Thế hệ dư công nghệ, “đói” giao tiếp

18/10/2020 - 09:00

PNO - Anh bạn đồng nghiệp gọi nhờ giới thiệu gấp một chuyên viên tư vấn tâm lý hạng “thương hiệu”, tôi thấy lạ vì anh vốn tính keo kiệt, nay lại chẳng quan tâm mức phí. Anh thú thật sáng nay, trước khi đến trường, con gái anh đã để lại tin nhắn: “Hôm nay, trời đẹp, tôi muốn mồ chôn tôi là một dòng sông”.

Vợ chồng anh tá hỏa, gấp rút tìm mọi cách vừa tư vấn, vừa báo cô giáo, bạn bè của con… để ngăn con làm những hành động dại dột. Con gái anh đang học lớp Mười. Gần đây cháu bị khủng hoảng tâm lý, nhiều lần có suy nghĩ giã từ cuộc sống, nhưng lần này thì ý định ấy thể hiện rõ ràng qua dòng tin nhắn. 

Thế hệ Z giao lưu chủ yếu bằng... ngón tay cái. Ảnh minh họa
Thế hệ Z giao lưu chủ yếu bằng... ngón tay cái. Ảnh minh họa

Nói bằng… đầu ngón tay cái

Cháu đang gặp những vấn đề gì, cháu cần cha mẹ đồng hành như thế nào? Vợ chồng anh không thực sự hiểu. Chỉ biết tối qua, cháu bỏ dở bữa ăn, đùng đùng lên phòng đóng sập cửa sau khi bị mẹ gỡ điện thoại trên tay. Đến trường thì thôi, ở nhà cháu cầm điện thoại suốt. Vài năm gần đây, vợ chồng anh không thể trò chuyện cùng con, có gì cần, con chỉ giao tiếp qua hai đầu ngón tay cái (nhắn tin điện thoại, khi cần gấp mới gọi điện). Cháu cũng không kết giao bạn bè. Người bạn duy nhất mà cháu cần là cái điện thoại thông minh. 

Cháu ngày càng lầm lì, khép kín, nhiều phen nổi loạn, chống đối. Vợ chồng anh vẫn bỏ qua vì quá bận rộn, không biết giải pháp nào tích cực và vì thấy kết quả học tập của con vẫn khá tốt. Từ ngày được chọn vào đội tuyển năng khiếu, cháu viện lý do học qua mạng nên càng ôm ghì cái điện thoại. Vợ chồng anh hạn chế giờ sử dụng điện thoại nhưng con bất tuân, khi bị giằng lấy thì con tức giận, không nói chuyện. 

Chiếc điện thoại thông minh đầy công năng đem đến bao tiện ích cho người sử dụng nhưng cũng lấy cắp quá nhiều thứ, gây nhiều vấn đề về sức khỏe: ảnh hưởng mắt, xương khớp tay, lưng, cổ, hệ thần kinh… Trong gia đình không ít mâu thuẫn, bất đồng xoay quanh “tội đồ phẳng”. 

Nỗi lo Gen Z (từ dùng để chỉ những bạn trẻ và thanh thiếu niên sinh vào giai đoạn từ năm 1995 đến 2012, thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong thời đại công nghệ) bị mất kết nối thật được đặt ra tại diễn đàn “Đối thoại với Gen Z: Cá tính hay quái tính? Tự do và giới hạn” do Học viện Thanh thiếu niên và Bạn trẻ - YES (Youth Empowerment School) tổ chức tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM đầu tháng 10/2020.

Cùng với sự thay đổi về thể chất, tâm lý của các bạn cũng có nhiều biến đổi phức tạp. Không như con ở độ tuổi mầm non hay tiểu học, nhiều phụ huynh cảm nhận sự xa cách rõ rệt của con cái, kể từ khi con bước vào độ tuổi teen.

Tại diễn đàn, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương (sáng lập Học viện YES, đồng thời cũng là người sáng lập và điều hành của nhiều tổ chức, mô hình giáo dục sáng tạo tại TOMATO Education, I Can School (ICS), FAROS Education & Consulting, Design for Change Vietnam) đã giải mã thế hệ Z với những đặc điểm nổi bật. Gen Z thường được phác họa với nhiều đặc điểm đối lập: rất sáng tạo nhưng cũng rất nổi loạn, dành nhiều thời gian trong thế giới ảo nhưng lại khát khao những kết nối thật, đầy tự tin nhưng cũng không tránh khỏi những hoang mang về bản thân…

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương tại diễn đàn Đối thoại với Gen Z
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương tại diễn đàn Đối thoại với Gen Z

Sung túc, no đủ, chỉ “đói”… giao tiếp

Thế hệ Z vô cùng đặc biệt khi sinh ra hoàn toàn trong thời đại internet lẫn mạng xã hội đều đã được phổ biến. Thế nên, các bạn dành rất nhiều thời gian trên không gian ảo. Theo khảo sát gần đây của Công ty McKinsey & Company, 1/3 thế hệ Z khu vực châu Á - Thái Bình Dương dành nhiều hơn sáu tiếng mỗi ngày trên internet.

Đặc điểm thứ hai theo phân tích của thạc sĩ Uyên Phương là vì các bạn dành nhiều thời gian trên mạng, nên lâu dần những kỹ năng tương tác, kết nối ngoài đời thực sẽ ít dần đi. Tuy nhiên, các bạn vẫn thèm những ánh mắt, thèm cái chạm tay… Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng biết cách tương tác hoặc tự tìm kiếm được những kết nối đó. 

Thế hệ Z lại là thế hệ có kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ thuật số tốt nhất, tiếp cận các thông tin mới một cách nhanh nhất, do vậy các bạn cũng là những người sử dụng công cụ số để tạo ra các sản phẩm hoàn hảo nhất. Ngoài ra, thế hệ Z được thụ hưởng nền giáo dục đổi mới nên luôn tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, và cũng đòi hỏi người khác có sự tôn trọng ngược lại. 

Trong gia đình, cha mẹ, ông bà không thể vì đổ tội cho thiết bị công nghệ mà loại trừ chúng một cách cực đoan, không cho con cháu tiếp cận. Tuy nhiên, người lớn và con cháu cùng thiết lập một kỷ luật, một giới hạn phù hợp để hạn chế mặt nguy hại đồng thời phát huy mặt tích cực, hữu ích của công nghệ. Cần nhất là xây dựng thói quen tốt như cùng đọc sách, cùng làm việc nhà, trò chuyện, vui chơi, thể thao, thăm thú bạn bè, hoạt động xã hội… 

Người lớn bằng nhiều cách khuyến khích, tạo điều kiện cho con tiếp cận người thật, cảnh thật, thế giới thật để gặt hái được những hạt giống cảm xúc thật. Muốn cải thiện sợi dây liên kết trong gia đình, người lớn cần làm gương, bắt đầu bằng cách chịu buông điện thoại xuống, chủ động, sẵn lòng cho những tương tác bằng nhiều giác quan với vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…

Có những câu chuyện gia đình đáng tiếc đã xảy ra như khi người mẹ bắt con đi cai điện thoại, người con liền ném về mẹ một tin nhắn: “Người phải đi cai đầu tiên trong cái nhà này chính là mẹ chứ không phải con!”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI