Tạo điều kiện để trẻ tự định hướng cuộc sống

09/05/2023 - 06:07

PNO - Không có động lực sống tích cực, mạnh mẽ thì cũng không có được động lực học tập tích cực và mạnh mẽ.

Cách đây không lâu, một người bạn gửi tin nhắn báo về việc em học sinh ở một trường chuyên cấp III trong thành phố Đà Nẵng đột tử ngay trên bàn học. Trên mạng xã hội cũng có clip một người mẹ nước mắt lưng tròng kể về nỗi đau mất con vì trước đó lỡ ép con học. Các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi dậy thì bàn luận nhiều về việc con luôn tìm cách để được nghỉ học hoặc học qua loa. Mất động lực học tập như một “căn bệnh” tinh thần mà trẻ bước vào lớp Một đã “bị nhiễm”.

Có cách nào tạo động lực giúp con ham học? Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương - Viện trưởng Viện Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM.

Chị Mỹ Hương trong buổi chia sẻ về ngành quản trị và kinh doanh quốc tế tại Viện Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng
Chị Mỹ Hương trong buổi chia sẻ về ngành quản trị và kinh doanh quốc tế tại Viện Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng

Phóng viên: Đang là bà mẹ của 2 con - 16 và 13 tuổi, chị có gặp khó khăn trong việc tạo động lực cho con học tập không?

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương: Thời nay, dưới tác động của công nghệ cũng như môi trường xung quanh, tôi cũng không tránh khỏi trở ngại đó. Có những lúc bọn trẻ nhà tôi cũng không có hứng thú học tập. Theo tôi, động lực đi cùng với đam mê, sở thích. Nếu một người từ nhỏ đến lớn đều có sở thích, đam mê thì cuộc sống sẽ thú vị. Vì vậy, để đối diện với vấn đề con chán học, tôi cần sẵn sàng 3 điều:

Thứ nhất, thành tích ở trường không phải là tất cả. Con trai tôi học ở một trường bình thường của thành phố, học kỳ vừa rồi con đứng thứ 200 trong khối. Nhưng cậu bé yêu thích khoa học và có thái độ tích cực với cuộc sống, biết những ranh giới của mình. Với tôi, điều đó quan trọng hơn.

Thứ hai, chơi chính là học. Con gái tôi thích làm bánh. Tôi thường theo con đến các workshop học làm bánh. Nhiều người nghĩ học làm bánh vô bổ, không phục vụ gì cho việc học ở trường, nhưng thực tế trẻ học được nhiều điều từ quá trình làm ra một chiếc bánh.

Thứ ba, kiên trì cùng con tham gia các nhóm hoạt động, sở thích khác nhau để tìm được điều con cảm thấy phù hợp nhất với mình. Lúc đó con sẽ có động lực phát triển.

* Theo chị, điều gì khiến trẻ mất động lực học tập?

- Theo quan sát của tôi thì có 2 điều. Đời sống phát triển hơn xưa, trẻ con có quá nhiều thứ nên dường như chẳng có gì đáng để ước mơ. Nhiều cha mẹ có tâm niệm đời mình khổ nên con phải sướng. Quan điểm đó là sai lầm. Thông điệp quan trọng mà tôi luôn gửi cho con đó là: Để làm được những điều đó, cha mẹ cần lao động vất vả và tiền đó không phải là tiền của con. Vì thế con phải biết quý đồng tiền.

Nhiều gia đình, dù không có điều kiện vẫn theo quan điểm hy sinh đời mình để bù đắp cho con. Có người làm lụng rất vất vả, nhưng sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn để thuê giáo viên nước ngoài dạy con hoặc cho con học các trường quốc tế. 

Yếu tố thứ hai khiến trẻ mất động lực học là trẻ tiếp xúc với công nghệ quá sớm. Có trẻ mới vài tháng mà cha mẹ đã mở YouTube cho xem. Việc truyền tải và xử lý thông tin nhanh ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tập trung của trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Những bộ phim hoạt hình với âm thanh, màu sắc sống động, nhịp điệu nhanh và thay đổi liên tục thu hút toàn bộ sự chú ý của trẻ. Điều đó khiến trẻ dần mất hứng thú với hầu hết những môn giải trí lành mạnh khác. Hình ảnh của một số Youtuber hay những người nổi tiếng khiến trẻ ảo tưởng về cuộc sống dễ dàng và có định hướng phát triển lệch lạc.

Điều đó có nghĩa trẻ không chỉ mất động lực học tập mà còn mất cả động lực sống. Không có động lực sống tích cực, mạnh mẽ thì cũng không có được động lực học tập tích cực và mạnh mẽ.

* Chị đã trải nghiệm các chương trình học tập ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, chị có thấy sự mất cân bằng trong việc học của trẻ em ở Việt Nam?

- Mọi người hay nói kiến thức học sinh học ở Việt Nam là nặng nề, nhưng thực ra không đến nỗi như thế. Kiến thức là phù hợp, chỉ có cách truyền đạt kiến thức, cách tổ chức học tập chưa phù hợp. Quan điểm của phụ huynh cũng chưa đúng. Phụ huynh luôn muốn con điểm cao chứ không phải là làm sao để con học được, hiểu được bản chất của vấn đề. Các bậc cha mẹ tin điểm cao giúp con mình vào học các trường tốt, giúp con đạt được thành công trong xã hội mà quên mất rằng chính những kỹ năng rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày mới là thứ nuôi dưỡng để con có cuộc sống tốt đẹp. 

* Ở các hội nhóm làm cha mẹ, những phụ huynh có con học cấp II, III thường than con lệ thuộc máy tính, điện thoại. Con chỉ thích xem TikTok, chơi game, học hành thì chỉ đối phó. Họ phải làm gì để giúp con thoát khỏi tình trạng này?

- Kỷ luật và dành thời gian cho con. Cha mẹ cần thiết lập giới hạn cho con và kiên định với giới hạn đó. Nếu con bước qua những giới hạn đó thì con sẽ mất quyền sử dụng. Nhiều phụ huynh đã cho con một chiếc điện thoại hay máy tính bảng riêng từ cấp II và họ rất dễ mềm lòng. Ví dụ con bảo: “Mẹ ơi, nếu con được học sinh giỏi, mẹ cho con cái điện thoại nghe”, họ sẽ dễ dàng đồng ý mà không hay rằng đó là thứ dễ hại con. Thế giới công nghệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và trẻ con không biết điều gì thực sự có hại, chúng vô tư xem.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần dành thời gian nghỉ để cùng con tham gia các hoạt động bên ngoài, đưa con đi du lịch mở rộng tầm mắt. Chỉ có kết nối bền vững với cha mẹ và cuộc sống tươi đẹp bên ngoài trẻ mới có thể rời xa được thế 
giới ảo.

* Với trẻ đang học cấp III, việc xây dựng động lực cho con có gì khác không?

- Những đứa trẻ trong độ tuổi từ 16-18 có sự nổi loạn và sự thay đổi lớn trong nhân cách. Trong độ tuổi cấp III, trẻ có khả năng học hỏi, cập nhật và tích lũy kiến thức nhiều và rất nhanh. Vào thời gian này, nếu không cho con thông tin, định hướng đúng, sẽ rất nguy hiểm. Không có quá nhiều thời gian ở bên cạnh con nên tôi đã tìm cho con một mentor (người hướng dẫn) về phát triển bản thân. Một người đồng hành khách quan sẽ giúp con hiểu thêm về cuộc sống và hiểu về chính bản thân mình. Từ đó con có thể khám phá những điểm mạnh cũng như những điều tích cực bên trong. Điều đó khiến con có động lực mạnh mẽ để sống và học tập hơn.

Nếu như ở độ tuổi cấp II, việc tạo động lực sống và học tập cho con là giúp con có niềm hứng thú thì ở cấp III, việc trẻ có động lực sống nghĩa là xác định được cho mình con đường để theo đuổi. Trẻ cần biết mình là ai, cần sống như thế nào. Chính sự hiểu biết về bản thân sẽ giúp trẻ hành động mạnh mẽ hơn để chạm tay vào ước mơ. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

* Hầu hết các bậc cha mẹ khao khát con thành đạt, nhưng có thể điều đó lại vô tình tạo áp lực cho trẻ. Chị có lời khuyên nào cho phụ huynh không? 

- Cha mẹ đừng tự tin vào sự hiểu biết của mình. Sau nhiều năm làm giáo dục, tôi nhận ra phụ huynh không đề cao việc mình cần học thêm để hiểu con, về sự phát triển của con. Trong khi đó, khoảng cách xã hội giữa những đứa trẻ và cha mẹ đã rất xa. Nếu áp dụng cách tư duy, cách làm cũ sẽ rất tội nghiệp cho trẻ. Việc học để hiểu và kết nối với con là điều vô cùng cần thiết ở thời đại này. Khi con tổn thương, cha mẹ không thể chữa lành cho con được mà cần cả hệ sinh thái mới có thể làm được điều đó. Cha mẹ đừng bao giờ chủ quan về bản thân và cũng đừng bao giờ tự huyễn hoặc về chuyện hiểu được thế giới của con, vì thế giới của con giờ đã khác thế giới của ba mẹ lắm rồi. 

“Cha mẹ không thể định hướng hay sống thay cho trẻ. Cha mẹ chỉ có thể là người dẫn dắt, ở bên cạnh, quan tâm và tạo điều kiện cho trẻ mở rộng tầm mắt, sự hiểu biết về cuộc sống. Trẻ con cần được trải nghiệm cuộc sống đa chiều. Từ đó trẻ sẽ tự định hướng được cuộc sống của mình. Trẻ sẽ biết mình thích cái gì và sẽ phấn đấu đi theo con đường nào. Ở mỗi giai đoạn nhận thức, trẻ sẽ có sự tự định hướng khác nhau”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương

Lê Hải (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI