Tiếng rao xưa rộn ràng hẻm nhỏ

17/03/2021 - 19:47

PNO - Khi người bán biết sử dụng loa thay thế, sẽ đỡ cực, nhưng sao những người của nửa thế kỷ trước như tôi luôn nhớ tiếng rao thân thương.

Đang ngồi nhà cô bạn, tôi bỗng nghe tiếng loa giọng phụ nữ: “Bánh mì nóng giòn đây...”. Nhìn ra, một cậu trai trẻ với cần xé bánh mì đạp xe lướt qua, lòng tôi chợt chùng xuống. 

Hôm nay, những người bán hàng rong sử dụng loa rao hàng, khác Sài Gòn 50 năm về trước với những tiếng rao sống động. Tất cả như gắn với ký ức tuổi thơ của tôi để bây giờ ngồi nhớ lại, trong tôi dội lên bao xúc động, tiếc nuối.
Ngày đó, ở các khu dân cư đều có những tiếng rao và âm hiệu đặc biệt cho biết “dịch vụ phục vụ tại nhà” đã tới.

Buổi sáng với những món điểm tâm, tiếng rao lanh lảnh:

- Ai (ăn) cháo đậu hông...?

Thường là cháo đậu đỏ với muối mè và nước dừa. Ai đói bụng chỉ cần ra cửa réo: “cháo!”. Tức thì bà bán cháo với hai gánh trên vai xuất hiện.

Một gánh là nồi cháo, gánh kia úp chén, phía trên là cái mâm với nồi nhỏ nước cốt dừa, tô muối mè. Vai gánh, tay xách một xô nước rửa chén. Thuở đó đầu các ngã tư có vòi nước công cộng, bà có thể dễ dàng thay nước rửa chén bất cứ lúc nào.

Không thích ăn cháo thì hãy lắng nghe bà bánh mì ôm chiếc cần xé bánh mì được đậy một bao bố dày giữ nhiệt.

Sáng sớm bà sẽ rao:

- Ai (ăn) bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn hông...?

Đến chừng 9 giờ, bánh mì còn vài ổ hết nóng hổi bà sẽ rao:

- Ai ăn bánh mì hông...?

Còn bánh ướt nóng. Tôi nhớ chị bán bánh ướt quê miền Tây, người nhỏ nhắn cũng gánh hai gánh. Một bên là tủ kính nhỏ với bánh ướt, chả, bánh tôm... Còn gánh kia là cái thúng úp đĩa, phía trên là mâm nước mắm, hành phi...

Buổi trưa với những món “ăn chơi” sẽ nghe những gánh chè: chè đậu đen, chè thưng... hoặc những xe bán bánh bông lan, bánh tráng nướng. Buổi tối, những tháng mưa sẽ nghe tiếng rao của xe bắp nấu, mía hấp nhỏ được đẩy lụp cụp ở các hẻm nhỏ trong xóm lao động:

- Ai bắp nấu hông...?

- Ai mía hấp đây...?

Trời mưa rỉ rả hoặc vừa dứt mưa không gì thú vị bằng một trái bắp nấu hay một bịch, một ghim mía hấp nóng hổi trên tay.

Những tiếng rao luôn mạnh mẽ, dù của phụ nữ hay đàn ông, để gây sự chú ý cho mọi người. Ngoài những tiếng rao còn có những âm thanh đặc thù mà chỉ nghe đã biết người đó bán gì.

Thí dụ sau tiếng chuông nhỏ leng keng chừng vài giây, người ta biết ngay đó là ông bán kem cây. Ông đạp xe với thùng kem ở yên sau với hai loại: kem siro và kem đậu xanh, đậu đỏ. Tại sao ông không rao lên “ai ăn kem không”, không ai giải thích được. Chỉ biết nghe tiếng leng keng là con nít chạy ra xúm xít mua kem vào những buổi trưa hè.

Chiều xuống, có chú bán gỏi đu đủ ăn với khô bò. Chú này không rao mà lấy chiếc kéo to làm động tác nhấp lưỡi kéo liên tục, tạo âm thanh vui tai, đủ để mọi người biết ngay đó là món gỏi đu đủ.

Tối đến là mì gõ. Tiếng mì gõ được tạo thành từ hai thanh tre gõ đều đặn vào nhau. Ngày nay người ta thay bằng hai thanh sắt hoặc không còn đi gõ nữa. 

Khi người bán biết sử dụng loa thay thế, sẽ đỡ cực, nhưng sao những người của nửa thế kỷ trước như tôi luôn nhớ tiếng rao thân thương.

Những tiếng rao lanh lảnh của các dì, các bà, những âm hiệu thân thương của các chú bán kem, giác hơi, bán gỏi khô bò, kem cây, mì gõ... vào từng hang cùng ngõ hẻm mời gọi khách hàng bình dân giờ dần mất đi, nhường chỗ tiếng loa máy cho những món ăn vặt. Hoặc thay thế là những quán kem, xe chè... trên những ngã tư đường hôm nay.

Những buổi sáng tinh mơ, những trưa hè oi bức hay những đêm sau cơn mưa ẩm ướt, tôi vẫn thèm nhớ làm sao tiếng rao lanh lảnh mời món cháo đậu, tiếng leng keng gây nỗi thèm ăn một cây kem bình dân hoặc âm hiệu cho món gỏi đu đủ hay tiếng lụp cụp và lời mời gọi cho món bắp nấu, mía hấp ngày xưa... 

Nguyễn Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI