Trung tâm dưỡng lão: Nước mắt, nụ cười dành tặng người dưng

09/07/2015 - 15:22

PNO - PN - Tận tụy bên các cụ già ở những trung tâm dưỡng lão, các nhân viên mỗi người một cảnh, một câu chuyện nghề, chuyện đời...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trung tam duong lao: Nuóc mát, nụ cuòi dành tạng nguòi dung

Sau ba năm gắn bó với nghề, những cơ cực, vất vả không còn làm Mỹ Linh rơi nước mắt nữa

“Cái nghề điên rồ!”…

Nghe kể về những công việc ở trung tâm dưỡng lão, người quen của điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Diễm (sinh năm 1994, quê Phú Yên) đã thốt lên như thế. Quần quật từng việc kiểm tra sức khỏe, ăn uống, vệ sinh cho các cụ từ 6g30 đến 18g mỗi ngày, cả ngày lễ, Tết. Ngày cầm tấm bằng trung cấp điều dưỡng trên tay, Diễm cũng không ngờ mình sẽ làm một công việc như thế.

Những ngày đầu vào làm việc ở Trung tâm dưỡng lão Bình Mỹ, khi chưa hết sốc với những bất ngờ cỏn con từ những người già sa sút trí tuệ, Diễm bắt gặp một cụ phóng uế trên giường, rồi hồn nhiên làm vấy bẩn áo quần, mền chiếu. Một nhân viên tập sự đứng gần đó chạy ào ra khỏi phòng, nôn thốc nôn tháo, rồi bưng mặt khóc. Tần ngần vài giây, Diễm lặng lẽ thu dọn, vệ sinh sạch sẽ cho cụ ông, rồi quay ra, ngồi thụp trong nhà vệ sinh, khóc.

Nhưng nước mắt chỉ trào ra trong những ngày đầu, đến khi một cụ nhớ chuyện gia đình, bất ngờ chửi rủa, rồi lao đến đánh tới tấp vào người; Diễm lại ráo hoảnh, gắng ghìm giữ, dỗ dành cụ. Bởi, cô biết, “bị đánh là chuyện thường”. Ở đây, khi các cụ tỉnh khỏi cơn mê sảng, hề hà nhận ra mình vừa... đánh nhầm; thì thương tích từ những cú đánh, đạp, cắn đã kịp hằn lên người chăm sóc.

Chỉ hơn nửa năm làm nghề chăm sóc người già, Diễm đã bao phen vật vã, khóc cười. Có hôm, đang ngồi ở căng tin Bệnh viện Gia Định trong một lần nhập viện điều trị, vừa thấy vệt nắng chiếu qua, cụ L. bất ngờ đứng phắt lên, vừa hoảng loạn chạy khắp căng tin, vừa la “cứu cứu!”. Chỉ có một mình, lại bất ngờ, thêm phần ái ngại vì để phiền đến người xung quanh, Diễm cũng bấn loạn. Chỉ đến khi cụ chạy vào góc tường, Diễm mới có thể đến gần. Cô dìu cụ ra khoảnh sân chang chang nắng, cố gắng giải thích rằng “trời đang trưa”, cho đến khi cụ gật gù tin rằng vệt sáng vừa quét qua ban nãy là nắng, không phải lửa. Diễm nói: “Hồi xưa bà bị cháy nhà, mất tất cả, nên giờ, hễ ánh sáng bất ngờ quét qua mắt là lại bị vậy”.

Vào nghề đã ba năm, bắt đầu bằng công việc chăm sóc người già tại nhà, Lương Thị Mỹ Linh (sinh năm 1992)chuyển sang làm việc ở trung tâm từ hai năm nay. Theo Linh, khác với dịch vụ chăm sóc tại nhà, khi làm việc ở trung tâm, nhân viên điều dưỡng phải chịu áp lực rất lớn từ những yêu cầu khắt khe của thân nhân người cao tuổi. “Cả ngày vất vả lo cho các cụ sạch sẽ, khỏe mạnh; nhưng nếu lỡ người nhà bất ngờ xuất hiện ngay phút các cụ vừa ăn xong, chưa kịp vệ sinh, thay quần áo; thì mọi chê bai, trách lại đổ hết lên người chăm sóc”, Linh ngậm ngùi.

Làm nghề đã khá lâu, nhưng người nhà Linh không ai biết tường tận những việc cô phải làm trong ngày. Linh kể, rất nhiều bạn hớn hở khi được nhận vào trung tâm, rồi lại nghỉ việc chỉ sau một ngày, “một phần các bạn không chịu nổi, số còn lại do gia đình kiên quyết cấm cản”. Tan ca lúc sáu giờ tối, nhưng có những đêm vừa kịp tắm rửa, chuẩn bị ăn cơm với ba mẹ, Linh lại có điện thoại gọi “xuống trung tâm gấp”. Việc gấp thường là đưa các cụ đi cấp cứu. Linh phải vội vã trở lên chỗ làm, theo xe cấp cứu, túc trực ở bệnh viện thâu đêm. “Trở về từ những ngày như thế, dù mệt đến đờ đẫn, nhưng tôi vẫn phải nói cười để ba mẹ đỡ lo lắng”, Linh nói.

Sự phản đối của gia đình vốn đã là nỗi khổ chung của các điều dưỡng viên, nhưng những thiệt thòi mà mẹ cha ngậm ngùi chia sớt, cũng làm day dứt những đứa con làm “cái nghề kỳ cục”. Cách đây nửa năm, mẹ của điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Dung (sinh năm 1992, quê Tiền Giang) lâm bệnh, phải phẫu thuật. “Ở dưới quê trông đứng trông ngồi, còn trên này thì đầu tắt mặt tối. Biết vậy, ba tôi gọi lên, dặn tôi đừng về, ở nhà ổn cả. Tôi biết ba chỉ vờ nói vậy, chứ có một đứa con gái học ngành điều dưỡng, tới lúc ngã bệnh thì ai mà chẳng mong...” - Dung nói.

Là một Việt kiều Pháp khá minh mẫn, hiểu biết, hay được các nhân viên tìm đến, tâm sự mọi chuyện vui buồn, ông Trương Minh Trung chia sẻ: “Tuổi đó người ta yêu đương, chơi bời, còn bọn trẻ thì tối ngày quần quật với một đám người già. Nếu là con tui, tui nhứt quyết không cho theo cái nghề này”. Hơn một năm nghỉ dưỡng ở Trung tâm dưỡng lão Bình Mỹ, ông từng có những đêm mất ngủ vì chứng kiến một cụ già bất thần chồm tới, chọc hai ngón tay vào mắt nữ điều dưỡng khi cô đang cố rửa chân cho bà. “Con bé mà không né kịp thì hư đôi mắt rồi. Đời tui 82 tuổi, từng đi Đông đi Tây, nhìn thấy không biết bao nhiêu chuyện đời, nhưng tui chưa thấy nghề nào cực như nghề này” - ông bồi hồi.

...Hay nghề cao quý?

Khi nhắc đến những nữ đồng nghiệp, anh Nguyễn Quốc Bảo (quê Quảng Trị), nhân viên y tế ở Trung tâm dưỡng lão Bình Mỹ tự hào: “Ai cưới được các cô ấy làm vợ, thì may mắn lắm!”.

Khi cố truy vấn lý do họ còn gắn bó với công việc này sau bao nhiêu cơ cực, tôi đều nhận lại từ các điều dưỡng viên câu trả lời: “Công việc này cao quý mà chị!”.

Trung tam duong lao: Nuóc mát, nụ cuòi dành tạng nguòi dung

Ngọc Diễm vất vả xoay xở với cụ bà sa sút trí tuệ

Phạm Bình (sinh năm 1993) nói câu đó khi vừa “chiến thắng” trong bữa trưa của bà Tuyết, với tô cơm hết veo. Trước đó, thấy phóng viên đến gần, bắt chuyện bà Tuyết; Bình pha trò: “À, chồng Tuyết đẹp trai sao nè? Kể cho chị này nghe với đi!”. Rồi vừa lúc nét mặt cụ Tuyết tươi tắn lên, Bình nhanh nhẹn đút thêm cho cụ muỗng cơm. Cụ miên man: “Ảnh phong độ lắm, thương tui lắm...”. Bình nói nhỏ với tôi: “Bữa nào cũng nhiêu đó chuyện thôi!”. Cụ bà vừa liên miên những ký ức đẹp đẽ được nhắc lại dễ đã cả ngàn lần, vừa móm mém nhai vài muỗng cơm. Chợt, cụ mếu máo, gào lên: “Chồng vầy mà tui chết thì có uổng không?”. Cả người và chiếc xe lăn cùng rung lên, bà òa khóc nức nở. Bình dỗ dành, tiếng khóc nhỏ dần. Bà cụ dần trấn tĩnh, tiếp tục ăn từng muỗng cơm.

Bình kể, trừ những lúc đãng trí, đánh chửi, phun cơm vào nhân viên, khi tỉnh, các cụ đều rất gần gũi, ngọt ngào. Dù ngày nào cũng khoe hai cậu con trai cưới vợ đẹp lắm, giàu có lắm, nhưng mỗi lần được Bình tắm rửa, mặc đồ đẹp cho, bà Tuyết lại nắm tay cô, nói nhỏ: “Về làm dâu bà nghen!”. Cô kể: “Tết vừa rồi, mới mùng Hai đã có cụ được người nhà mang gửi, vì cụ la lối, đập phá, nằng nặc đòi trở xuống trung tâm. Vừa đến nơi, gặp nhân viên điều dưỡng thì cụ lại cười hề hà, vui như... Tết”.

Những ngày bên kia dốc đời như tấm gương khúc xạ quá vãng, hồi ức. Trong những ngày tháng được chăm bẵm, chiều chuộng; bao uất ức, sân hận kìm nén một đời, người ta thường trút hết lên người gần gũi, ân cần, cam chịu họ. Nhưng, trong mọi bất bình, buồn tủi phải cố quẫy đạp mới vượt qua, đọng lại trong những cô gái vừa kịp trưởng thành này, chỉ là nỗi bi cảm về sự vô thường của đời người trong giai đoạn lão-bệnh-tử. Những điều ấy in hằn trên tấm thân mong manh mà họ có nhiệm vụ chăm sóc mỗi ngày - nơi thấp thoáng dáng hình của ông bà, cha mẹ, rồi cả chính họ trong tương lai. Anh Quốc Bảo tâm sự: “Nhìn các cụ khổ vì tuổi tác, tôi nghĩ rằng ai cũng sẽ có lúc yếu đuối, cô đơn, cần nương tựa, còn bận tâm chi mấy cái phù du, vô nghĩa”.

Làm nghề chăm sóc người già hơn một năm, Ngọc Dung tâm sự: “Ngày được nhận vào trung tâm, các cụ đều được giới thiệu là chủ của một cửa hàng, hay giám đốc một công ty nào đó; nhưng đến lúc phụ trách chăm sóc, trước mắt chúng tôi không còn là một đại gia nào nữa. Họ là người già, yếu đuối, cần được chăm sóc. Vậy thôi!”.

Từ Tiền Giang lên TP.HCM chỉ mất hai tiếng đi xe đò, nhưng từ mùng Mười Tết đến nay, Dung chỉ mới về thăm nhà một lần vào cuối tháng trước. Theo cô, cơ cực của nghề này không sao kể hết, nhưng bao nhiêu nước mắt mồ hôi, là bấy nhiêu gắn bó. Đợt về thăm quê vừa rồi, cứ tới bữa ăn, cô lại chậc lưỡi: “Không biết ở trển...”, rồi vội cười xuề xòa: “à... tại mấy cụ khó ăn lắm, không biết mấy bạn có kham nổi không” khi bắt gặp ánh mắt buồn phiền của cha. Bao nhiêu buồn vui trong trung tâm đều đem kể với gia đình, Dung bị ba mẹ phản đối kịch liệt. Nhưng về sau, ông bà không còn đả đụng đến khi thấy con gái cứ về nhà là nơm nớp chuyện trên trung tâm, rồi chưa hết ngày nghỉ đã lẳng lặng xếp đồ, chuẩn bị trở lên.

Theo Dung, cô sẽ không bao giờ quên bữa cơm cuối cùng với ông H., chủ một quán kem nổi tiếng ở Sài Gòn. Là người phụ trách chăm sóc cụ, một buổi sáng cách đây một năm, lúc nhận ca, Dung được thông báo cụ khó thở. Gọi điện báo cáo tình hình cho giám đốc xong, lại tiếp tục gọi cho người thân ông H., Dung chỉ nghe mấy lời dặn dò “cố gắng giúp gia đình”, rồi bên kia vội vàng cúp máy vì quá bận. Dung giấu cụ H. về cuộc điện thoại, rồi thu xếp đồ đạc, cùng giám đốc đưa cụ đến bệnh viện.

Bị tiểu đường giai đoạn ba với nhiều biến chứng, nhưng ở bệnh viện, ông H. vẫn tỉnh táo chuyện trò. Đến bữa cơm trưa, nhường cho Dung một trái chuối, dặn: “Ráng ăn nhiều vô con!”, rồi ông ngoảnh mặt đi, buồn bã gạt nước mắt: “Bây lăng xăng, lo liệu đủ đường làm ông nhớ bà nhà ông quá!”. Nhìn vẻ minh mẫn trên từng điệu bộ chậm chạp, trầm tư ấy, Dung thoáng an lòng. Nhưng, vừa về tới trung tâm, Dung được thông báo rằng ông đã mất.

Thấy mọi câu chuyện đều thăng trầm theo cuộc đời của những người được chăm sóc, tôi hỏi: “Vậy, em có gia đình chưa?”. Dung cười cười, rồi nhìn ra cửa sổ. Nghĩ mình quá “sỗ sàng”, tôi vừa định lảng đi chuyện khác thì Dung quay vào, nói nhỏ: “Sáng sớm đã đi, chiều muộn mới về, có hôm còn làm ca đêm, về đến nhà là chỉ kịp ăn rồi ngủ, thời gian đâu mà yêu ai hả chị?”. Tôi nhận ra, câu hỏi của mình thật bất nhẫn.

***

Cuối cùng thì, ai là người chăm sóc người cao tuổi trong các trung tâm? Có lẽ, sự hòa nhập và gắn bó với nghề không đến từ những yêu cầu tuyển dụng như kỹ năng, bằng cấp, kinh nghiệm. Nó đến từ một nhận thức nào đó, sâu xa trong những người đang tận tụy rót nước bưng cơm cho những người già không ruột rà máu mủ - nhận thức về con đường của mọi người, đến tuổi già; hay về “sự cao quý”, chẳng hạn...

MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI