Tám đứa con 'đại chiến' khi má bệnh

20/12/2019 - 05:30

PNO - Nhà tám người con, thêm dâu rể chừng đó nữa. Thế nên lúc má bệnh, mọi xào xáo cũng bắt đầu.

Má bệnh, cả nhà nháo nhào đưa má đi cấp cứu. Bác sĩ nói bà lớn tuổi, bị huyết áp lại thêm bệnh dạ dày nên người nhà xác định là phải “kháng chiến trường kỳ”.

Nhà tám anh chị em, mỗi việc phân công ai trông má ngày nào mà rần rần cả buổi chưa xong. Ai cũng cậy lý do con cái, công việc, rồi giao tiếp khách khứa, còn đưa ra ý kiến má bệnh còn lâu, mà nhà mình đâu thiếu tiền, sao không thuê người chăm má?
Anh Cả liền nạt, nhà một bầy con cháu mà thuê Ô-sin, người ta nhổ vào mặt.

Cô Tư cãi liền, anh là quan chức mới sợ, chứ tụi em nhân viên quèn ngại gì. Đúng lúc đó có tiếng xe dừng ngoài sân. Em Bảy nói chị Năm về rồi, thôi để chị Năm quyết định. Chị Năm vào nhà mang theo tiếng rổn rảng nói cười, lại thêm tướng phốp pháp nên nhìn có uy lắm. Chị đi tới đâu là nơi đó yên phăng phắc, chỉ còn mình chị độc thoại. 

Tam dua con 'dai chien' khi ma benh
Ảnh minh họa

Chị Năm là giám đốc công ty tư nhân tầm trung với gần ba trăm nhân viên. Chị nói ba trăm người còn răm rắp nghe theo, huống gì mấy người trong gia đình. 

Nhà tám người con, thêm dâu rể chừng đó nữa, nhưng không có ai làm kinh doanh như chị. Có bốn người làm công nhân ở khu công nghiệp, hai người mở tiệm tạp hóa ở nhà vừa bán vừa trông con, còn lại là giáo viên và nhân viên ở phường xã hay bàn giấy. Chính vì thế nên chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà dù đang rối tới đâu, cứ chị Năm ra tay, mọi việc đều yên. Chị nói được và làm được, nên cả nhà coi chị như con cả.

Bữa má mệt, đưa vô bệnh viện quận cấp cứu, sạch sẽ, lại gần nhà, nhưng chị Năm không chịu, nói phải chuyển má lên tuyến trên có nhiều y bác sĩ giỏi, kinh nghiệm lâu năm. Anh em mình đâu phải hạng úi xùi mà để má nằm đó, người ta tới thăm còn mặt mũi nào.

Mọi người ngần ngừ, má nằm đây mà anh chị em thu xếp trực còn chưa ngã ngũ, đưa má lên thành phố xa xôi sao chạy qua lại? Chưa ai kịp nói gì thì chị Năm lẹ làng: “Khỏi cần mấy người nghĩ suy tính toán, mọi chi phí của má tui chịu, được chưa?”.

Trong nhà có chị là khá nhất. Những khi có ma chay giỗ chạp chị cũng thường ra tay kiểu đó, nên chị quyết làm giỗ cuối tuần cho thong thả thì nhà phải làm cuối tuần, chị nói làm giữa tuần nhân tiện chị mời khách thì phải làm giữa tuần, đố ai dám ý kiến. Giỗ chạp là chuyện chung, ai về được thì lo mà về, ai không về ráng chịu.

Tam dua con 'dai chien' khi ma benh
Ảnh minh họa

Trong khi chị Năm đang cắt cử người trông má, thì em Tám bất chợt đứng lên ngắt lời: “Năm không thể chia lịch vô lý vậy được. Em Chín sắp tốt nghiệp, bận bù đầu mà Năm chia lịch vậy rồi nó học hành sao? Má vợ anh Ba đau, ảnh phải chạy tới chạy lui hai nhà, bớt thời gian cho ảnh chứ. Đành rằng má là má chung, nhưng ai cũng có gia đình, rồi công việc riêng, đâu phải Năm nói sao mọi người phải làm vậy. Năm ép người quá đáng!”.

Đó giờ hẳn đã quen với việc một lời nói ra cả nhà lắng nghe, nên nay nghe cô em áp út nói, còn có phần gay gắt, chị Năm có vẻ choáng, sau phút lấy lại tinh thần chị quay sang chỉ mặt em Tám: “Thì sao? Mày ngon mày chia đi! Không phải trước khi tao về mấy anh em đang cãi lộn đó sao?”.

“Không phải cãi lộn mà là tranh luận, là phân tích đúng sai, thiệt hơn để hiểu cho nhau. Năm quen làm lớn la hét nhân viên của mình rồi. Nhưng Năm nhớ giùm gia đình chứ không phải công ty của Năm mà Năm thích nói gì thì nói, ai cũng phải răm rắp nghe theo. Công nhân người ta vì miếng cơm manh áo nên phải cắn răng chịu đựng, còn anh em tụi em thì không. Mẹ là mẹ chung, chị khá hơn thì chị có thể bỏ tiền ra cáng đáng giùm, anh em tụi em cảm ơn, anh em gom tiền mua sắm thứ này thứ khác báo hiếu ba má. Nhưng nếu phải chia đều thì tụi em cũng đâu có thiếu. Năm đừng tưởng những đồng tiền của Năm là to mà có thể sai khiến được mọi người. Em chỉ nói vậy thôi tùy các anh chị. Nếu không ai thu xếp được thời gian chăm má thì em sẽ nghỉ làm để chăm”.

Tam dua con 'dai chien' khi ma benh
Ảnh minh họa

Em Tám bỏ đi, mấy anh chị em còn lại sượng ngắt. Chị Năm còn định nói nhưng thấy anh chị em lục tục đứng dậy, chị quê quê nên im bặt. 

“Là em Tám nói vậy, nhưng ai rảnh giờ nào vào thăm má giờ đó nha” - anh Hai nói với mọi người rồi quay qua chị Năm - “Tiền bạc thì bây không cần lo, công ty bây đang gặp khó khăn thì lo công ty trước đi. Đó giờ vợ chồng bây lo cho ba má nhiều rồi, nhưng bây coi lại lời ăn tiếng nói. Ở ngoài bây làm sếp, làm ông này bà nọ không cần biết, nhưng về nhà còn ba má, còn anh chị em, phải trên dưới đàng hoàng”.

 Chị Ba cũng nói: “Có thể em Tám nói vậy là hỗn, nhưng nó nói không sai đâu. Bây bỏ qua lời khó nghe của nó, lượm cái ý nó muốn nói mà nghĩ”.

Mọi người đi hết, chỉ còn chị Năm ngồi lại một mình ở phòng khách với dĩa trái cây vừa mang lên. Chị kéo dĩa trái cây lại và ăn ngon lành. Dưới bếp, có ai đó cú đầu em Tám nói “nay to gan dữ”. Em Tám hừ hừ: “Không ai dám nói thì em nói, là mong tốt cho Năm thôi. Người a dua tìm thì dễ, chứ người can ngăn đâu phải dễ gặp”. 

Hy vọng sau chuyện này chị Năm sẽ biết cư xử đúng mực hơn. Nói gì thì nói, dù có giận dỗi thì cũng đâu tránh được là anh chị em cùng chung khúc ruột. 

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI