Ông ngồi khâu áo cho bà

03/11/2022 - 18:08

PNO - Ông ngồi bên song cửa khâu lại chiếc áo ấm đã sứt đường chỉ. Bà ngồi bên cạnh càu nhàu: “Thời này là thời nào rồi mà ông còn bắt tôi mặc áo vá"...

Cơn gió lạnh quét ngang hiên nhà khiến bà co mình, bước chân cũng chậm lại để với lấy chiếc áo dài tay máng nơi góc tường. Nắng vàng ươm đầu ngõ mà vẫn thấy cái lạnh mơn man khắp thịt da, chỉ vậy thôi là biết ngoài kia mùa đông đang về.

Phòng kho cũ kỹ có mấy cái rương được đóng bằng gỗ lim. Ngoại kể, đó là quà ông ngoại đóng tặng bà sau ngày cưới. Rương gỗ đã theo ngoại hơn nửa đời người, bản lề đã hoen rỉ mà thớ gỗ vẫn óng lên màu bóng nước, bất chấp thời gian. 

Ngày trở rét, ngoại lật đật vào buồng lục tìm khăn áo mùa đông. Chiếc rương được giở ra, mùi thời gian ngai ngái xông vào mũi, vậy mà thân thương quá đỗi. 

 

Mỗi chiếc áo đều nhắc nhở ngoại những ký ức mờ xa. Có khi người tặng áo đã không còn nên ngoại vẫn ráng giữ gìn manh áo, như lưu giữ ký ức người xưa. Giống như chiếc áo len có viền hoa màu mận đỏ. Chiếc áo ấy được bà bạn thân tặng ngoại trong một chuyến lên Đà Lạt thăm con trai nhiều năm về trước.

Bà bạn đã đi về cõi xa xăm, chỉ còn chiếc áo ở đây làm bạn cùng bà, nên bà nâng niu giữ lắm. Chiếc khăn này là ông đan tặng trong những chiều hè ông ngồi bên song cửa đợi ngoại về. 

Năm đó, ngoại vào TP.HCM ăn cưới cháu ngoại. Ông bảo thành phố ồn ào quá chẳng muốn đi. Để rồi cả tháng ông ngồi vò võ bên hiên nhà đan khăn áo đợi người thương về. Chiếc áo này là cháu gái ở xa gửi về, chiếc áo mua được bằng tháng lương làm thêm đầu tiên thời đại học.

Ngoại nói, chiếc rương gỗ là nơi lưu giữ những kỷ niệm cũ, mỗi năm mở ra một lần để ôn lại chuyện xa xưa, nhắc nhau không quên chuyện quá khứ.

Ở góc tủ áo của tôi, tôi vẫn còn giữ mãi chiếc áo len ngày nhỏ. Chiếc áo được đan từ những sợi len bà tháo ra từ chiếc áo của bà rồi đan lại. Năm đó bố mẹ đi làm ăn xa, tôi ở với ngoại. Mùa đông năm ấy lạnh teo. Tôi mới mười tuổi chẳng thể xoay xở với chiếc áo len duy nhất giữa những ngày mưa ướt rượt.

Vậy là ngoại ngồi cặm cụi đan áo từ những sợi len cũ. Chiếc quần xanh học trò cũng được cắt may lại từ chiếc quần bộ đội của ông. Tuổi thơ của tôi phần nhiều sống bên cạnh ngoại, nỗi nhớ nhung người thân cũng được yêu thương của ngoại lấp đầy.

Tôi nhớ mãi chậu than ngoại hay đặt giữa nhà để sưởi ấm trong những ngày rét đậm. Củi lửa ngày mưa ẩm ướt nên sợi khói cứ lướt dài vươn trên mái lá. Ngoại hay thả trái bồ kết vào chậu than. Tiếng xì xèo lách tách vang lên giữa ngày đông đầy mưa giăng ngoài ngõ. Mùi bồ kết hăng hắc ấm nồng mà xóa tan cái rét mướt ngày đông.

Bên bếp lửa, lúc đàn cháu ngồi co ro hơ tay sưởi ấm, ông thường ngồi phía cửa sổ khâu chiếc áo của bà đã bung vạt chỉ. Năm tháng sống ở chiến trường đã khiến ông cũng rành đường kim mũi chỉ và nâng niu trân trọng từng manh áo. 

 

Hôm trước về thăm ngoại giữa ngày trời trở nắng. Tôi đứng thật lâu nhìn ông ngồi bên song cửa khâu lại chiếc áo ấm đã sứt đường chỉ. Chiếc kính lão trên mắt khiến tay ông chậm chạp. Bà ngồi bên cạnh càu nhàu: “Thời này là thời nào rồi mà ông còn bắt tôi mặc áo vá. Hôm nay ra chợ, người ta trêu tôi đấy”. Giọng bà trầm trầm, âm ấm và chẳng nghe ra chút hờn giận. “Có rách đâu, chỉ sứt đường chỉ, khâu lại là mặc được ngay”, giọng ông từ tốn, hiền khô. 

Vạt nắng cuối ngày bàng bạc hắt lên hai người, khiến bóng của họ lồng vào nhau rồi hắt lên liếp cửa. Gió ngoài vườn lạnh tanh thổi vào, vậy mà lòng tôi cứ ấm áp. Tôi nhận ra, hạnh phúc đôi khi thật nhỏ bé, giống như hình ảnh người đàn ông ngồi bên song cửa, khâu lại chiếc áo cũ cho người thương. 

Lê Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI