Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?":

Tôi không biết nói câu “Xin lỗi má”

24/09/2020 - 06:00

PNO - Đến giờ, tôi vẫn không sao nói được tiếng xin lỗi má. Không phải vì ngại hay mắc cỡ, mà tôi biết, một lời xin lỗi của tôi không làm thay đổi bản chất vấn đề, hay thay đổi con người tôi ngay được.

Tôi sống xa nhà năm 18 tuổi. Đứa con gái út vốn được bảo bọc, cưng chiều, thoắt cái bơ vơ nơi xứ người và phải tự lo toan mọi thứ khiến tôi khá hụt hẫng. Mỗi sáng mở mắt dậy, tôi ước mình đang nằm cuộn tròn trên chiếc giường quen thuộc.

Chiều đi học về, tôi chỉ khát khao được đặt chân vào ngôi nhà rộng rãi, ấm áp của mình ở quê. Tôi nhớ đến chảy nước mắt khi nghĩ về ba má. Thời đó, chưa có điện thoại di động, nỗi nhớ nhà càng chất chồng theo năm tháng. 

Một năm tôi chỉ được về thăm nhà hai lần vào hè và tết. Vậy mà, về nhà mới được một ngày là tôi đã gây với má. Cứ mỗi lần đi chợ về, má chưa kịp cột dây xuồng đã cất giọng oang oang: “Con út đâu, dậy đi, trưa trờ trưa trật mà còn ngủ”.

Tôi thấy người nóng phừng phừng, không thèm để ý đến câu sau của má: “Dậy ăn nè, có bánh tằm nè” (là món tôi thích nhất).

Ngày nhỏ, tôi ám ảnh và ghét cay ghét đắng mỗi lần má đi chợ về. Thường là khi đó tôi vẫn còn ngủ nướng, nghe má gọi, tôi tung mền lao ra hét to: “Má kỳ quá hà, lâu lâu con về quê mới được ngủ nướng mà má cũng không cho. Mơi mốt con ở Sài Gòn luôn, cho vừa lòng má”. Má dịu giọng: “Thì tao mua bánh tằm, sợ bây dậy trễ nước cốt dừa có mùi, hết ngon”. Biết má vì mình, nhưng tôi không bao giờ xin lỗi má. 

Rồi mỗi khi tôi trở lên Sài Gòn học, má đưa tôi ra bến xe. Khi xe chuẩn bị lăn bánh, má nhoài theo níu tay tôi và khóc. Tôi sừng sộ: “Con đi học chớ có phải đi chết đâu mà má khóc”. Má sựng lại, gương mặt thoáng buồn, nhưng nước mắt vẫn rơi, gọi với theo: “Mạnh giỏi nghen con, nhớ ăn uống đầy đủ nghen con”. Khi bóng má chỉ còn là chấm tròn nhỏ mờ nhạt, tôi mới cho phép mình khóc. Tôi sợ cảm giác chia tay, tôi sợ phút giây bi lụy của má như ngày đầu tiên tôi lên Sài Gòn học. Hai má con ôm nhau khóc như mưa. Tôi đi má bệnh mấy ngày.

Ngày nhỏ, tôi rất hay giận má. Có lần, má mua ba chiếc áo ấm, không có phần của tôi. Tôi giãy nảy: “Nhà có bốn người, má mua ba cái áo, con là con ghẻ của má hả?”. Má nói: “Thì con có áo ấm của chị hai may rồi”. Từ đó, có bất cứ điều gì giận dỗi, không hài lòng về má, tôi lại lôi chuyện chiếc áo ra chì chiết: “Má có thương con đâu, nhà có bốn người, má chỉ mua ba cái áo, má làm vậy coi được hông?”. Vì tôi biết, má tưởng má có lỗi thật sau nhiều lần buộc tội của tôi, có lẽ má bị dằn vặt vì đã làm tôi buồn.

Một khuya nọ, khi má bơi xuồng từ ruộng về cho kịp con nước lớn, tôi nghe tiếng thím tư nhà bên hỏi: “Sao chị tám ngồi đây, không vô nhà ngủ?”. Má nói: “Con út thức khuya học bài, chắc nó mới ngủ, kêu dậy mất giấc ngủ tội nghiệp. Tui ngồi đây chờ trời sáng”. Nước mắt tôi trào ra. Tôi hối hận những lời đay nghiến má, nhưng tôi cũng không thể mở miệng xin lỗi má. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi ba tôi bị đột quỵ phải nằm một chỗ, chiến tranh giữa tôi và má càng dữ dội hơn. Các con đều đi xa, chỉ mình má chăm ba. Về nghe ba kể, ba thèm nước cam, thèm ăn thịt bò, má đều không cho. 

Tôi tức tối hỏi má: “Ba một đời cực khổ lo cho gia đình, giờ ba bị bệnh, sống được bao lâu mà má không cho ăn. Sao má kỳ vậy?”. Má tôi giải thích: “Ba bây đang bị ngứa, ăn thịt bò vô ngứa không ngủ được. Ba bây toàn đòi uống nước trà và nước cam buổi chiều, uống giờ đó sao ngủ được?”. 

Tôi nín lặng. Lặng lẽ quan sát người phụ nữ nhỏ bé chỉ hơn 40kg, chăm sóc người đàn ông hơn 70kg ngày mấy bận thật là quá sức má. Chị em tôi vẫn luôn nghi ngờ sự chăm sóc của má dành cho ba. Đến khi ba bệnh cả chục năm, người vẫn sạch sẽ, thơm tho, không bị lở loét, bệnh tai biến không tái phát, tất cả đều công nhận, chỉ có má mới nuôi được ba như vậy. Nhưng chúng tôi, không ai nói lời xin lỗi má. 

Rồi tôi lấy chồng, sinh con. Sự “khắc khẩu” giữa tôi và má vẫn không thay đổi. Mà chính xác hơn là chỉ mình tôi “khắc khẩu” với má, chứ má bao giờ cũng nhẫn nhịn chịu đựng sự quá quắt của tôi.

Hơn 40 năm qua, tôi vẫn luôn nương tựa vào tình thương của má. Má là niềm vui, là sự an ủi, vỗ về khi tôi buồn nản, thất bại trong cuộc sống. Nhưng cũng chính tình yêu thương vô bờ bến của má, hay vì tôi biết má thương tôi vô điều kiện, mà tôi không để ý đến những cảm xúc của má. 

Đến giờ, tôi vẫn không sao nói được tiếng xin lỗi má. Không phải vì ngại hay mắc cỡ, mà tôi biết, một lời xin lỗi của tôi không làm thay đổi bản chất vấn đề, hay thay đổi con người tôi ngay được - dù tôi đang ngộ ra.

Tôi cũng biết má không chờ tôi nói câu xin lỗi, bà chờ tôi thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, lời nói đúng mực, không nhân danh tình thương để làm má phiền lòng. Bởi “thương mà làm đau nhau thì thương chi bây” - như má tôi từng nói - điều đó còn hơn câu xin lỗi vạn lần. Tôi nợ má một đời, chớ không chỉ một lời xin lỗi. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI