Con nhảy lầu tự tử vì giận mẹ lục điện thoại, bạn sợ không?

22/11/2019 - 11:01

PNO - Một bé gái 13 tuổi đã nhảy từ lầu 8 chung cư xuống đất vì không hài lòng khi mẹ xem điện thoại. Chỉ cần một lần nổi giận, hay có hành động lời nói gây tổn thương cho trẻ, là ta có thể mất con.

Đây cũng không phải lần đầu chúng ta đọc hay nghe thấy một tin tương tự. Vào tháng 4 năm nay, tại Trung Quốc, một cậu bé 17 tuổi, sau khi cãi vã với mẹ, đã nhảy cầu tự vẫn nhay trước mặt mẹ. Có thể đó là một việc làm thiếu suy nghĩ của cậu trai, nhưng liệu có phần nào lỗi người mẹ đã đẩy sự xung khắc lên mức cao nhất? Rồi người mẹ ấy thế nào, sẽ sống ra sao suốt quãng đời còn lại?

Con nhay lau tu tu vi gian me luc dien thoai, ban so khong?
Bé Q. đang được điều trị bảo tồn gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi nhảy lầu tự tử vì giận chuyện mẹ xem điện thoại của Q. Ảnh: Hoàng Lan

Là mẹ của hai đứa trẻ, tôi không khỏi xót xa khi đọc những dòng tin này. Một cô bé 13 tuổi, một cậu bé 17 tuổi, hẳn không thể nào nghĩ cho tròn, cho đầy với tuổi đời quá nhỏ. Cậu bé 17 tuổi ấy không may đã qua đời. Cô bé 13 tuổi người Việt may mắn hơn, đang được cứu chữa tận tình ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Không biết sau này, may mắn có cơ hội nghĩ lại, con có thấy hối hận vì hành động của mình hay không?

Hai con trai tôi đang tuổi bướng, tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ. Lắm khi tôi đi làm về mệt, cậu con nhỏ chẳng hỏi thăm câu nào, mà nằng nặc đòi mẹ chở bạn về chơi cùng. Tôi không đồng ý, thế là con dằn dỗi cả buổi tối, mặc cho mẹ có buồn hay giải thích thế nào đi nữa.

Tôi nghĩ, đó là dấu hiệu con ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân. Tôi đã la mắng con suốt cả tối. Nhưng khi con đã đi ngủ, khi mọi thứ yên ắng, tĩnh lặng, tôi mới “nhớ” ra, cậu con trai còn chưa 10 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới, và con, tất nhiên cũng có những nhu cầu song chưa biết kiềm chế cảm xúc hay cân đối với nhu cầu của người khác, cụ thể là mẹ nó.

Để con hiểu, không phải dễ. Như bé gái 13 tuổi ấy, có khi cũng chỉ mong muốn có được một quyền chính đáng: quyền cá nhân. Có khi, trong điện thoại ấy, chẳng có điều gì quá ghê gớm cả. Làm cha mẹ thời nay, đôi khi chúng ta hay quá lo lắng, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực.

Rất nhiều bạn bè tôi có con tuổi teen đòi kiểm soát điện thoại, tin nhắn của con. Khi con từ chối thì dùng các biện pháp cưỡng chế hoặc dùng quyền lực cha mẹ để phạt, đánh mắng, miệt thị, tịch thu điện thoại... Khi giận con, ít ai kịp nhớ, mọi thứ liên quan tới đời sống và sinh hoạt của trẻ, dù nguy cấp tới mấy, cũng không có gì ghê gớm bằng chuyện ta đang làm: tạo ra hố sâu, thậm chí là sự thù hận với con.

Mỗi buổi gặp bạn bè, phụ huynh chúng tôi hay nhắc nhau cần bình tĩnh với bọn trẻ.  Nếu mất  bình tĩnh, hãy nhắn gọi cho nhau để chia sẻ, rồi cùng giải quyết. Luôn có rất nhiều cách để xử lý vấn đề cho hiệu quả, đừng vội làm theo chủ quan của mình, khiến mọi thứ bị đẩy đi quá xa. Bởi khi trẻ giận cha mẹ, chúng không chỉ phản kháng, có suy nghĩ trả thù (đôi khi bằng cái chết) mà thường có "hàng kèm" là sự cô đơn, tuyệt vọng, không ai hiểu mình, vì vậy, chúng nghĩ đời sống quá vô nghĩa, đáng chán, và tìm tới cái chết...

Con nhay lau tu tu vi gian me luc dien thoai, ban so khong?
Đừng la mắng, bạo hành tinh thần con để rồi hối hận về sau. Ảnh minh hoạ sự tiêu sự tiêu  

Tất nhiên tâm lý và hoàn cảnh sống của mỗi trẻ mỗi khác. Sức chịu đựng hay đón nhận điều trái ý của trẻ và chính cha mẹ cũng khác nhau. Có điều, với đời sống xã hội phát triển và phức tạp của ngày nay, cha mẹ cần hiểu nhiều hơn về đời sống tâm lý của trẻ.

Chúng ta ngày xưa, không có nhiều điều kiện tiếp cận với xã hội bên ngoài, không có Internet, không có Youtube, Zalo, Instagram...Đời sống tinh thần chúng ta khi ấy, gắn liền với gia đình, nhà trường, và một xã hội nhỏ như trường lớp, xóm giềng, bà con… Cho nên, phải tạm quên những suy nghĩ thời ta còn trẻ thế nào, ngừng gán ghép cho con phải thế này thế nọ. Con đang lớn lên trong một xã hội với tương tác nhiều chiều, con trẻ bây giờ yêu sớm, tiêu dùng sớm, giao tiếp xã hội sớm, ý thức cá nhân và quyền tự do rất rõ... Đừng vội nghĩ cha mẹ có thể áp đặt cho con bất cứ điều gì.

Hội phụ huynh chúng tôi cũng thường nhắc nhau hãy nghĩ ngay đến bác sĩ, chuyên viên tư vấn tâm lý khi con có những suy nghĩ, lời nói hay hành động tiêu cực. Ban đầu có thể là một biểu hiện rất nhỏ, nhưng không khí tiêu cực nếu không được giải phóng, nó sẽ lớn dần, xâm chiếm các con ngày đêm và con bị mất kiểm soát rồi hành động thiếu tự chủ... 

Quan trọng nhất, nếu con có bướng, có lì hay có như thế nào đi nữa, thì bạn nghĩ mà xem, chẳng có gì đau đớn hơn là con thù hận cha mẹ hay con không còn muốn sống trên đời này nữa... Phải vậy không bạn?

Kim Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI