Tiếng cười vui quý hơn vàng bạc

23/05/2025 - 06:00

PNO - Khôi hài, đùa giỡn mang lại sinh khí gia đình, giúp căng thẳng bay biến, nhà thành "tổ ấm tổ vui" mà đi đâu ai cũng nhớ, cũng trông về.

Nụ cười là keo dính tình thâm gia đình - Ảnh: Freepik
Nụ cười là keo dính tình thâm gia đình - Ảnh: Freepik

Nhiều người nói không khí ấm áp như thắp lên những ngọn nến lung linh trong gia đình, còn tôi “bỏ phiếu” cho đùa vui.

Tôi mê cái sinh khí mang lại từ nụ cười và những câu đùa nghịch. Trừ những lời nói hành vi quá lố lăng, miệt thị ngoại hình (body shaming), xúc phạm người thân kiểu “mập như gấu, ngồi lên xe tui chắc gãy phuộc”, “sao mặc cái áo như nùi giẻ vậy”, những người hài hước luôn nổi bật, thu hút và được yêu mến, được hướng về.

Tôi có một đứa cháu tên Huỳnh Lâm giỏi khâu… xàm đế. Lâm rất tỉnh khi chọc cười, đưa người xung quanh đi đến thái cực cảm xúc vui vẻ, phấn chấn. Cách nói của Lâm táo bạo mà lại duyên dáng, lịch sự và xây dựng. Ai cũng tự nguyện trở thành nhân vật để Lâm mổ xẻ, từ đó tiếng cười bật lên một cách tự nhiên, tự phát và lại nhớ lâu.

Đại gia đình đi đâu mà vắng Lâm thì ai cũng có cảm giác thiếu thiếu. Trong những lần đi du lịch, Lâm luôn được đặc cách ngồi ghế sát bác tài để bác tài đỡ buồn ngủ. Bên cạnh Lâm, cha mẹ và gia đình cảm nhận rõ “niềm vui nhân đôi và nỗi buồn giảm nửa”.

Khi tôi và chị tôi (mẹ Lâm) có chuyện hiểu lầm, giận nhau, Lâm nhẹ nhàng chọc ghẹo, giải hòa, chúng tôi gắn kết lại hồi nào không hay. Lâm làm trò khỉ chọc chúng tôi cười và chụp hình chúng tôi ngồi gần nhau. Lâm gửi vào nhóm chung với chú thích: “Giữ mãi nụ cười như vầy với nhau nhen “2 cô gái dậy thì thành công” ấy ơi!”. Với trình tiếu lâm, Lâm tự trào về mình là “má đẻ cái mỏ ra trước” còn tôi công nhận Lâm ở yếu tố kết nối, chữa lành.

Con gái tôi lúc 5 tuổi, đi du lịch Đà Lạt, vừa đỗ xe trước cổng khách sạn, con thấy một tòa nhà đẹp và buột miệng la lên: “Lâu đài tình ứa” (con cố tình nói trại tiếng "ái" thành "ứa")

Cả nhà đi xe thấm mệt mà nghe vậy được một phen cười vỡ bụng, thấy thoải mái hẳn ra. Vợ chồng tôi thường trò chuyện với con gái, nghe những lời ngộ nghĩnh của con để giải tỏa căng thẳng vì công việc. Chúng tôi không bao giờ bắt "con gái phải đoan trang, đằm thắm, nhu mì" mà nương theo tố chất sẵn có của con.

Cách đây vài năm, có dạo nghi ngờ ông xã có bồ, tôi mất ăn mất ngủ cả tuần mà không chia sẻ với ai. Con gái đoán biết tôi có nỗi lo nên quan tâm và kiếm cớ ngồi gần tôi hoài.

“Ôi người đẹp của con kìa. Bỏ ăn riết ốm... lòi lỗ tai. Càng rầu mẹ phải càng ăn, ăn vô mới có sức để… rầu chứ!”, lời con khiến tôi bật cười, như được tiếp thêm chút sinh lực.

Rồi con chủ động làm nhịp cầu để ba mẹ hiểu nhau hơn. Ai bảo người tiếu lâm là người vô tâm, cạn cợt, không có chiều sâu tâm hồn? Và ai bảo người hay chọc ghẹo thì không nghiêm túc, chân thành?

Giờ đây, ở tuổi cấp III, con tôi cũng là trung tâm của nhóm bạn vì cháu nói chuyện khôi hài, hay chọc cười. Trong nhóm, bạn nào buồn tình, chán nản, áp lực, hẹn hò cà phê với con tôi là lấy lại tinh thần ngay và luôn. Không đợi các bạn có tâm sự buồn mời cà phê mà con tôi cứ me me bạn nào có vẻ đang buồn để chọc ghẹo, giúp bạn phân tán tập trung, không chăm bẳm vào điều bất như ý, thấy đời nhẹ tênh.

Trong khi nhiều người lớn nghiêm túc, đạo mạo lớn tiếng chê bai, chỉ trích những đứa nhỏ lý lắc, thích đùa nghịch, “quậy như khỉ”, tôi lại thấy những người hay vui đùa là những người biết… hy sinh.

Họ hy sinh hình ảnh cá nhân, hy sinh sự an toàn của bản thân để khuấy động cho không khí gia đình, công sở, nơi đám tiệc, nơi công cộng, chuyến đi chơi, chuyến công tác… thêm vui nhộn, sôi nổi và vì thế, đáng sống. “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” thì lúc nào cũng đẹp, cũng nên thơ nhưng là đẹp, nên thơ cho riêng mình nhiều hơn. Còn những người hài hước luôn phải động não, sáng tạo ra những chiêu trò chọc cười và tất nhiên có làm thì có sai, có phiêu lưu thì có rủi ro. Họ chấp nhận sẽ bị “ném đá”, bị người lớn rày khi lỡ miệng hoặc câu nói đùa gây hiệu ứng ngoài tầm kiểm soát.

Có gì quan trọng hơn là niềm vui của bản thân và sự tươi mới, rộn ràng nơi không gian mà mình đang sống. Tất nhiên, hàng hóa xuất xưởng đều phải qua khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm; lời nói, cử chỉ, hành động cũng phải kiểm soát, cũng phải được cha mẹ, ông bà mài giũa một cách tế nhị. Chúng ta hãy mạnh dạn khuyến khích con cháu đùa duyên để thực sự đem đến nụ cười, sự gắn kết, không sa vào quấy rối người khác, thất lễ với người lớn hay cười cợt xoáy vào nỗi đau của nhau, chọc ghẹo gây chia rẽ, giận hờn.

Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI