Phạm Lịch: Múa mở cho tôi cánh cửa vào đời

01/01/2015 - 15:57

PNO - PN - Ngồi ở quán nước vỉa hè trong cái se lạnh của Sài Gòn mùa Giáng sinh, Phạm Lịch hồn nhiên quệt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt, cười: “Chuyện đời tôi... vui lắm!”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Làm bảo vệ, phục vụ quán ăn, bán quần áo, tiếp thị rượu, gọt trái cây, làm lễ tân ở quán bar và gần chục công việc lặt vặt không kể hết, chữ “vui” của Lịch khi nói về đời mình nghe nghịch tai, lạ đời; nhưng hoàn toàn chân thật. Cô kể: “Có khi hôm nay đang yên ổn làm việc, ngày mai đã thành đứa không chốn về, rồi ngày mốt lại kiếm được cả việc làm, chỗ ở”. Cuộc sống bấp bênh, khó đoán trước, nhiều màu sắc, nên vui. Mà vui... chảy nước mắt. 

- Nhờ đâu Phạm Lịch đến với nghiệp múa?

- Là... vì tiền, hồi đó, cứ việc gì có tiền, cực mấy cũng làm. Giờ tôi phần nào yên tâm về cuộc sống. Múa đã mở cánh cửa vào đời cho tôi.

Với cô gái hồn nhiên này, kiếm tiền để sống là “cơ duyên” đưa cô đến với nghiệp múa từ 5 năm trước. Bây giờ, khi đã quyết tâm đăng ký, rồi dồn hết sức lực, thời gian, tâm huyết tham gia Thử thách cùng bước nhảy, thì mỗi đêm diễn lại trở thành niềm an ủi, đắp bù cho cuộc mưu sinh nhiều buồn tủi, trải gần hết những tháng năm đẹp nhất cuộc đời.

Pham Lich: Mua mỏ cho toi canh cua vao doi

Vũ công say mê, nhiệt thành trên sân khấu là cô gái tinh nghịch, hồn nhiên giữa đời thường

Vui… chảy nước mắt

Vội vã hẹn nhau sau giờ tập, ngồi ở quán nước vỉa hè trong cái se lạnh của Sài Gòn mùa Giáng sinh, Phạm Lịch hồn nhiên quệt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt, cười: “Chuyện đời tôi... vui lắm!”.

Làm bảo vệ, phục vụ quán ăn, bán quần áo, tiếp thị rượu, gọt trái cây, làm lễ tân ở quán bar và gần chục công việc lặt vặt không kể hết, chữ “vui” của Lịch khi nói về đời mình nghe nghịch tai, lạ đời; nhưng hoàn toàn chân thật. Cô kể: “Có khi hôm nay đang yên ổn làm việc, ngày mai đã thành đứa không chốn về, rồi ngày mốt lại kiếm được cả việc làm, chỗ ở”. Cuộc sống bấp bênh, khó đoán trước, nhiều màu sắc, nên vui. Mà vui... chảy nước mắt.

Khi ấy, sau nhiều năm bỏ quê Thái Bình để “Nam tiến”, bố mẹ Lịch lưu lại ở Đồng Nai, trầy trật làm công kiếm sống. Đón cô con gái ở quê vào đoàn tụ, nhưng cuộc sống khốn khó, ông bà đành xin cho Lịch vào một trang trại gần nhà, làm công việc vệ sinh, sắp xếp trứng gà. Một lần xui rủi, cô bị thanh sắt trong trang trại đâm vào mí mắt. Nghỉ việc, nằm nhà với vết mổ mắt và chấn thương nhẹ ở đầu, lần đầu tiên Lịch suy nghĩ về tương lai. Khỏi bệnh, cô xin mẹ cho nghỉ hẳn ở trang trại, kiếm một công việc “có tương lai” hơn, để còn đi học tiếp.

Kể đến đó, Lịch cười. Chuyện học hành lúc ấy mơ hồ, đánh đố. Dù cứ nghĩ là phải đi học, nhưng bản thân cô cũng chẳng biết sẽ học gì, để làm gì. Chỉ giật mình thấy cái trang trại mình gắn bó cả năm trời là... “không có tương lai”, phải rời bỏ, vậy thôi.

Và rồi, “có tương lai hơn” là công việc bảo vệ trong một công ty ở Hóc Môn, TP.HCM. Công việc này do anh trai xin giúp, cô phải... khai gian tuổi để được nhận. Chín tháng trời, ngày nào cũng khoác lên người bộ quần áo bảo vệ, trực từ 22g khuya - 7g sáng hôm sau. Lịch trích một phần tiền lương, xin học một khóa trung cấp du lịch. Câu chuyện tương lai đang tạm khiến cô bé yên lòng với những ngày bận bịu qua lại giữa công ty, trường học thì lại nửa chừng đứt đoạn. Trong một lần ham vui cùng bạn học, đến chỗ làm muộn, Lịch bị đuổi việc, phải dọn khỏi khu tập thể của công ty.

Một mình giữa Sài Gòn, không nơi ở, lớp trung cấp Lịch đang theo học trở thành gánh nặng vì không có tiền đóng học phí. Tương lai lần nữa khuất lấp sau thực tại mờ mịt. Theo Lịch, dù trước đó và cả sau này còn nhiều lần mất việc, mất chỗ ở, nhưng hơn hết thảy, đó là lần cô thấm thía cảm giác bơ vơ.

Pham Lich: Mua mỏ cho toi canh cua vao doi

Trong một buổi chiều lang thang, lấp ló ở các quán cà phê trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TP.HCM), thậm thụt định vào xin làm phục vụ, Lịch được một người đàn ông đến bắt chuyện, mời làm “việc nhẹ lương cao”. Mở cờ trong bụng, Lịch hào hứng leo lên xe, đi theo người đàn ông tốt bụng đến gặp “giám đốc”. “Nhà” của “giám đốc” là một khách sạn mini. Thấy người đàn ông ra hiệu, thầm thì với bà chủ khách sạn, Lịch sợ sệt bước lùi về phía cổng. Thấy cô ngần ngại, ông kéo tay, định lôi vào bên trong. Lịch kháng cự, lập tức, “người chú tốt bụng” trở mặt, trợn mắt đe dọa. Hoảng loạn, Lịch vùng chạy về phía quán nước gần đó, khóc nức nở. Người đàn ông tức tối, nổ máy xe chạy mất.

Nhắc lại tiết mục về đứa trẻ không nhà đêm Noel diễn rất thành công hôm 20/12, Lịch liên tưởng đến câu chuyện thật bên ngoài sân khấu trong một đêm Giáng sinh cách đây không lâu. Khi ấy, cô đang làm lễ tân ở quán bar, ở nhờ nhà của hai chị em một người bạn. Ngày Giáng sinh, hai người bạn về quê từ sớm, Lịch ở lại làm việc. Nửa đêm, tan ca, Lịch vừa về đến cửa đã thấy đồ đạc được xếp gọn gàng, để bên ngoài. Cửa nhà đóng kín mít, ổ khóa được thay mới. Gọi cho bạn mấy lần không được, hiểu chuyện, Lịch lặng lẽ ôm hết quần áo, lầm lũi bước ra đường. Sài Gòn lúc ấy đang vào độ náo nhiệt, đông vui nhất năm...

Sẽ dành tiền thưởng xây mộ cho bố

Lịch bắt đầu nghiệp múa trong một nhóm phục vụ đám tiệc, do người quen giới thiệu - để kiếm tiền. 21 tuổi mới bắt đầu tập khiêu vũ, phải thực sự cố gắng, cật lực tập luyện, Lịch mới theo kịp các bạn trong nhóm. Trầy trật hơn tháng trời, thấy năng lực mình hạn chế, Lịch xin nghỉ, tiếp tục đi tìm việc. Khi đã có thể kiếm sống bằng những việc làm thuê không tên, Lịch lại đăng ký lớp học múa ở Nhà Văn hóa Thanh Niên. Ở đó, cô được thầy giáo đánh giá cao, chọn vào một đội múa chuyên nghiệp. Chỉ trong vài tháng, được bạn động viên, Lịch lại mạnh dạn đăng ký thi vào vũ đoàn MTE. Năm 2010, chính thức trở thành thành viên của MTE, cô mới tin rằng, mình đã thực sự bước vào nghề múa.

Được hỏi sẽ làm gì với giải thưởng nếu trở thành quán quân Thử thách cùng bước nhảy, Lịch mỉm cười, lặng im. Lát sau, cô nói: “Em hứa với bố rồi, sẽ đem tiền về làm mộ cho bố...”, tiếng nói nhỏ dần, chuyển thành tiếng nấc. Mấy năm rồi, sự ra đi đột ngột của bố vẫn là nỗi ám ảnh chưa nguôi.

Năm ấy, sức khỏe suy giảm, bố cô trở về Thái Bình. Sau mấy năm trời chật vật vẫn không đủ tiền về quê, một sáng Chủ nhật, Lịch nhận được điện thoại báo bố bệnh, về gấp. Mấy mẹ con đang loay hoay mua vé xe thì ngoài quê lại gọi, báo tin bố qua đời.

Pham Lich: Mua mỏ cho toi canh cua vao doi

Phạm Lịch “nhập vai” cô bé bơ vơ, nhỏ bé giữa đêm Giáng sinh

Từ biến cố ấy, việc đi làm, đi múa, hoặc ngay cả việc tham gia cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy, Lịch đều đặt mục tiêu phải thành công, để mang mẹ, anh trai, và cả ông bà nội ngoài quê vào đoàn tụ ở Sài Gòn. “Nhiều lúc em nghĩ, cứ chật vật làm lụng mà cả năm trời không gặp được người thân, vậy để làm gì?”. Câu hỏi ấy trở thành động lực cho cô trước mọi thử thách. Nhảy múa vì vậy không chỉ là một bộ môn nghệ thuật để Lịch bước vào rong chơi mà đã trở thành công việc lao động nghiêm túc, cật lực.

Phạm Lịch hồn nhiên chia sẻ, tính tới hiện tại, với cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy; thành công lớn nhất của cô là đã cởi bỏ được nỗi lo lắng, nghi hoặc của gia đình về công việc của mình. Ngày trước, Lịch được ông bà khuyên “kiếm việc gì ổn định mà làm”, nhưng từ khi thấy cháu gái “được lên ti vi” với những bước nhảy đầy nghiêm túc, say mê, ông bà lại hồ hởi gọi điện chúc mừng, rồi đi khoe khắp xóm. Giai đoạn rơi vào “top nguy hiểm” suốt mấy đêm thi, Lịch lại liên tục nhận điện thoại của ông bà động viên. Người mẹ đang buôn bán nhỏ ở Bình Phước thì “treo giải”: “con vào top 6 mẹ sẽ xuống xem”.

Quẩn quanh những câu chuyện gia đình, cười đó, khóc đó, cô vũ công trẻ lại rạng ngời khi nói đến dự định sẽ học múa chuyên nghiệp, rồi học biên đạo. Lịch thành thật, con đường đã qua cùng những điều ước tự mình đeo mang về bản thân, về gia đình không cho phép cô quá kỳ vọng vào thành công, hay gục ngã trước thất bại, “chỉ biết rằng mình sẽ đi về phía trước, vậy thôi”.

 MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI