Từ thế giới yên lặng của mẹ

23/03/2021 - 15:01

PNO - Hình ảnh đứa bé gầy gò với vô số vết thương ám ảnh Hiếu. Anh quyết định mở các lớp dạy cho trẻ khiếm thính.

Sau khi du học tại Mỹ, người thanh niên Lê Đình Hiếu về nước theo đuổi con đường giáo dục. Anh khai sinh dự án "Hear us Now" - giúp đỡ trẻ khiếm thính học tiếng Anh, tin học và hướng nghiệp với một lý do rất ngọt ngào.

Làm gì đó cho những người như mẹ

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng những hồi ức đẹp của một đứa con về mẹ. Anh Lê Đình Hiếu (cha đẻ dự án “Hear us Now“ (HUN), người đỡ đầu cho hơn 300 trẻ em khiếm thính tại TP.HCM) kể rằng, tuổi thơ của anh hạnh phúc trong những thanh âm ngọt ngào đầy tình yêu cuộc sống của mẹ. 

Mẹ anh dạy thanh nhạc, buổi tối, mẹ thường tập nhạc cho chị em Hiếu. Đến một ngày, anh thấy mẹ đeo máy trợ thính và bà tiết lộ đã chẳng còn nghe được suốt hai năm trời. Hai năm ấy Hiếu hoàn toàn không nhận ra những khó khăn của mẹ.

Mẹ vẫn nhẫn nại, dịu dàng, cũng chưa một lần khóc hay để con cái thấy sự tuyệt vọng. Mẹ đã trao cho chị em Hiếu một món quà lớn, đó là sự tích cực, lạc quan, nhưng mẹ không bao giờ có thể nghe tiếng gọi “mẹ ơi” một cách tròn trịa, đủ đầy nữa. Năm ấy, Hiếu mới học lớp Chín.

Học giỏi, nhận học bổng toàn phần và tốt nghiệp thủ khoa đại học UCLA (Mỹ), cơ hội làm việc ở các tập đoàn rộng mở, nhưng Hiếu đã chọn về Việt Nam để… làm gì đó cho những người như mẹ. 

Anh Lê Đình Hiếu - người sáng lập dự án HUN
Anh Lê Đình Hiếu - người sáng lập dự án HUN

Năm 2014 anh Lê Đình Hiếu bắt đầu dự án HUN. Lúc đầu, anh chỉ kể câu chuyện giản dị về những người khiếm thính bằng hình ảnh, nhằm mục đích có được 2.000 USD tiền giải thưởng cho những đứa trẻ kém may mắn. Nhưng dự án đó không được chọn.

Càng đi sâu vào mỗi mảnh đời anh càng chứng kiến sự bất công với người khiếm thính. Buổi chiều nọ, Hiếu chứng kiến câu chuyện đau lòng của cậu bé khiếm thính 11 tuổi. Bố mẹ của cậu bé ấy bị câm điếc. Cậu bé đi bán vé số và không về. Họ tìm thấy cậu trong ngôi nhà hoang. Cậu bị xâm hại tình dục tàn bạo.

Đau đớn, bàng hoàng anh muốn giúp gia đình, nhưng khi hỏi cha mẹ của bé có muốn gọi công an hay thuê luật sư không, họ lại chỉ mong đứa trẻ mau lành để tiếp tục đi bán vé số.

Hình ảnh đứa bé gầy gò với vô số vết thương ám ảnh Hiếu. Anh quyết định mở các lớp dạy cho trẻ khiếm thính.

Những lớp học đầu tiên ấy, anh dạy bọn trẻ cách tự bảo vệ mình. Anh làm việc ấy một mình, cuối tuần nào anh cũng mở lớp, dù lớp học có hôm chỉ 10 bé. Có hôm, Sài Gòn mưa, tụi nhỏ không đến. Anh vẫn đợi đến hết giờ.

Khi mới thành lập, dự án HUN thử nghiệm cho 7 em khiếm thính tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED). Thấy được khả năng và sự ham thích học tiếng Anh của các bé, anh Hiếu quyết định phát triển dự án này và hợp tác với Trường giáo dục chuyên biệt Anh Minh và trường Hy vọng (TP.HCM). Hiện dự án HUN đang hỗ trợ chương trình học tiếng Anh miễn phí cho hơn 300 em.

Hiếu tâm sự, điều hạnh phúc nhất khi anh làm công việc này là giúp những đứa trẻ hòa nhập với cuộc sống. 

Giúp trẻ chạm đến ước mơ

Tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm thính Hiếu nhận ra chúng khát khao được học tập và khát khao được thực hiện những ước mơ. Anh kể về Khang - cậu bé thông minh, đầy nghị lực. Khang có ước mơ làm họa sĩ, nhưng gia đình đã khuyên cậu nghỉ học, vì “học cũng không để làm gì”. 

Khang phải dừng việc học để xin làm bốc vác trong xưởng vẽ. Cậu bé bảo, đó là công việc tốt nhất để được ngắm những bức tranh. “Thật tiếc, vì lúc ấy tôi còn quá trẻ, không thể hỗ trợ gì cho Khang”, anh Hiếu nói.

Vy là cô bé xinh xắn, thông minh, mê diễn xuất. Nếu là đứa trẻ bình thường, Vy có thể trở thành sinh viên của trường sân khấu điện ảnh hoặc là một người mẫu, nhưng cha mẹ không dám cho Vy bước chân vào thế giới của nghệ sĩ. Họ sợ những nguy hiểm mà Vy sẽ đối mặt. Cuối cùng, Vy xuất cảnh lấy chồng ở Mỹ và học nghề nail. 

Những đứa trẻ như Khang và Vy đều có ước mơ. Chúng nuôi dưỡng ước mơ đó rất mạnh mẽ, nhưng thực tế đã dập tắt tất cả, khiến những người chứng kiến như Hiếu đau lòng. Lê Đình Hiếu nói, anh mong muốn không chỉ 300 đứa trẻ mà 3 triệu người khiếm thính Việt Nam được quan tâm, giúp đỡ.

Năm 2020, HUN tổ chức các sự kiện âm nhạc để gom quỹ. Những cộng sự của HUN tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức để quyên tiền hỗ trợ. Tất cả quỹ thu về là nguồn học bổng cho những đứa trẻ tiếp tục đến trường.

Tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm thính, Lê Đình Hiếu nhận ra khát khao học tập, khát khao thực hiện ước mơ của các em
Tiếp xúc với những đứa trẻ khiếm thính, Lê Đình Hiếu nhận ra khát khao học tập, khát khao thực hiện ước mơ của các em

Kể ra những câu chuyện của mình, Lê Đình Hiếu cười: “Làm giáo dục vì cộng đồng đơn độc và lắm lúc bất lực, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Vì ngoài kia có một cộng đồng người câm điếc đang khao khát học tập. Và vì những cộng sự đã gửi niềm tin, đồng hành cùng tôi bao năm”. 

Hơn bảy năm qua, những đứa trẻ lớn lên từ lớp học của HUN đã mang những số phận khác, trưởng thành và hiểu biết về thế giới. Hiếu ước mong rằng, HUN sẽ lớn mạnh hơn nữa để những đứa trẻ như Khang, như Vy được sống đúng nghĩa và chạm tay được đến ước mơ. 

Lê Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI