Phụ Nữ TPHCM trong lòng tôi “hùng vĩ” và thân thương vậy đó!

Nguyễn Thị Kim Oanh (Hóc Môn, TPHCM)

Tô Diệu Hiền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI