Thừa nhưng vẫn hẹp

29/12/2013 - 13:39

PNO - PNCN - Con trai tôi 12 tuổi, cháu không tự lột bao quy đầu của dương vật lên được, mà phải lấy tay kéo lên. Khi lột ra thì còn dư một ít da, vệ sinh rồi vẫn có mùi hôi và những nốt trắng li ti.

edf40wrjww2tblPage:Content

Xin hỏi, cháu bị thế này có ảnh hưởng gì đến bản thân và giống nòi không?

(Trương Quốc K.)

Thua nhung van hep

Bình thường, con trai đến tuổi trưởng thành thì lớp da bao ngoài dương vật (bao quy đầu) sẽ tuột xuống ít hoặc nhiều, khi cương cứng, để lộ quy đầu. Ở một số thiếu niên, lớp da này vẫn bao lấy toàn bộ phần đầu dương vật chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để nước tiểu thoát ra. Nước tiểu bị sót lại thường đọng bên trong bọc da, đóng cặn, gây khó khăn cho việc giữ gìn vệ sinh. Nếu không chữa, có thể dẫn đến viêm quy đầu hoặc gây ung thư dương vật. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể nong rộng, chích một phần da để hết hẹp hoặc cắt bỏ hoàn toàn da quy đầu.

Theo những gì bạn kể, có thể đoán bé trai bị tình trạng thừa da quy đầu. Bao quy đầu gồm có hai lớp da, lớp ngoài liền với da của thân dương vật, sau khi trùm kín quy đầu rồi gập lại, từ đây lớp trong được hình thành, dính sát vào rãnh quy đầu. Ở phía mặt dưới của quy đầu, lớp da này gấp lại thành một nếp gờ gọi là dây hãm (hay dây thắng) giúp “cậu bé” đứng nghiêm trong tư thế thẳng khi cương. Hai lớp da này được cấu tạo bởi mô liên kết gồm rất nhiều sợi chun giãn, đàn hồi. Nhờ vậy, bao quy đầu có thể lộn ra lộn vào một cách dễ dàng. Đến tuổi dậy thì, dương vật phát triển nhanh, to và dài ra và bao quy đầu lộn ra ngoài. Tình trạng chít hẹp hoặc thừa da quy đầu không được giải quyết sẽ gây ra nhiều rắc rối sau này:

● Ảnh hưởng tới sự phát triển của “cậu bé”: quy đầu luôn ở trạng thái gò bó, dương vật không thể phát triển bình thường được, có thể bị ngắn hơn.

● Xuất tinh sớm: quy đầu nấp trong “tháp ngà”, không nhận được sự cọ xát hợp lý khi tắm rửa vệ sinh, khi đi lại, luyện tập,… khiến các đầu dây thần kinh ở trong trạng thái mẫn cảm. Khi giao hợp dễ xảy ra xuất tinh sớm, nghiêm trọng hơn có thể làm liệt dương.

● Nguy hại đến sức khỏe sinh sản nam giới: chất cặn bã bẩn rất dễ hình thành, gây ra các viêm nhiễm lên bao quy đầu từ đó ảnh hưởng và viêm nhiễm lên một loạt các cơ quan của hệ thống sinh dục. Viêm nhiễm lâu ngày sẽ khiến cơ quan sinh sản bị tổn thương, gây ra một số bệnh trên hệ thống sinh sản, làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch, từ đó gây ra vô sinh.

● Ảnh hưởng đến sức khỏe của “đối tác”: khi giao hợp, những chất bẩn bên trong bao quy đầu sẽ xâm nhập vào âm đạo nữ giới, gây viêm nhiễm, nguy cơ ung thư cổ tử cung cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 30% người nam trên thế giới đã được cắt bao quy đầu, phần lớn là vì văn hóa và tôn giáo, một số tổ chức ủng hộ phẫu thuật này, cho đây là một phương pháp phát triển sức khỏe cộng đồng.

Bạn nên hướng dẫn con vệ sinh hằng ngày, dùng tay tác động dần dần, nếu sau một thời gian vẫn thấy khó chịu, hãy đến bệnh viện để bỏ phần da thừa đó đi. Phẫu thuật cắt bao quy đầu chỉ là một tiểu phẫu, thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút. Sau khi cắt da quy đầu người bệnh có thể tự chăm sóc vết mổ mỗi ngày tại nhà. Sau bảy-mười ngày, vết mổ sẽ lành. Cắt da quy đầu có nhiều mối lợi: vệ sinh dễ dàng sạch sẽ, giảm tỷ lệ viêm quy đầu, giảm tỷ lệ ung thư dương vật. Điều đáng ngại sau phẫu thuật cắt da quy đầu có thể là nhiễm trùng vết mổ, sẹo xấu...

Bên cạnh đó, bạn cần trò chuyện nhiều với con về những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, giúp cháu hiểu biết về mình hơn và chia sẻ với cha mẹ những chuyện xảy ra trong thời kỳ “khủng hoảng” này.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI