Ở đâu có người thương yêu, ở đó là nhà!

24/12/2017 - 06:00

PNO - Những người ngoại quốc ấy, vì yêu mà tới, rồi vì yêu mà họ ở lại. Như lý thuyết muôn đời của loài người: "Ở đâu có người thương yêu, ở đó là nhà!".

Sara là cô gái Mỹ, trẻ đẹp không thua gì ca sĩ hạng nhất thế giới. Tôi gặp cô dịp lễ Halloween khi đang lăn lê bò toài trên sàn lớp tiếng Anh, trong bộ dạng con ma mắt thâm răng nanh trắng hết sức ghê rợn.

Tôi nghĩ Sara phải cưng lũ trẻ ghê gớm lắm mới bỏ công sức đến vậy để làm vui lòng chúng. "Mấy bé học lớp cô Sara vui lắm, cổ dạy hay, siêng làm trò nên bé nào cũng thích", cô tư vấn viên khoe và tôi không ngần ngại xin cho con vào lớp của Sara. 

O dau co nguoi thuong yeu, o do la nha!
Tea Kala, giáo viên tiếng Anh

Tiếp xúc với Sara vài lần và qua trang Facebook cá nhân, tôi mới biết cô từng thử sức làm ca sĩ, diễn viên, cũng đạt vài thành công nhỏ. Nhưng một ngày, giữa thành phố náo nhiệt, cô chợt thấy cô đơn, nhớ da diết ước mơ thuở nhỏ: được dạy học cho trẻ châu Phi, dưới bóng cây bao báp.

"Nhưng sức khỏe của em không hợp với vùng đất ấy vì bị viêm da quanh năm. Em chọn Việt Nam vì khí hậu vừa sức mình và rất yêu công việc này vì được dạy học, được nô đùa với bọn trẻ. Hằng năm em theo các chuyến thiện nguyện của trường tới những bản làng xa, được nhảy múa cùng tụi nhỏ dưới bóng cây, vui như ước mơ hồi nhỏ", Sara kể.

Thì ra là vậy, vì tình yêu bọn trẻ, yêu nghề dạy học mà Sara tới đây. Đã năm mùa Giáng sinh cô về Mỹ rồi trở lại, mặc bao giục giã của gia đình. Mấy cô ở trung tâm ngoại ngữ nói, mùa đông năm nay, Sara đã có một anh chàng người Việt đón đưa sau giờ dạy, dễ gì cô xa được chốn này…

Nhớ hôm Kim - cô giáo già dạy tiếng Pháp của con trai đưa tôi vào phòng khách. Cô chỉ bức tranh thật lớn, thật đẹp: “Nhà mẹ cô Kim ở đây, nhìn ra Ấn Độ Dương, vùng đất này thuộc Pháp. Cô Kim nhớ nhà, nhớ cha mẹ lắm. Nhưng một năm về Pháp thăm nhà một lần là đủ rồi. Cô ở đây đã bốn mươi năm, vì chú".

Khi bạn bè giới thiệu tôi tới xin học cho con, họ nói rằng: "Nếu muốn con bạn thừa hưởng cách giáo dục mô phạm kiểu giáo viên Pháp trước năm 1945 thì gặp cô Kim. Mấy đứa trẻ trai lười học, vô kỷ luật, vào tay cô là đâu ra đó".

Bà giáo già mô phạm vì yêu mà theo chồng sang Việt Nam rồi ở lại. Một tình yêu "vượt biên" bay bổng và tự do, khác hẳn vẻ ngoài nghiêm khắc. Bà gặp nhiều khó khăn trong suốt bốn mươi năm qua không? Hẳn là nhiều lắm. Nhưng bà giáo ấy không hề băn khoăn, vì xác định mục đích đời mình rất rõ ràng: "Vì chú!".

O dau co nguoi thuong yeu, o do la nha!
Bà Robin King Austin - Giám đốc điều hành VCF

Hôm xóm tôi có đám cưới, mọi người rất tò mò về chú rể. “Ảnh” là một chàng trai quốc tịch Nigeria, thuê nhà cũng quanh quanh Q. Tân Phú. "Người Phi ở Tân Phú", cụm từ này tôi hay dùng khi nói với bạn bè về những chàng đen thui chạy xe máy trên phố, hay chiều chiều đá bóng trên sân banh gần chợ. Người Phi sinh sống rải rác trong thành phố này, nhưng tập trung nhiều nhất ở Q. Tân Phú, rồi tới Q. Gò Vấp, Q.7. Họ làm nhiều nghề, nhưng phần nhiều liên quan tới may mặc, thời trang. 

Bữa mở cửa hàng áo quần xuất khẩu, chị Huệ hồ hởi khoe tôi cuốn album cưới chụp với Salem (chị đặt cho anh cái nick ngắn gọn đó, thay cái tên châu Phi rất dài, viết ra hết cả một dòng vở): "Chị từng nghĩ sẽ ở giá, vì nhìn quanh thấy mẹ, chị gái khổ quá, ông chồng nào cũng nhậu nhẹt tối ngày. Nhưng Salem không nhậu, ảnh hiền, thương chị thật lòng, cùng chị gầy dựng cửa hàng này và vượt qua bao miệt thị của gia đình chị. Quan trọng nhất: hết giờ làm việc là anh giúp chị dọn hàng hoặc về nhà cơm nước".

O dau co nguoi thuong yeu, o do la nha!
Julien Leclerc - chuyên gia địa vật lý và vợ

Nhìn anh chị chở nhau mỗi ngày hai lượt tới cửa hàng, tôi mỉm cười nghĩ tới những đứa bé da đen, mắt đen láy được mẹ đẩy xe nôi trên vỉa hè Tân Phú. Thành phố này đang biến chuyển không ngừng, nhận vào lòng mình bao điều mới mẻ. Những người ngoại quốc ấy, vì yêu mà tới, rồi vì yêu mà họ ở lại. Như lý thuyết muôn đời của loài người: "Ở đâu có người thương yêu, ở đó là nhà!".

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI