“Thương cho roi cho vọt” đúng hay sai?

29/12/2021 - 15:30

PNO - Từ vụ việc bé V.A bị tình nhân của bố bạo hành, câu thành ngữ của ông bà xưa lại được khơi lại cùng nhiều quan điểm bàn luận trái chiều.

Vụ việc bé V.A (8 tuổi, TPHCM) bị nhân tình của cha bạo hành đến tử vong khiến dư luận rúng động. Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) khai nhận mua roi mây dạy dỗ con của chồng sắp cưới. Roi mây hỏng, lại dùng gậy gỗ để đánh. 

Từ vụ việc này, trên mạng xã hội lại bùng lên câu chuyện “Thương cho roi cho vọt” của ông bà xưa liệu có còn đúng trong xã hội hiện đại hay không. 

Dư luận chia ra nhiều phe. Trong đó, có không ít ý kiến cho biết dẫu kiềm chế nhưng đôi khi không thể không đánh con: “Dẫu biết đánh con là không nên nhưng nhiều lúc không thể kiềm chế được”.

Nguyễn Vũ Quỳnh Trang và chiếc gậy dùng đánh bé V.A
Nguyễn Vũ Quỳnh Trang và chiếc gậy dùng đánh bé V.A

Trong đó, nhiều người cho rằng việc giáo dục bằng roi vọt không sai, nếu được hiểu đúng, áp dụng đúng. Một số ý kiến bày tỏ quan điểm như sau: “Tôi có 3 đứa con, rất ít đánh chúng. Nhưng nhiều khi cả một ngàn lời nói không bằng cái khẻ tay. Tôi thấy giống như việc người mộng du cần một cú búng tay nhẹ để quay về quỹ đạo cần thiết”, “Roi vọt bằng lời nói đôi khi còn gây ra những tổn thương hơn cả roi thật. Tôi nghĩ tuỳ vào tâm tính của đứa trẻ mà chọn lựa cách giáo dục phù hợp”, “Nếu dạy con mà không cho roi nào thì rất khó”...

“Ngày nhỏ, ông nội, ông ngoại hay ba tôi hay phạt, nếu không ngủ rưa 1 roi, không làm bài 2 roi, cứ đúng barem mà áp dụng. Tôi lớn lên trong gia đình lao động hay bị đánh vì tôi nghịch. Tôi vẫn ổn và vẫn tử tế. Bạn bè tôi lớn lên trong môi trường không bị roi vọt, cũng vẫn ổn, và tử tế. Câu này vẫn đúng ở khía cạnh giáo dục con trẻ khi bé phạm lỗi, không được xúc phạm, chửi rủa bé mà chỉ cho bé biết bé đang sai ở đâu. Còn đánh trong trường hợp bé Vân An hay những pha ba mẹ đi làm bị sếp chửi về lôi con ra đánh thì không phải là thương”.

“Đòn roi cũng là một nghệ thuật, với mấu chốt là phải để trẻ ý thức đòn roi là một hình phạt nghiêm túc, chứ không được để đòn roi vô tội vạ, bừa bãi sẽ tạo cảm giác thù hằn cho trẻ”, “Những trường hợp như con trẻ đi ăn trộm, bỏ học chơi game, tụ tập đánh nhau nếu không đòn roi thì chắc chắn khó mà dạy”…

Vụ việc thương tâm của bé V.A đặt ra nhiều vấn đề trong dư luận
Vụ việc thương tâm của bé V.A đặt ra nhiều vấn đề trong dư luận

Phe còn lại cho rằng việc dạy con bằng roi vọt là điều không nên: “Phản đối bạo lực”, “Roi vọt là thể hiện của sự bất lực trong việc dạy con”, “Dạy con bằng roi vọt là phản giáo dục. Bắt trẻ con vào khuôn phép làm hạn chế phát triển tư duy, sáng tạo của trẻ. Giáo dục nên học Mỹ hoặc Nhật”.

"Ranh giới giữa đòn roi và bạo hành rất mong manh. Khi phụ huynh nóng giận lên, mấy ai có thể rạch ròi được ranh giới này nữa?”, “Dạy con con là đúng nhưng có nhiều phương pháp dạy không nhất thiết phải động đến roi vọt, nghiêm khắc không có nghĩa là phải đánh, mắng chửi mà là chỉ ra chỗ tốt và xấu cho con. Cho con thoải mái nhưng trong khuôn khổ chúng sẽ cảm thấy không bị gò bó, và phát triển được toàn diện”.

“Khi nóng giận, người lớn không chỉ dùng đòn roi mà còn có lời nói khó nghe”, “Nhiều người lấy lý do không thể tránh được dùng roi vọt, nhưng nhiều nước phương Tây vẫn làm được, con trẻ không bị đánh đòn vẫn lớn lên tốt đẹp. Khi người lớn không biết kiểm soát, không có phương pháp dạy con tốt thì đừng nên đổ lỗi”.

“Ở một số nước, trẻ con hoặc hàng xóm còn có quyền báo cảnh sát khi bạo lực gia đình xảy ra để đảm bảo quyền được bảo hộ về thân thể. Người bị tội sẽ bị giam lỏng ít nhất 2-3 ngày để điều tra, truy cứu trách nhiệm".

“Một đứa trẻ được giáo dục bằng đòn roi thì khi làm sai, thứ chúng nghĩ đến đầu tiên là sẽ bị ăn bao nhiêu cây chứ không phải mình sai ở đâu và sửa như thế nào. Chung quy lại, cái chúngsợ là cái roi, chứ chẳng hề có một ý nghĩ hối lỗi nào xuất phát từ chính bản thân nó cả. Hơn nữa, bạo lực chưa bao giờ là đúng”…

Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh việc Thương cho roi cho vọt
Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh việc "Thương cho roi cho vọt"

Một số ý kiến khác ở phe trung lập, hoặc đưa ra góc nhìn thoáng hơn cho câu nói này: “Thường thì đánh con hầu hết do bực tức, nổi nóng, mang tính trừng phạt. Giáo dục không roi vọt có nhược điểm làm đứa trẻ yếu đuối và nhận thức nhân quả, và sự trả giá kém hơn. Tôi cũng không đánh con, nhưng không bao giờ phủ nhận vai trò của roi vọt”, “Cha mẹ trẻ thời nay chắc cũng không còn ai dạy con bằng đòn roi nữa, nên có thể không hiểu roi vọt theo nghĩa đen là theo nghĩa rộng hơn là nghiêm khắc thì chắc vẫn được”, “Roi vọt không nên chỉ hiểu theo nghĩa đen, ý nói là có kỷ luật và không nuông chiều con”…

Dòng trạng thái của Giáo sư Trương Nguyện Thành với nhiều bình luận thú vị, trong đó không ít người vẫn đồng tình cách sử dụng roi vọt trong dạy dỗ con
Dưới dòng trạng thái của Giáo sư Trương Nguyện Thành có nhiều bình luận thú vị. Trong đó, không ít trí thức vẫn có quan điểm nên sử dụng roi vọt trong dạy dỗ trẻ.

Trong những ý kiến tranh luận có thông tin đáng chú ý, hiện có gần 60 quốc gia trên thế giới cấm bố mẹ đánh con như: Argentina, Áo, Brazil, Croatia, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Tây Ban Nha, Ukraine, Venezuela… Trongđó, sớm nhất là Thuỵ Điển, ban hành luật này vào năm 1979. Đến năm 1996, chỉ có 6 nước theo sau. 

Trong vòng 10 năm trở lại đây, số quốc gia cấm dạy trẻ bằng roi vọt tăng đáng kể, theo thống kê từ UNICEF. Nhiều nhà khoa học, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc dùng bạo lực giáo dục con trẻ dễ gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, hành vi của trẻ. 

Hồi đầu tháng 12, VTV đưa tin có 70% trẻ em dưới 15 tuổi tại Việt Nam từng bị gia đình sử dụng bạo lực để phạt. Đây là kết quả của cuộc điều tra các mục tiêu phát triển bền vững của trẻ em và phụ nữ 2020-2021.

Điều tra được thực hiện trên 14.000 hộ gia đình, thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước. Con số này được cho là đáng báo động, và sẽ trở thành căn cứ để xây dựng các phương hướng phát triển phù hợp hơn trong tương lai dành cho trẻ em. 

Hà Anh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI