Ô môi miền nhớ

03/05/2025 - 12:16

PNO - Dễ đến 40 năm rồi, tôi mới lại được nếm vị ngọt nồng, chan chát của ô môi chín, vừa ăn vừa nhớ bờ mương rực rỡ sắc hồng.

Sài Gòn bắt đầu vào hè, thời tiết oi bức, cái nắng gay gắt như vắt kiệt sức những người đang xuôi ngược giữa trưa. Tấp vội xe vào một bóng mát ven đường, kêu ly dừa tắc giải khát, tôi chợt nghe lòng xôn xao hoài nhớ khi nhìn thấy sọt “trái cây” đen bóng của cô bán hàng.

Hoa ô môi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hoa ô môi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi không biết gọi ô môi là “trái cây” có hợp lý không, khi hình dáng bề ngoài của nó chẳng giống với hình dung về những loại hoa trái bình thường. Bây giờ, thử đem ô môi ra cho bất kỳ đứa trẻ con nào nhận diện, chắc chắn không đứa nào cho đó là trái, mà thấy giống… khúc cây. Quả thật, 40 năm trước, tôi từng nhầm trái ô môi là cây roi mẹ mới chặt về để đánh đòn mỗi khi mấy anh em lì lợm.

Tháng Tư, tháng Năm là mùa ô môi chín. Mùa này, về miền Tây, cách đây chừng chục năm, dễ dàng bắt gặp những đứa con trai cầm trên tay “khúc cây” tròn tròn, đường kính cỡ 3 - 4cm, dài tầm 5-6 tấc múa may loạn xạ. Cách đó không xa là mấy đứa con gái túm tụm róc ô môi chia nhau ăn, miệng đứa nào đứa nấy lấm lem, đen sì.

Trong trí nhớ của tôi, ngày ấy hầu như không có nhà vườn nào chủ đích trồng ô môi để bán, vì bán chắc cũng chẳng ai mua. Cây ô môi được xem như loài cây mọc dại. Hoa ô môi rất đẹp, thường nở rộ từng chùm ken dày màu hồng nhạt. Trái ô môi thường chỉ có đám con nít săn đón, chờ đợi hái bởi chúng vừa là món đồ chơi, vừa là thức ăn vặt ngày hè.

Trái ô môi có màu xanh mướt, khi chín dần chuyển sang nâu rồi đen bóng. Ăn ô môi cũng lắm kỳ công. Thông thường, người lớn dùng dao bản to róc từ trên xuống để vạt đi phần sống trái dọc 2 bên thân. Bên trong, những thếp thịt ô môi xếp chồng lên nhau. Trên mỗi “mảnh thịt” ô môi là 1 hạt xinh xắn có hình dạng gần giống hình trái tim. Theo đông y, trái ô môi có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, chữa đau lưng, nhức mỏi xương khớp...

Thịt ô môi chát chát, ngọt ngọt, nồng nồng như mật. Cái ngọt hòa lẫn trong vị chát, vấn vương nơi đầu lưỡi. Ô môi không phải loại trái ngon, cũng không được xếp vào hàng đặc sản nhưng ăn ngộ ngộ, đã ăn rồi cứ muốn nếm thêm chút nữa, cho tới khi lưỡi tê dại vì vị chát, môi thâm đen vì dính màu, đến mức người lớn phải cấm cản thì đám con nít mới thôi.

“Ô môi mà bổ béo gì” là câu rầy la của mẹ mỗi lần thấy anh em tôi mê ăn ô môi mà bỏ cả cơm, bôi lấm lem quần áo. Mấy chục năm vèo trôi, bây giờ ngay cả ở quê, cây ô môi cũng biến mất. Người đông lên, đất quý hơn, từng mét đất cũng phải tính toán trồng cây gì, nuôi con gì nhằm sinh lợi, chỗ đâu cho mấy loại cây không được tích sự gì.

Thi thoảng, ở một ngã tư nào đó nơi phố phường tấp nập, tôi bắt gặp sọt ô môi lạc lõng của mấy bà, mấy chú người miền Tây đem lên bán kèm với những loại trái cây khác.

Cũng có người chủ ý nhờ họ hàng, người quen ở quê săn tìm thức quà quê đặc biệt này gửi xe đò lên thành phố bán. Mỗi trái ô môi đến tay người thành phố có giá từ 20.000-30.000 đồng, gọi là bán chơi cho đỡ nhớ quê, chứ chẳng ai làm giàu bằng ô môi cho được.

Dễ đến 40 năm rồi, tôi mới lại được nếm vị ngọt nồng, chan chát của ô môi chín, vừa ăn vừa nhớ bờ mương rực rỡ sắc hồng của hoa ô môi trong miền ký ức tuổi thơ…

Bình An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI