Yêu chồng, gánh cả giang sơn nhà chồng

27/02/2020 - 09:17

PNO - Không ít phụ nữ tự thấy mình vụng về, không giỏi tề gia nội trợ. Họ gặp không ít áp lực, nhất là khi phải làm dâu. Bởi làm gì cũng sai hoặc bị chê, cô dâu dễ nản lòng, kém tự tin hơn, thậm chí không dám làm nữa.


Một số người vợ khác không phải làm dâu hoặc cũng làm dâu nhưng may mắn gặp gia đình chồng dễ tính, thì thường nhờ vả mẹ chồng, chị chồng, mẹ ruột hay người giúp việc đảm đương giúp việc nhà. Đó là còn chưa kể, một số phụ nữ không phải không khéo, mà ngại việc nhà, nên phó thác hết cho người khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm vợ, dẫu yêu thương chồng nhiều bao nhiêu nhưng không thể quán xuyến được việc nhà, thì bản thân cũng không cảm thấy hài lòng, và hạnh phúc gia đình cũng không được trọn vẹn.

Thật ra việc quán xuyến gia đình cũng là một kỹ năng. Mà kỹ năng thì có thể học. Không đến nỗi con cá phải leo cây. Chỉ cần chú tâm và đầu tư thời gian một chút, phụ nữ chúng ta đều có thể tề gia nội trợ, tuy không xuất sắc nhưng vẫn là người có thể chăm sóc gia đình.

Chẳng hạn về món ăn, bạn có thể tích lũy cho mình một “món ruột” mà chồng con yêu thích nhất. Bữa cơm gia đình đặc biệt không phải ở chỗ nấu ăn chuẩn mực, mà ở mức độ chăm sóc, ân cần và quây quần bên nhau. Chỉ cần lưu ý một vài điểm để cơm không “trên sống dưới khê”, hay món kho thành món chè, thì hầu như ai cũng có thể nấu được một bữa ăn bình thường. Một thái độ ngọt ngào, khiêm tốn học hỏi và không nản lòng khi bị phê bình, góp ý sẽ giúp phụ nữ chúng ta được thông cảm nhiều hơn và cũng có thể “nâng tay nghề” sau đó. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Phương Dung (Q.2, TP.HCM) vốn chưa từng nấu ăn trước khi về nhà chồng. Nhưng khi đã là vợ, chị cũng bắt đầu học cách tự nấu nướng. Những bữa cơm đầu tiên chẳng món nào ra món nào, nhưng chị không nản lòng. Chị tranh thủ về nhà học bí quyết của mẹ. Có khi đang nấu cũng gọi điện thoại về hỏi mẹ phải làm gì tiếp theo. 

Chồng mới cưới nên thương, bảo chị cứ ra tiệm ăn cho đỡ cực. Nhưng chị hiểu cái bếp gia đình cần ấm lửa nên không nuông chiều bản thân, mà vừa đi làm, vừa học mẹ cách nấu. Rồi chị cũng quen dần với việc bếp núc. Bây giờ gia đình chị rất đầm ấm, hạnh phúc.

Về chuyện sắp xếp, dọn dẹp hay giao tiếp trong nhà, hàng xóm, họ hàng gần xa, chúng ta hoàn toàn có thể hỏi ý kiến người lớn, chú ý học hỏi, sửa sai, dần dần cũng sẽ làm tốt nhiệm vụ quán xuyến việc nhà.

Cô Thùy Trang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại lần cô được gia đình chồng giao tổ chức đám giỗ vì là dâu trưởng. Nhưng vốn là con út trong nhà nên cô chẳng biết gì. Kết quả là đám giỗ hôm ấy, cô làm sai cái này, thiếu cái kia, bị trách móc đủ kiểu. Nhưng cô học hỏi kinh nghiệm, lần sau, cô hỏi trước mẹ chồng thật kỹ, cũng sửa được những sai sót trước đây. Dần dà, cô trở thành dâu trưởng xứng đáng của cả dòng họ. 

Nếu vì vài va vấp ban đầu hay ngại khó mà giao phó việc nhà cho người khác, chúng ta sẽ gặp phải nhiều trở ngại sau này. Hạnh phúc gia đình lại phụ thuộc vào bữa cơm mẹ hay người giúp việc nấu, chuyện nhà chuyện gia tộc mà người ngoài rành hơn con dâu, thì bên chồng và cả chồng cũng khó vui lòng. 

“Yêu chồng gánh cả giang sơn nhà chồng”. Cái “gánh giang sơn” ấy sẽ nhẹ dần đi khi phụ nữ chúng ta kiên trì nỗ lực, học hỏi. Mọi người sẽ nhìn thấy, trân trọng những cố gắng của bạn và sẵn lòng hỗ trợ bạn. 

Phương Trinh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI