Trầm cảm ở trẻ vì cô độc và mất phương hướng

21/12/2016 - 11:56

PNO - Tại các phòng khám tâm lý trẻ... các câu chuyện về trầm cảm ở trẻ ngày càng tăng. Điểm chung của trẻ thường đã vào giai đoạn quá nặng: không giao tiếp, không đi học, không ăn, ngủ… 

Câu chuyện của em Kyle Huỳnh, học sinh lớp 10 tại Mỹ đăng trên các báo mạng đang là mối quan tâm của các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi dậy thì. Điều bất ngờ nhất là cậu bé tìm đến cái chết này sinh trưởng trong một gia đình rất ổn về kinh tế, và cha mẹ đều thấ y em ổn về tâm lý.

Qua những lá thư cậu bé viết gửi lại, cho thấy em là một đứa trẻ sâu sắc, thông minh. Tuy nhiên, sự yêu thương của người thân không đủ lấp đầy sự trống rỗng của một đứa trẻ không biết rõ bản thân mình là ai. Sự quan tâm của cha mẹ em vẫn không đủ tinh tế để phát hiện những dấu hiệu chán nản của con mình được che đậy bằng việc chăm học, vui vẻ…

Tại các phòng khám tâm lý trẻ, phòng tham vấn học đường, bệnh viện nhi đồng, các câu chuyện về trầm cảm ở trẻ ngày càng tăng, và đa dạng các yếu tố gây bệnh. Điểm chung của trẻ được phụ huynh đưa đi khám là thường đã vào giai đoạn quá nặng: không giao tiếp, không đi học, không ăn, ngủ… Sở dĩ đến tình trạng này là do cha mẹ thường bỏ qua những dấu hiệu mà họ cho là bình thường ở tuổi mới lớn.

Sau khi biết câu chuyện của cậu bé Kyle Huỳnh, chị Lê Hương Giang (Q.12, TP.HCM) đang tìm mọi cách để đưa con gái đến phòng khám. Từ bé, con gái chị học trường quốc tế, đến hết cấp III, chị cho con du học. Gần đây, con chị về nhà ít trò chuyện với mẹ. Chị vẫn yên tâm, vì nghĩ con tập trung vào học hành, vì sắp làm luận văn tốt nghiệp. Nhưng khi hết thời gian nghỉ hè, con chị tìm mọi lý do để trì hoãn việc sang nước ngoài học tiếp.

Tram cam o tre vi co doc va mat phuong huong

Chị kể: “Lúc thì nó bảo bị đau răng, lúc thì bị đau bụng… Tôi cứ nghĩ con gái làm biếng học vì chuyện yêu đương, nên có hỏi vài câu về cậu bạn trai của con, từ đó, con không nói chuyện với mẹ nữa. Khi con về nước, tôi rất mừng, dù từ khi về nhà đến giờ, con không màng đến chuyện xin việc làm, tôi nghĩ con cần nghỉ ngơi, gia đình cũng chưa cần con kiếm tiền. Nhưng càng lúc, tôi càng thấy con héo hon, không có bạn bè, cũng chẳng quan tâm gì đến tình yêu”. Chị cố nói chuyện với con gái, thì con nói rằng bận lắm. Có lần, chị nói với con, rằng mẹ làm việc khổ cực để con được sung sướng, thì con buột miệng “ai bảo mẹ sinh con ra làm gì, để phải làm việc cực khổ”.

Chị Giang chia sẻ: “Tôi không dám nghĩ đến việc con tôi bị bệnh tâm lý hay tâm thần, vì nó chẳng có gì để phải đau khổ, vật chất lại đầy đủ. Nhưng câu chuyện của cậu bé Huỳnh đã làm thay đổi nhận thức của tôi. Con tôi cần giúp đỡ, chứ tự nó không thể vượt qua giai đoạn này”.

Minh Th. (HS lớp 11, Q.7, TP.HCM) là một cô bé học rất giỏi, hòa đồng với bạn bè, tích cực tham gia công tác xã hội khiến mẹ rất hãnh diện. Nhưng khi bị bệnh phải nhập viện, Th. không muốn ăn, chỉ muốn chết, chỉ vì lý do mẹ yêu cầu thôi không đi làm từ thiện, không đi quyên góp gì nữa, mà tập trung vào học. Trước phản ứng dữ dội của con, gia đình mời một người bà con trong gia đình mà cô bé rất ngưỡng mộ về tài năng, để nói chuyện với con.

Gặp được người biết lắng nghe, cô bé thổ lộ: khi cô bé lên ba tuổi, cha mẹ cô bất hòa vì ông bố bài bạc, ngoại tình, vợ chồng muốn chia tay. Thầy bói cho rằng, vì cô bé này không hợp tuổi với cha nên gia cảnh lộn xộn. Mẹ lo đối phó với cha, nên con bị bỏ mặc. Cô bé lớn lên vì muốn được mẹ yêu thương nên luôn cố gắng học thật giỏi, siêng năng việc nhà. Cô tham gia hoạt động xã hội để được mọi người quý mến. Tất cả nỗ lực của cô bé chỉ là để lấp đầy nỗi buồn ám ảnh cô từ nhỏ.

Cha mẹ cô bé vẫn sống với nhau nhưng không hạnh phúc. Chẳng có gì trên đời này làm cô bé vui thật sự. Cô bé cũng đang được điều trị tâm lý, để biết hài lòng và chấp nhận những gì đã xảy ra với tuổi thơ của mình.

Có không ít trẻ thường bị cha mẹ gán cho tội lười học nên hay cáo bệnh ở nhà. Chị Cao Thị P. (Q.Tân Bình, TP.HCM) tâm sự: “Con tôi rất sợ đi học, học về, cháu hay bị ói, tôi cho con đi khám khoa tiêu hóa mãi không hết. Một hôm đến trường đón cháu, tôi tận mắt thấy một đám bạn của con trêu chọc nó, gọi nó là thằng mập, bắt nạt nó… Tôi cho rằng, chuyện trẻ con, chúng sẽ quên, nhưng câu chuyện của cậu bé Huỳnh khiến tôi nghĩ rằng, con tôi cũng đang học lớp 4, tôi không thể để con lớn lên cùng với nỗi đau này. Ở lứa tuổi con nít, nỗi buồn như thế là rất lớn đối với trẻ. Tôi sẽ lên kế hoạch giảm cân cho con và đặc biệt là cố gắng dạy con rằng ngoại hình không phải là yếu tố làm nên giá trị của con người, mà chính là những phẩm chất tốt đẹp của con”.

Không phải bậc phụ huynh nào cũng có cách giải quyết tình huống như chị P. Nếu được khuyên đưa trẻ đi khám tâm lý, nhiều người phản ứng: “Con tôi không bị sao cả”. Các bậc phụ huynh cần tỉnh táo, chính họ phải đi khám sức khỏe tinh thần trước khi muốn nâng đỡ cho con.

Trường Sơn

 

Trích lá thư gửi "Everyone", đã được chuyển hóa sang tiếng Việt của Kyle Huỳnh

…Xin nói một chút về mình, món ăn mà mình thích là spaghetti, màu mình thích là xanh lá cây, số mình thích là số hai, truyện mình thích là bất cứ truyện nào mà nhân vật chính thay đổi hoài, phim mình thích dĩ nhiên là Avatar nhưng mình cũng thích nhiều phim khác nữa, nhạc thì mình nghe bất cứ loại nào khiến mình cảm thấy thoải mái…

Có nhiều lý do để mình chọn cách hành xử này. Bắt đầu từ sự chán nản của mình. Mình nghĩ nỗi buồn chán đã nhen nhóm phát triển trong mình từ năm học lớp 4, những ý nghĩ về việc tự tử cũng manh nha từ khi ấy. Việc đến trường chỉ làm cho nỗi chán chường của mình trở nên tệ hại hơn, nhưng thật là may mắn vì các bạn chính là niềm vui giúp mình sống đến hôm nay.

Tuy nhiên, càng lớn, chuyện học hành càng trở nên khó hơn. Mình không muốn mọi người lo lắng, vì thế mình che giấu sự buồn chán của mình.

Bài tập ở trường, các projects đến hạn nộp, điểm số, sự căng thẳng, tất cả những điều ngớ ngẩn đó chỉ làm cho nỗi chán chường của mình mỗi lúc một tệ hơn. Mình hiểu rằng chúng ta cần học hành cho một tương lai tươi sáng và những điều tương tự thế...

Ngoài nỗi chán chường ra, mình còn quyết định kết liễu cuộc đời khi nhận ra rằng mình không thể đóng góp được gì có giá trị cho thế gian này. Mình luôn muốn giúp mọi người bằng mọi cách mà mình có thể, chính xác hơn là giúp loài người nhận ra rằng điều mà chúng ta làm đối với môi trường sống và đối với nhau là sai. Không gì có thể thay đổi được những việc làm đó. Đấy là điều khiến mình cảm thấy bức bối rất nhiều khi không thể làm được gì hết để tạo nên sự thay đổi, đặc biệt là với thằng nhóc 15 tuổi mà ba mẹ lại kỳ vọng nó đi vào lãnh vực y khoa.

Kyle C. H.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI