Chuyện người bỏ phố về quê:

Theo chồng bỏ phố về rừng

07/11/2020 - 05:49

PNO - Một anh cán bộ bàn giấy ngành đường sắt và một thiếu phụ xinh đẹp, mảnh mai, yếu đuối - làm sao trụ được nơi rừng rú đầy muỗi và bọ cạp? Nhưng rồi tất cả đều ổn.

Trong khu vườn rộng gần ba héc-ta có một ngôi nhà ngói nhỏ và thấp, thiết kế theo kiểu những năm đầu thập niên 1980. Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa bóng cây xanh. Chiều tĩnh lặng với tiếng đàn ghi-ta bập bùng, hòa lẫn tiếng ru trẻ thơ dịu ngọt. Bà Năm Thanh đặt đứa cháu ngoại đang say giấc lên võng, hối ông Năm cất đàn, để kịp lùa bò vô chuồng kẻo trời tối.

Đó là một trong những buổi chiều yên ả, khi bà đã chuẩn bị mọi thứ cho bữa cơm chiều, và đàn bò của ông đã no cỏ đủng đỉnh dạo quanh vườn.

Trời thương nên ông già 86 tuổi vẫn vững chãi bên bà
Trời thương nên ông già 86 tuổi vẫn vững chãi bên bà

40 năm trước, dân làng Cát Lâm thấy ông Năm Thanh dắt một chiếc xe đạp chở một thùng gỗ đựng đồ dùng trở về quê, đằng sau líu ríu bước chân một phụ nữ thị thành xinh đẹp. Đó là cô vợ trẻ của ông, cưới năm 1980.

Từ giã căn nhà ở đường Lê Hồng Phong thành phố Quy Nhơn, họ dắt nhau về rừng núi Cát Lâm, tỉnh Bình Định, với ước mơ tạo dựng một cuộc đời mới. Người phụ nữ góa bụa mới 26 tuổi, dám đặt niềm tin yêu vào người đàn ông lớn hơn mình 20 tuổi.

Hồi đó, nhìn dáng vẻ hai người, dân làng đều lắc đầu ngao ngán. Một anh cán bộ bàn giấy ngành đường sắt và một thiếu phụ xinh đẹp, mảnh mai, yếu đuối - làm sao trụ được ở nơi rừng rú đầy muỗi và bọ cạp này?

Nhưng tất cả tạm ổn. Dân làng xúm lại chặt tre, cắt tranh dựng cho đôi vợ chồng mới một căn nhà nhỏ. Cô vợ trẻ bắt đầu dọn dẹp tổ ấm, úm mấy con gà nuôi làm giống. Anh chồng già xoa hai bàn tay, trần thân đốn cây, dọn cỏ, san đất, chuẩn bị cho những vụ đậu, khoai mì, khoai lang đầu tiên.

Cuộc sống những năm cuối thời kỳ bao cấp đầy khó khăn thiếu thốn. Họ sống bằng mấy chục đồng lương hưu ít ỏi, 13 ký gạo màu và tem phiếu lương thực của ông Năm Thanh. Tuy có vẻ đầy đủ hơn những gia đình nông dân trong làng, nhưng cuộc sống sinh hoạt thì họ phải ráng thích nghi, nhất là cô vợ từ lâu đã quen nếp sống thị thành.

Nơi rừng núi không điện, nước, không nhà vệ sinh thật nhiều bất tiện. Không muốn người vợ trẻ phải ra tắm giặt nơi giếng công cộng, chiều nào ông Năm cũng kẽo kẹt gánh nước từ giếng về cho vợ dùng. "Chắc không trụ nổi ba tháng đâu!" - đã có người chép miệng nhận xét như vậy.

Sau ba năm sinh liên tiếp hai cô con gái, kinh tế gia đình càng thiếu thốn hơn. Trong khi chờ thu hoạch khoai, mì, từ sáng sớm đến chiều tối, ông Năm vào rừng kiếm rễ trầu, cây giang đem về sơ chế, rồi đạp xe xuống chợ huyện cách đó 25 cây số để bán lấy tiền mua thêm gạo mắm nuôi vợ con.

Người vợ trẻ cũng dần thích nghi với điều kiện sống, trở thành cô thôn nữ giỏi trồng rau, nuôi gà, heo, nội trợ. Thửa đất hơn ba héc-ta, ông Năm từng đào gốc, bốc trà, tháo gỡ đạn pháo, mìn... nay đã trở thành một trang trại rộng lớn, quy mô, có chuồng trại nuôi bò, heo, gà và trồng cây trái.

Hai vợ chồng đã vượt qua cả những khó khăn thường nhật cùng bao đàm tiếu. Họ hàng bên nội chê trách ông Năm "rước nợ về nhà". Gia đình bên ngoại thì mắng bà Năm dại dột, đang ăn trắng mặc trơn lại chui đầu vào nơi khổ sở. Nhưng tình yêu đã chiến thắng tất cả. Gia đình nhỏ bốn người của họ giữa bộn bề vất vả, lại ngày càng gắn bó keo sơn.

Gian khổ khó khăn cũng qua dần. Hai cô con gái đều đã học xong đại học, cao đẳng, có nghề nghiệp ổn định, có gia đình riêng. Từ ba năm nay, cô con gái lớn mang chồng con về ở chung với ông bà ngoại, nên không khí gia đình có phần vui hơn.

Buổi sáng, bà Năm lo pha trà, cùng chồng bắt đầu một ngày bận bịu nhưng thanh bình
Buổi sáng, bà Năm lo pha trà, cùng chồng bắt đầu một ngày bận bịu nhưng thanh bình

Hằng ngày, ông Năm vừa chăn thả đàn bò, vừa tranh thủ trồng trọt. Tuổi 86 nhưng ông ít bệnh tật, đau ốm, có thể đội mưa nắng suốt ngày ngoài vườn. Bà Năm tuy bước vào tuổi 66 nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn, gọn gàng, có thể làm đủ thứ việc của đàn ông như sửa điện, chạy bơm nước, chăm bầy heo rừng....

Lúc rảnh rỗi, bà còn phụ chăm sóc cháu ngoại cho con gái yên tâm làm việc. Vui nhất vẫn là những buổi trưa, buổi chiều, khi ông bà đều tạm ổn việc nhà, ông ngồi ôm đàn, bà dạy cháu múa. Hạnh phúc bừng lên từ những âm thanh rộn rã giữa trời chiều. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI