“Bánh mì kẹp” gây tâm lý e ngại kết hôn và sinh con

05/06/2023 - 13:29

PNO - Khái niệm “bánh mì kẹp” là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra, xuất hiện trong những năm gần đây nhưng thực tế vấn đề này đã có từ lâu, đặc biệt phổ biến ở các nước Á Đông.

 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Tại Trung Quốc, đất nước xem trọng truyền thống “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường”, ước tính có khoảng 35,5% các cặp vợ chồng trong độ tuổi 30-59 sống cùng cha mẹ và con cái. Một nghiên cứu khác dựa trên dữ liệu khảo sát quốc gia cho thấy trong số những người ở độ tuổi 45-64, có khoảng 1/3 sống cùng ít nhất 1 cha mẹ vợ/cha mẹ chồng và 1 đứa con. 

Hàn Quốc là quốc gia có số lượng thành viên thế hệ “bánh mì kẹp” cao nhất so với các quốc gia châu Á. Hiện nay, Hàn Quốc vẫn duy trì hệ thống gia đình lớn gồm đủ các thế hệ ông bà và con cái. Cũng như thế hệ “bánh mì kẹp” ở các nước khác, mối quan tâm lớn ở Hàn Quốc là chi phí chăm sóc cha mẹ già. Đây cũng là quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới những năm gần đây.

Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác vẫn có thể đánh giá dựa trên số liệu thống kê dân số phụ thuộc. Năm 2022, tỉ lệ dân số phụ thuộc (bao gồm dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên) là 46,1%. Cụ thể, tỉ lệ trẻ em phụ thuộc (dưới 15 tuổi) là 33,5% đang có xu hướng giảm và tỉ lệ người cao tuổi phụ thuộc (trên 65 tuổi) là 12,6% đang có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Theo các chuyên gia tâm lý và các chuyên gia nghiên cứu đời sống xã hội, việc đảm đương trách nhiệm chăm sóc người khác trong khi bản thân chưa đủ vững vàng về khả năng tài chính và chưa được chuẩn bị tinh thần kỹ khiến nhiều người khủng hoảng tinh thần trầm trọng, càng gây tâm lý e ngại kết hôn và sinh con. Tỉ lệ sinh giảm, sự già hóa dân số gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, gia tăng áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi.

Để giảm tải gánh nặng, cần kiến nghị thêm các biện pháp giảm hoặc miễn phí bảo hiểm y tế cho người già, giảm học phí cho con của các cặp vợ chồng “bánh mì kẹp”, tăng mức giảm trừ gia cảnh nhiều hơn.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Cần thay đổi quan niệm đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Để làm được điều này cần đến vai trò của an sinh xã hội cho đại bộ phận đều có cơ hội tiếp cận các hình thức viện dưỡng lão được đầu tư tốt với mức chi phí hợp lý. 

Bên cạnh đó, cần đào tạo về kỹ năng lập kế hoạch tài chính cho thế hệ đang là lực lượng lao động chính. Cụ thể, những người thuộc thế hệ “bánh mì kẹp” nên chủ động xây dựng kế hoạch tài chính cho tương lai xa để nhu cầu sống luôn được đảm bảo, nhìn nhận những mặt tích cực, những ưu điểm của gia đình nhiều thế hệ đồng thời có kế hoạch đúng cho tương lai.

Mộc Miên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI