Tật nguyền gánh cả “giang sơn”

26/09/2013 - 14:35

PNO - PN - Năm lần tìm đến cái chết, giờ ngẫm lại, chị thấy sao mình ích kỷ, dại dột. "Nhỡ có chuyện gì, không biết gánh gia đình này ai lo?”. Chị tên Lương Thị Mai (SN 1957). Căn nhà ọp ẹp diện tích 1,2m x 5m nép dưới chân cầu Phạm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tat nguyen ganh ca “giang son”

Chị Mai (đứng) chăm sóc em gái mắc bệnh tâm thần

Làm mẹ của các cháu

18 tuổi, sau một cơn sốt nặng, những ngón tay ngón chân của chị Mai bỗng dưng co quắp, rồi hoại tử dần, buộc phải cắt bỏ từng phần. Hôm bác sĩ nói con gái mắc bệnh phong, mẹ chị ngước mặt nhìn trời: “Đày chồng, sao còn đày thêm con gái tôi!”. Chị Mai nằm trên giường, nhớ lại cảnh cả nhà rơi nước mắt nhìn nồi bánh canh mẹ gánh đi bán về còn nguyên, vì “vợ ông cùi nấu, ai ăn?”. Chị tìm đến cái chết. Lần thứ năm cắt tay tự tử vẫn không thành, chị tĩnh lòng, nhìn thẳng vào hoàn cảnh mà quyết tâm sống: cha mất, mẹ mù lòa, người em gái tên Hoa sau khi lập gia đình bỗng dưng phát bệnh tâm thần nên chồng bỏ đi, để lại ba đứa con thơ dại. Chị Mai xác định, mái ấm này chỉ duy nhất chị là người chống đỡ: ngoài làm trụ cột kinh tế, chăm sóc cả gia đình, chị còn phải thay em gái tròn vai người mẹ.

“Khi tỉnh Hoa rất hiền, lầm lì ngồi im; nhưng lúc nổi cơn, Hoa tự cấu xé mình hoặc đụng ai nhào vô đánh người ấy” - chị Mai kể. Giơ những ngón tay, chân co quắp, cụt lủn sau hàng chục lần phẫu thuật, chị nhẩm đếm rồi thở dài: “Không nhớ nổi là nó đã đánh mẹ bao nhiêu lần!”. Song, chị nhớ rõ mình cùng người mẹ già đã khóc cạn nước mắt, tự vỗ về ra sao khi em gái trong cơn vô thức hành xử bất hiếu. Những lúc ấy, chị quỳ gối ôm em: “Hoa ơi! Đừng đánh mẹ nữa mà”. Níu giữ không xong, chị lao đến ôm mẹ để hứng đòn thay, không quên nhắc: “Mẹ đừng khóc, đừng tủi thân rồi đổ bệnh mẹ ơi!”. Ngày lễ Tết, chị phải tìm cách giữ chân em, đóng chặt cửa ngăn em không qua nhà người khác, nhỡ có điều gì, họ quay sang bắt lỗi. Sau cái lần tự hứa phải mạnh mẽ sống, kiên gan đương đầu với số phận; giờ chị Mai cũng khóc, nhưng khóc vì thương em gái. Thế nên, chị lặng lẽ chăm sóc em, miếng ngon ai mang cho, chị dành hết cho mẹ, cho em và các cháu. Chị không muốn để ba đứa trẻ phải thiệt thòi, thất học.

Thay em gái, chị chăm nuôi ba đứa trẻ với tình yêu của người cha, người mẹ. Từ chuyện sức khỏe đến ngủ nghỉ, ăn mặc, học hành, áo quần, bút cặp… của các cháu, chị một tay lo liệu. Mỗi đầu năm học, dù đi đứng khó khăn, chị vẫn đón xe ôm đến trường cháu làm thủ tục nhập học, xin hưởng chế độ miễn giảm học phí. Hiện cháu lớn đang học nghề nấu ăn, cháu giữa vừa đậu khóa trung cấp, còn cháu út là học sinh lớp 11. “Điều gì hay, tốt, tôi không quản ngại làm cho các cháu. Chỉ lo sợ mai mốt chúng ra trường, đi làm, có nhiều mối quan hệ, giấu sao được chuyện bà dì mắc bệnh phong. Rồi nhỡ họ xa lánh chúng, tôi biết phải thế nào?” - chị Mai nói tủi.

Tat nguyen ganh ca “giang son”

Chị Mai (trái) cùng người em gái tên Hoa

Cuộc sống có thể khá hơn

Chị Mai cho biết, nỗi ám ảnh lớn nhất chị không thể vượt qua là sự khinh miệt của người đời. Khi đi chợ mua cân gạo, mớ rau, con cá, chị chỉ đứng nhìn, nhờ người ta lấy bán chứ không dám động tay. Cả công việc vắt sổ, cuốn biên của chị, trước người ta không biết chị bệnh nên giao nhiều hàng, ngày kiếm được mười mấy, hai mươi ngàn đồng. “Từ khi biết tôi bệnh, họ nhón hai ngón tay để cầm hàng, rồi dần không cho làm nữa” - chị Mai kể. Cuộc sống của sáu người, dựa hết vào khoản trợ cấp của nhà nước, mỗi tháng chưa đến một triệu đồng, nên tất cả trông cậy tài vén khéo chi tiêu, gìn giữ, cất đặt của chị Mai. Khoản cặp sách, học phí cho các cháu chị ưu tiên hàng đầu rồi thuốc thang cho mẹ và em gái, sau cùng mới là ăn mặc.

Địa phương có hỗ trợ vay vốn làm ăn, song chị Mai không dám nhận vì… không biết làm gì với khoản vay ấy. Chị chia sẻ: “Tôi tính mở quán nước hay quầy tạp hóa nhỏ, nhưng bản thân vầy thì buôn bán ai mua? Tôi cũng thử mở rồi”. Niềm tin được nhìn nhận là một người bình thường đã tàn lụi trong lòng chị, khiến cuộc sống của gia đình chị càng khép kín, theo đúng cách chị nói: “Phải thu mình lại chứ không đợi người ta làm những điều mình thấy tủi thân”. Em gái chị, lúc tỉnh táo, biết chảy nước mắt nắm tay chị động viên; thậm chí còn liều lĩnh bước ra đường, lúc lượm cái ly nhựa, khi bịch ni lông bẩn mang về đưa chị, ý để bán ve chai. “Có hôm, Hoa đi xin cả cơm mang về, giữa đường lên cơn, đến nhà chỉ còn vài ba hạt cơm nắm chặt trong tay hoặc cái hộp rỗng đưa cho mọi người” - nói đoạn, chị Mai ngậm ngùi: “Mấy bận em gái đi lạc, bị xe tông. Mỗi lần em đòi ra đường, không ai cản được, chỉ có thể sốt ruột chờ em về”.

Tat nguyen ganh ca “giang son”

Cuộc sống của gia đình chị Mai ngày càng khép kín bởi những định kiến của người đời

Nhìn chiếc máy vắt sổ phủ bụi vì ế ẩm, người phụ nữ mất cả cuộc đời quẫy đạp trong ánh mắt khắc nghiệt của người đời bỗng xa xăm: “Hồi em gái chưa đổ bệnh nặng, nhiều người nói có thể chữa khỏi nếu đủ lực và sự quan tâm đúng mực. Tôi cứ ám ảnh điều đó mà đau lòng. Cuộc sống của chúng tôi hẳn sẽ khá hơn, khác đi nếu tôi được mọi người đón nhận, tạo cho cơ hội mưu sinh bằng chính sức của mình”.

 TUYẾT DÂN 

Bài 3: Tình thâm Máu đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI