Sao lại cấm con trẻ 'phiêu' trên sách giáo khoa?

29/09/2018 - 10:30

PNO - “Sách tôi mua, con tôi muốn làm gì thì làm, nếu nó viết vẽ bậy bạ vô văn hóa thì giáo viên nhắc, chứ nó viết bài thì… vô tư đi chứ".

Con vào học chính thức chưa được một tháng, group hội phụ huynh trên Zalo của chúng tôi nhấp nháy tin nhắn: "Chủ nhật này họp phụ huynh nhé”, “Anh chị em nhớ đi đúng giờ, ngồi đúng chỗ của con”, “Đừng quên ý kiến vụ cấm vẽ vào sách giáo khoa nhé bà con".

Sao lai cam con tre 'phieu' tren sach giao khoa?
Sách giáo khoa lãng phí do vô vàn nguyên nhân. Bộ Giáo dục và đào tạo đổ ngay cho... các em học sinh.

Ôi cái vụ sách giáo khoa, đã bao lần thành chủ đề nóng bỏng của các group cha mẹ. Nào là: đầu năm thì dặn nhau chờ nhà trường thông báo mua gì mới được mua. Để mua sao cho trúng đó mà, kẻo mua sai đầu sách là lại “vứt rác”.

Bao năm lê la thị trường sách, mà vẫn bị lầm; đúng là thời loạn đủ thứ, loạn cả sách giáo khoa, sách tham khảo, loạn thông tin. Nào là: thôi rồi anh chị em, các nhà sách hiện không còn bán đầu sách đó, đào đâu ra bây giờ.

Rồi cũng sắp qua tháng Chín, các trường công bố nhiều khoản phí, cơ sở vật chất. Cơn bão lo toan cặp mới, vở tập mới, tiền sách giáo khoa vừa qua, tưởng rằng đi họp phụ huynh chỉ chuyên chú đóng tiền và theo dõi thời khóa biểu đặng đưa đón con cho nhịp nhàng, hợp lý; nào ngờ tiếp tục có đề tài mới về vụ viết vẽ lên sách để mà... đấu tranh.

Nhớ xưa kia thời chúng tôi, cứ đứa đầu học xong thì để lại sách cho em. Có khi thèm gấp giấy để đánh dấu bài, chúng tôi cũng phân vân, lo mang tội “phá sách”. Thông thường, các bản sách cũ của thế hệ trước mang về bọc lại bìa vẫn sáng sạch, giấy vẫn lành lặn, chữ rõ ràng, lâu lâu mới có vài giọt mực, ít vết quăn mép. Nhà nghèo, xã hội nghèo, thì phải tái sử dụng thôi. Tất cả cùng vui vẻ.

Nhưng, giờ ai mà nói chuyện ngày xửa ngày xưa mãi. Sách giáo khoa bây giờ đẹp đẽ, trắng tinh, phụ huynh buốt ruột bỏ tiền ra mua, làm gì còn cơ chế thuê mướn. Tất nhiên nếu có thể dành sách qua năm để tặng lại cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa thì quá tốt.

Nhưng đó lại là câu chuyện từ thiện, câu chuyện văn hóa. Ai lại dùng “lệnh” mà buộc một chủ sở hữu hợp pháp tài sản phải làm từ thiện. Đó là chưa kể, nhiều bản sách của học sinh tiểu học có phần bài tập in trực tiếp trong trang sách để các em viết vào. Quyền gì mà bắt các em viết bút chì rồi gôm đi, nếu các em không ưng cách này? 

Một phụ huynh trong group chúng tôi ví von: “Sách tôi mua, con tôi muốn làm gì thì làm, nếu nó viết vẽ bậy bạ vô văn hóa thì giáo viên nhắc, chứ nó viết bài thì… vô tư đi. Cấm bé viết lên sách, chẳng khác nào hàng xóm xộc vào bếp nhà bạn, rồi chê nồi niêu dơ dáy, bắt phải cọ rửa sạch sẽ thơm tho, nếu không sẽ báo… công an khu vực”.

Các phụ huynh khác cùng ồn ào dẫn ra nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến cổ vũ học sinh ghi chú vào giáo trình, sách giáo khoa; thậm chí vẽ ngay bản đồ tư duy nhằng nhịt trên trang sách. Điều này thì tôi thấy rồi, giáo trình các môn tiếng Anh, toán, khoa học của nước ngoài toàn vậy mà.

Những bản sách đó khác hẳn sách giáo khoa của chúng ta. Ví dụ với sách tiểu học, phần để trống cho học trò vẽ, dán, cắt… luôn nhiều hơn phần chữ. Giáo dục nếu đặt mục tiêu khai phá và sáng tạo, sẽ thúc đẩy trẻ mở rộng, so sánh, liên tưởng, tạo bản đồ, biểu đồ, biểu tượng... Lúc này, bản sách “chữ và chữ” chỉ là nền kiến thức cơ bản mà thôi. Trẻ và thầy cô mặc sức mà “phiêu” trên trang sách của mình.

Sao lai cam con tre 'phieu' tren sach giao khoa?
Nhiều trang sách có phần trống để học sinh điền vào. Giờ cấm thì lại phải in sách mới?

Tôi thì nghĩ, có lẽ không hẳn Bộ Giáo dục và Đào tạo quên sách giáo khoa chẳng phải tài sản của thư viện trường như thời bao cấp, mà đơn giản do họ đang rối khi liên tục bị dư luận tấn công, khi không thể biện minh sự lãng phí, vô lý của mình. Đem đổ vấy lên đầu học sinh là cách dễ nhất: lãng phí à, là do học sinh không giữ sách đó thôi, chẳng phải tại chúng tôi đâu!

Các cán bộ ngành giáo dục và đào tạo kính mến, càng rối hình như các anh chị càng quên mất mình phải phục vụ ai rồi. Thật khổ cho những đứa trẻ!


T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI