Những hàng cây gìn giữ ký ức đô thị

28/06/2020 - 15:13

PNO - Trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh những cây phượng vĩ bị đốn bỏ để phòng ngừa sự cố gây nhiều tiếc nuối cũng như tranh cãi. Và những ngày này, người Sài Gòn cũng gửi cho nhau bộ hình Sài Gòn xưa do nhóm Saigon Viewers phục chế từ những bức hình đen trắng của ông Léon Ropion - một quan chức công trình công cộng thời Pháp.

Sài Gòn - “thị trấn trong rừng”

Xem ảnh, ai nấy ngỡ ngàng. Tại trung tâm Sài Gòn, các dinh thự và các căn biệt thự, dãy nhà đều nép dưới bóng cây. Một thành phố thơ mộng ẩn trong rừng, trông thật lạ.

Có nhiều giả thiết về địa danh Sài Gòn. Theo nhà nghiên cứu Trương Vĩnh Ký, chữ Sài Gòn xuất phát từ cụm chữ Prey Nokor (thị trấn trong rừng). Sau này, tác giả Martine Piat cũng khẳng định Brai Nagara (thị trấn trong rừng) là dạng tên gốc của Sài Gòn. Cách giải thích này thuyết phục nhiều người, bởi trước khi được khai phá thành đô thị, vùng đất này nằm trong vùng rừng nhiệt đới rậm rạp. Theo thời gian, các thảm thực vật bị dẹp bỏ. Hiện trong Thảo Cầm Viên còn một cây dây gùi với những cuộn dây vòng vèo bện chặt hệt cây trong các rừng nguyên sinh. Theo các nhân viên Đội cây xanh Thảo Cầm Viên, cây này có trước cả Thảo Cầm Viên, có lẽ là đại diện cuối cùng của một Sài Gòn thời lập địa.

Cách nay hàng trăm năm, "phố trong rừng" đã được người xưa chú trọng quy hoạch

Tuy nhiên, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm (nguyên nhân viên của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM) - người dành cả đời gắn bó với cây xanh thành phố cho biết, cây nhiều tuổi nhất Sài Gòn là cây đa có niên đại hơn 300 năm. Cây cổ thụ này hiện nằm trong công viên trên đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM). Cây đa tán lớn, tỏa bóng sum suê bên trên phần gốc gồm rất nhiều nhánh rễ xoắn kết lại, dấu tích của vùng Sài Gòn - Gia Định từ thuở còn là cánh rừng hoang.

Các bộ ảnh tư liệu quãng thời gian 1860-1890 cũng cho thấy, bên cạnh các công trình kiến trúc Pháp như các dinh thự, biệt thự, người xem thấy rõ những hàng cây trồng đều tăm tắp bên đường. Đến từ xứ ôn đới, người Pháp nhanh chóng “hạ nhiệt” vùng đất đầy nắng gió này bằng bản quy hoạch màu xanh với mật độ lớn cây trên phố, công sở, trường học, công viên. 

Những năm 1863-1870, phần lớn cây trồng được Sở Cầu đường Sài Gòn lấy từ khu vườn ươm khá phong phú ở Vườn Bách thảo (nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn). Một số liệu khác cho biết, vào năm 1866, Vườn Bách thảo chuẩn bị sẵn 25.000 cây ươm để giao cho các làng khu Gò Vấp, Chợ Lớn trồng dọc đường…

“Con đường tình ta đi”

Nhiều người nhập cư chia sẻ rằng, ấn tượng đầu tiên của họ về Sài Gòn chính là những hàng sao dầu. Đi từ ga Sài Gòn ra đường Nguyễn Thông là gặp ngay đôi cây dầu thân thẳng tắp, tán lá tít trên cao in vào nền trời xanh ngắt. Rẽ vào Ba Tháng Hai, xe cộ sẽ lọt vào lòng đường có đôi hàng cây như đứng gác. 

Quy hoạch của người Pháp đã giữ vùng sinh thái cho “thị trấn trong rừng”, giúp hạ nhiệt một thành phố nắng gió - Ảnh: Saigon Viewers
Quy hoạch của người Pháp đã giữ vùng sinh thái cho “thị trấn trong rừng”, giúp hạ nhiệt một thành phố nắng gió - Ảnh: Saigon Viewers

Đi từ bến xe miền Tây, hay miền Đông cũng vậy, khi thấy các hàng cây sao dầu uy nghi là biết đã tới trung tâm Sài Gòn. Những hàng cây tuổi dài hơn cả đời người cứ thế vượt trên các mái nhà 5-6 tầng khắp những tuyến đường.

Trước mỗi mùa mưa, cây dầu nở hoa, những “cánh hoa dầu xoay tít bay bay” không chỉ thơ mộng, cho người ta làm thơ, chụp hình mà còn là phương thức phát tán hạt giống. Cánh hoa (thật ra là quả) đáp xuống đất gửi mình ở bất cứ bãi cỏ, ngách tường nào, chờ mùa mưa tới là mọc mầm nảy cây. 

Thuộc nhóm cây có sức sống mãnh liệt và là xưởng sản xuất ô-xy hơn một thế kỷ vẫn vận hành tốt còn có những hàng sọ khỉ cổ thụ. Cây sọ khỉ nhiều tuổi nhất được ghi nhận hiện đứng trong Thảo Cầm Viên với khoảng 150 tuổi và đường kính gốc lên tới 4-5m. Gần đó là hàng cây sọ khỉ mỗi gốc đôi ba vòng tay ôm thường được quay phim, clip ca nhạc bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Bóng sọ khỉ cổ cũng còn khá nhiều trong khuôn viên các trường học như Trưng Vương, Marie Curie, Lê Quý Đôn… tạo bao kỷ niệm cho học trò thành phố. Cây sọ khỉ tán lá dày cho bóng mát nhiều hơn dầu, dễ đâm cành, đâm chồi tại mọi vị trí, kể cả phần gốc. Hiện trên các cung đường Quận 1, Quận 3 còn rất nhiều cây sọ khỉ cổ thụ lớn hai ba vòng tay với những gốc cây sần sùi u sẹo tạo nên hình dáng cổ quái rất đẹp.

Nói về Sài Gòn mà không nhắc tới những “vùng lá me bay” thì thật thiếu sót. Đôi hàng me đường Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực… quanh năm xanh mướt, phủ vào ký ức thị dân màu xanh non. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hữu Quang, tác giả cuốn sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), năm 1866, khá nhiều con đường Sài Gòn đã được trồng cây me và cây xoài nhỏ. Một thời gian sau, người Pháp thấy xoài có trái rụng, làm bẩn đường phố, lại dễ bị trẻ nhỏ leo trèo hái quả, không phù hợp với đô thị nên đã thay loại cây này.

Chỉ số cây xanh quá thấp

Cây trên đường phố Sài Gòn bây giờ rất đa dạng, là món quà phóng khoáng thiên nhiên tặng cho người sinh sống, đi lại và hít thở dưới màu xanh của nó. Dưới bóng cây dầu số 160 và 168 Nguyễn Đình Chiểu, người phụ nữ tên Thúy đã trải bạt ngồi bán rau củ thịt cá hơn 10 năm nay. Kế bên chị Thúy là tủ cà phê chỉ bày được 4 chiếc ghế nhỏ ra vỉa hè, liền kề là xe bánh mì, sạp báo… Nhờ hàng sao dầu, vỉa hè đoạn đường này luôn râm mát.

Những hàng cây cổ thụ góp phần giữ gìn ký ức đô thị cho hôm nay

Có người khẳng định cặp cây dầu 160 và 168 là lớn nhất Sài Gòn nhưng các sinh viên Trường đại học Kinh tế cách đó chừng 100m, lại cho rằng cây dầu số 188 trước cổng trường họ mới là cổ nhất, lớn nhất. Thật ra, số tuổi của một cái cây thể hiện trên vòng vân gỗ, chứ không phải độ lớn. Còn cây to hay cây nhỏ lại tùy thuộc vào dinh dưỡng, ánh sáng, sự phát triển của cây. Nhiều tài liệu cho rằng, cây trên đường Lê Duẩn và công viên 30/4 trước Dinh Thống Nhất mới là cổ nhất, được trồng những năm đầu người Pháp vào Việt Nam, tức khoảng hơn 150 tuổi. Nhưng có lẽ do thổ nhưỡng, gốc các cây sao dầu khu này lại nhỏ hơn ở nhiều khu vực khác.

Những cựu sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM tứ tán bốn phương, khi gặp nhau trên mạng xã hội vẫn thường hỏi thăm “gốc cây dầu của họ”, nơi có hai hàng photocopy tài liệu cùng quán cháo mực bất hủ. Những cựu sinh viên Đại học Kiến trúc kế bên thì hay hỏi thăm nhau về hàng cây góc Hồ Con Rùa và góc Alexandre de Rhodes với Pasteur - nơi họ thường ngồi làm các bài tập họa hình cây cối. 

Ký ức về cây xanh đô thị không chỉ dành cho người đã xa, mà còn cho chính những người đang sống trong lòng đô thị đó. Ngày mở mắt chào mặt trời, cái cây là nhân chứng; buổi sớm xách túi vào thành phố mưu sinh, cái cây thay mặt cả thành phố còn đang ngủ yên chào đón. Hàng cây ghế đá, “con đường tình ta đi” cũng dưới những tàng cây. Giữ cho đô thị ngập màu xanh cây cối chính là giữ tinh thần, giữ tâm hồn cho bao thế hệ. Tuy vậy, theo nhịp phát triển của một đô thị sầm uất, Sài Gòn liên tục bị “nêm” nhà cửa và mất dần cây cối. 

Trong một bảng so sánh năm 2018 mang tên Asian City Green Index, Solidiance về chỉ số cây xanh đô thị, Sài Gòn nằm cuối danh sách. Nếu Hồng Kông đứng đầu nhóm với 105,3m2 cây xanh trên một đầu người, Hà Nội có 11,2m2, thì TP.HCM chỉ là… 2m2. Số người nhập cư mỗi năm ngày càng đông, số cây lớn lại giảm đi vì mưa bão, sâu bệnh hay phải đốn hạ nhường chỗ cho các công trình xây dựng.

TP.HCM đã quy hoạch đến năm 2025, tổng diện tích cây xanh sẽ khoảng 6.259ha, tương ứng với chỉ số cây xanh khoảng 6,3m2/người, tuy nhiên đây là một con số khó đạt. TP.HCM hiện chỉ có 102.000 cây có số, có địa chỉ, tương ứng với 13 triệu dân, số lượng công viên quá ít, chỉ đạt 10% tiêu chí một đô thị văn minh, hiện đại. 
Vì vậy, chẳng trách, mỗi khi cây bị đốn ngã là bao thương xót trào lên… 

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI