Trường Ông Ngoại ở làng chài Vạn Giã

18/08/2017 - 15:04

PNO - Học trò của trường không chỉ là bọn trẻ, mà còn có mấy chị bán cá, bán rau ngoài chợ. Nhà nghèo, không biết chữ, được các cô giáo đi chợ trò chuyện, thủ thỉ chuyện cần phải biết chữ...

Xe bus từ Nha Trang đi làng chài Vạn Giã (Khánh Hòa) thả tôi xuống con đường Hùng Vương lóa nắng. Tìm được Trường Ông Ngoại, bước chân vào cửa, tôi bất ngờ trước tiếng chào vang của mấy chục học trò nhỏ.

Truong Ong Ngoai o lang chai Van Gia
Cô giáo Trúc Lam đang dạy học trò

Xưa, khi ngôi nhà nhỏ này được gọi là Trường Ông Ngoại thì thị trấn Vạn Giã cũng còn nguyên dáng vẻ một làng chài. Hàng chục năm trôi qua, làng chài đã có đường bê tông thênh thang, bến đò tấp nập du khách, nhưng ngôi nhà số 388 Hùng Vương vẫn mang tên gọi cũ. Trong căn nhà ấy vẫn có ba người phụ nữ tiếp nối truyền thống của ông cha mình, vừa “gõ đầu trẻ” vừa trông nom trẻ. 

Tình yêu nghề giáo của ba cô giáo Trúc Lam, Lệ Thương, Diệu Ái được nhen nhóm từ khi họ còn rất nhỏ. Ấy là khi họ chứng kiến những ông già khăn đóng, áo the đến quỳ lạy đưa tiễn ông nội về cõi vĩnh hằng. Những đôi mắt trẻ thơ thường xuyên được chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ của đạo tôn sư khi đi cùng ông, cùng cha.

Sau năm 1965, cha của ba cô, thầy giáo Cao Nhẫn - một chiến sĩ cách mạng hoạt động ở Nha Trang phải về làng chài Vạn Giã tạm lánh để tránh sự lùng sục của giặc. Thời gian sau, vợ con ông cũng theo về đây.

Truong Ong Ngoai o lang chai Van Gia
 

Thầy Cao Nhẫn tiếp tục nghề giáo. Sau nhiều năm làm hiệu trưởng, ông nghỉ hưu và nhận trẻ về nhà dạy chữ. Bầy trẻ làng chài ngày ấy đến với thầy Cao Nhẫn không chỉ được học chữ, học lễ nghĩa mà còn được yêu thương và chăm sóc như con trẻ trong nhà. Cái tên Trường Ông Ngoại ra đời từ đó.

Ba cô con gái của thầy Cao Nhẫn lớn lên tiếp bước nghề cha. Cô giáo Trúc Lam hiện 70 tuổi, hai cô em Lệ Thương, Diệu Ái cũng đã nghỉ hưu. Nhớ nghề, nhớ trẻ, họ lại tiếp tục nhận học trò về dạy dỗ, chăm sóc trong căn nhà của ba mẹ. Khi chúng tôi tới, trẻ nhỏ ở đây chưa vào năm học mới. Gần 30 em từ lớp Một tới lớp Năm hàng ngày đến học chữ rồi ở lại ăn ngủ, chiều cha mẹ đón về.

Truong Ong Ngoai o lang chai Van Gia
Cô giáo Lệ Thương

Học trò của trường không chỉ là bọn trẻ, mà còn có mấy chị bán cá, bán rau ngoài chợ. Nhà nghèo, không biết chữ, được các cô giáo đi chợ trò chuyện, thủ thỉ chuyện cần phải biết chữ, tối tối, họ mang tập đến học.

Cuộc sống của ba cô giản dị, đạm bạc, như nụ cười, ánh mắt của họ. Trẻ nào chỉ đến học mà không ăn trưa, ăn tối, các cô không lấy tiền. Ngay tiền ăn, các cô cũng không quy định, cứ tùy ý phụ huynh. Có người đưa con đến ăn học cả mùa hè, quá nghèo, không có tiền đóng nên vào năm học mới thì cho con nghỉ, xem như... xong. Không chỉ dạy học, dạy lễ nghĩa, nấu cho bọn trẻ ăn, các cô có khi còn kiêm cả chuyện vệ sinh, tắm rửa cho chúng.

Có những học trò đã lên cấp II, cấp III vẫn quen nếp, tan học là về thẳng Trường Ông Ngoại nghỉ trưa, chiều tự học bài, tối mới về nhà. Trường Ông Ngoại với chúng là mái ấm thân yêu, gần gũi.

Truong Ong Ngoai o lang chai Van Gia
 

Hạnh phúc lớn nhất của ba cô giáo là tình cảm đền đáp của nhiều thế hệ học trò. Khi cô Trúc Lam phải nhập viện, học trò ngày nào nay là nhân viên bệnh viện hết lòng coi sóc cô.

Thị trấn giàu lên, cuộc sống phức tạp, xô bồ hơn. Thế nhưng căn nhà vẫn vậy, bé xíu và giản đơn. Vậy mà cũng có hai lần trộm dỡ mái ngói đột nhập. Chẳng buồn, chẳng lo vì mất đồ đạc, bà giáo già Trúc Lam chỉ rưng rưng: “Sao vậy nhỉ, nơi đây, ai cũng biết mình là giáo viên. Có bao nhiêu người xung quanh đây là học trò của mình cả mà. Sao lại thế?”. Nghe mà thương! 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI