Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Trứng không thể khôn hơn vịt?

16/09/2020 - 14:03

PNO - Nếu chúng ta dạy con cái chữ hiếu, thì cũng nên dạy phụ huynh cách làm cha mẹ. Họ phải ở vị trí của con để hiểu con, chứ đừng bắt con vì chữ hiếu mà gục đầu chấp nhận sai lầm của chính mình.

Đọc xong bài "Văn minh" như Lê Hoàng hay "có hiếu" như Quyền Linh? trong tôi dội lên bao cảm xúc. Một phóng viên nói với tôi: “Chữ hiếu đè nặng trên vai những đứa con Việt Nam”. Do quan niệm truyền thống của người Việt, áo mặc không qua khỏi đầu, trứng đòi khôn hơn vịt… điều đó có nghĩa cha mẹ lúc nào cũng đúng, và con cái bắt buộc phải nghe theo.

Tôi quan niệm khác. Cha mẹ hay bất cứ ai cũng có lúc sai lầm. Và một trong những cách người ta học làm cha làm mẹ là họ nên đặt mình ở vị trí con cái để lắng nghe và thấu hiểu chúng. 

Cha mẹ tôi rất thương người. Anh chị tôi cũng vậy. Từ nhỏ tôi đã thấm nhuần câu “kính Chúa yêu người” trong kinh thánh. Chị hai tôi mang mấy đứa bé mồ côi cỡ tuổi tôi về nuôi. Con nít có gây gổ, đánh lộn và gia đình luôn răn đe tôi để bênh đám mồ côi tội nghiệp. Tuổi thơ tôi bị đánh oan ức rất nhiều lần, vì không ai tin lời nói của tôi. Một lần khám sức khỏe tổng quát, bao gồm cả sức khỏe tâm thần, qua 100 câu trắc nghiệm, bác sĩ kết luận tôi bị chấn thương tâm lý do thiếu tình thương…

Cha mẹ cũng có lúc sai lầm. Ảnh minh họa
Cha mẹ cũng có lúc sai lầm. Ảnh minh họa

Nếu cha mẹ lắng nghe tôi, biết đặt mình vào vị trí của tôi để hiểu tôi cần gì, hẳn tôi đã không có những chấn thương như thế. Cha mẹ tôi vì “lòng nhân đạo” dành cho những đứa trẻ mồ côi mà xử ép chính đứa trẻ do mình dứt ruột sinh ra, liệu có phải là người có kỹ năng làm cha mẹ tốt? Và không thể vì chữ hiếu mà tôi buộc phải cho rằng cách hành xử ấy của cha mẹ là đúng.

Cũng vì tinh thần “thương người hơn cả… người thân”, mà mẹ tôi cho một bà tên Hoàng bị lao phổi thời kỳ cuối về ở cùng, khi bà bị chính con ruột của mình đuổi đi. Sợ bà Hoàng tủi, mẹ bắt chúng tôi phải ăn cùng mâm, uống cùng ly với bà.

Kết quả là chị em tôi đều bị yếu phổi. Sống với bà ấy vài tháng thì gia đình tôi gặp khó, bà Hoàng tự động rời khỏi nhà tôi vì khi đó mọi người trong gia đình đều bị thất nghiệp, không có gạo ăn.

Tôi nhớ năm 1975, khi khám sức khỏe, bác sĩ hỏi tôi ở nhà có ai bị bệnh phổi không. Tôi nghe mà nghẹn ngào. Tại sao mẹ mình nhân đạo với thiên hạ mà không thể nhân đạo với chính con mình?

Hai trường hợp xảy ra thật trong cuộc đời tôi, đó phải chăng là trứng khôn hơn vịt, hay áo mặc không qua khỏi đầu? Nếu vì chữ hiếu, tôi phải chấp nhận mình bị chấn thương tâm lý và suýt bị lao phổi. Tôi buộc phải xem cách hành xử của cha mẹ là đúng, điều này có vô lý hay không? Cha mẹ cứ khăng khăng chuyện rước người dưng về mang họa cho con cái là tình yêu tha nhân, vậy tình yêu dành cho con cái, cha mẹ để ở đâu?

Tôi nghĩ, nếu chúng ta dạy con cái chữ hiếu, thì cũng nên dạy phụ huynh cách làm cha mẹ. Họ phải ở vị trí của con để hiểu con, chứ đừng bắt con vì chữ hiếu mà gục đầu chấp nhận sai lầm của chính mình.

Nếu quan điểm khác nhau giữa hai thế hệ, thì tốt nhất là không nên sống cùng nhau. Cha mẹ muốn con cái thảo hiếu với mình, thì cũng phải xem chính mình đã biết tôn trọng con cái hay chưa, đã cư xử với chúng đúng trách nhiệm của đấng sinh thành hay chưa. Khi biết tôn trọng con cái, thì các bậc cha mẹ mới học được cách tôn trọng chính bản thân mình. 

Rừng Thông

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Linh dung 18-09-2020 19:37:09

    Hoàn toàn đồng ý với tác giả . Thế kỷ mới rồi, chúng ta phải sống văn minh hơn đừng cổ hủ nữa. Nghĩa của 2 từ bất hiếu và văn minh không có gì giống nhau

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI