Khi trẻ em bị chính người thân xâm hại tình dục

04/07/2025 - 11:44

PNO - Vụ bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại đang gây chấn động dư luận, một lần nữa phơi bày sự thật nghiệt ngã: nguy cơ xâm hại trẻ em không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ chính ngôi nhà của trẻ - nơi lẽ ra là chốn an toàn nhất. Nhiều nạn nhân đã bị chính người thân của mình xâm hại.

Năm 2024, cả nước đã khởi tố 1.927 vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục, trong đó có nhiều vụ trẻ bị chính người thân xâm hại - Ảnh minh họa do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên
Năm 2024, cả nước đã khởi tố 1.927 vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục, trong đó có nhiều vụ trẻ bị chính người thân xâm hại - Ảnh minh họa do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên

Nỗi đau đến từ những người “đáng tin cậy”

Trong căn phòng yên tĩnh tại Ngôi nhà bình yên, TP Hà Nội, nơi dành cho những nạn nhân của bạo lực và xâm hại, H. - cô gái chưa tròn 20 tuổi - kể về hành trình tưởng chừng không lối thoát mà mình đã trải qua.

Cha mẹ sớm ly hôn, từ khi mới chập chững biết đi, H. đã phải sống luân chuyển giữa ông bà nội và cha ruột, từng có quãng thời gian ngắn ngủi cảm nhận được tình yêu thương từ người mẹ kế.

Bi kịch bắt đầu từ năm H. vào học lớp Sáu. Khi đó, cha đưa anh em cô ra sống biệt lập ở một nơi không có người thân thích, không hàng xóm, láng giềng. Ở đó, cô bé mới chỉ 12 tuổi bị chính cha ruột của mình xâm hại liên tục trong nhiều năm, kể cả khi ông ta lấy vợ thứ ba.

Nhiều lần chống cự không thành, trước sự bất lực của anh trai, H. chỉ còn biết chấp nhận. Những tổn thương âm thầm đẩy cô vào một hành trình đầy sợ hãi, cô lập, lạc lõng. Cô trở nên khép kín, hay cáu gắt, bị bạn bè xa lánh rồi tự cắt tay để giải tỏa nỗi đau bên trong.

Năm cô lên lớp Tám, giáo viên chủ nhiệm nhận ra những dấu hiệu bất thường. Nhờ sự kiên nhẫn và yêu thương của cô giáo, H. lần đầu kể lại mọi chuyện. Sau khi được kết nối với tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cô được chuyển đến Ngôi nhà bình yên.

Thế nhưng, dù là nạn nhân, H. vẫn chịu nhiều kỳ thị từ người thân. H. kể: “Em nói ra sự thật nhưng lại bị xem như người phá vỡ danh dự gia đình. Em đã nhiều lần muốn tự tử. Năm 17 tuổi, em đành quay lại Ngôi nhà bình yên, nơi em cảm thấy được lắng nghe và không còn sợ hãi”.

Sau thời gian được trị liệu, H. dần ổn định tâm lý, được học nghề miễn phí và nhận thức được rằng, những gì mình đã trải qua không phải do lỗi của mình. Điều cô day dứt nhất là anh trai cô đã không thể bảo vệ em mình.

Một nạn nhân khác đang tạm lánh ở Ngôi nhà bình yên, TP Hà Nội là K., hiện đã là mẹ của một bé gái nhỏ, K. vẫn không thôi ám ảnh về lần bị người thân lừa bán qua biên giới và buộc phải tiếp khách trong một khách sạn nơi xứ người lúc 15 tuổi. Khi đó, có hôm, K. phải tiếp cả chục lượt khách, cơ thể không chịu nổi, thường xuyên phải vào viện. May nhờ một đồng hương tốt bụng cứu giúp, K. đã được đưa về nước.

Tưởng chừng đã yên thân, ai dè khi biết chuyện quá khứ, người trong làng nhìn cô bằng con mắt khác khiến cô một lần nữa rời quê, tìm đến Ngôi nhà bình yên. Ở đây, K. được học nghề, học cách chữa lành những tổn thương và dần lấy lại sự tự tin nhưng nỗi ám ảnh vẫn không thôi đeo bám. Mỗi ngày nhìn con gái lớn lên, K. lại lo con không được an toàn.

Phần lớn thủ phạm gây ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người quen biết với nạn nhân - Ảnh minh họa do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên
Phần lớn thủ phạm gây ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người quen biết với nạn nhân - Ảnh minh họa do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên

Chủ động bảo vệ trẻ

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - nhận định, sự im lặng của mỗi người là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa được đưa ra ánh sáng. Các nạn nhân đã không được hỗ trợ kịp thời, bị tổn thương nghiêm trọng cả thể chất lẫn tinh thần.

Theo bà, nhiều gia đình có con bị xâm hại mong muốn xử lý nghiêm kẻ phạm tội nhưng cũng hy vọng được sống trong yên ổn, không bị kỳ thị: “Nạn nhân và thân nhân mong giảm thiểu hậu quả của việc bị xâm hại hơn là bắt kẻ phạm tội trả giá. Họ muốn được bảo vệ danh tính, được xã hội quên đi vụ việc càng sớm càng tốt”.

Bà cho rằng, giải pháp cốt lõi là nhà chức trách phải điều tra đến cùng, xử lý nghiêm minh các vụ việc, đồng thời chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hướng dẫn cha mẹ và trẻ cách nhận diện, phản ứng, bảo vệ chứng cứ khi bị xâm hại. Chứng cứ trong các vụ xâm hại tình dục đôi khi rất mơ hồ, mong manh, nên cần phải tin trẻ em - tức là tin những lời khai của trẻ - để xử lý vụ việc một cách quyết liệt, đúng hướng.

Liên quan tới vấn đề này, trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV (từ ngày 5/5 - 28/6/2025), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (tỉnh Hải Dương, nay là TP Hải Phòng) chỉ ra nhiều lo ngại khi nạn xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có sự gia tăng các vụ xâm hại trên môi trường mạng.

Bà Mai Thoa lưu ý, cần quan tâm xây dựng vị trí việc làm, bố trí nhân lực làm công tác chuyên trách trẻ em từ trung ương đến địa phương; kiện toàn đội ngũ cộng tác viên ở tận thôn, bản, tổ dân phố để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Bà cũng cho rằng, cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chuyển hướng công tác bảo vệ trẻ em từ thụ động sang chủ động. Cụ thể là tích hợp AI vào các nền tảng trực tuyến để trẻ em dễ dàng tố giác hành vi xâm hại, được tư vấn nhanh. AI cũng cần được dùng để giám sát nội dung độc hại trên internet, phát hiện sớm dấu hiệu lạm dụng và can thiệp kịp thời.

Mới đây nhất, ngày 22/6, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho bé gái 3 tháng tuổi bị chính người thân xâm hại tình dục. Vụ việc này gây bàng hoàng dư luận, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về tệ trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Những vụ việc và con số đau lòng

Đầu tháng 5/2025, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” xảy ra ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Nạn nhân trong vụ việc này là 2 bé gái sinh năm 2004 và 2007, bị xâm hại tình dục lúc 7 tuổi và 11 tuổi mà người bị tố cáo xâm hại là cha ruột.

Kể từ khi thành lập vào tháng 3/2023 đến nay, mô hình một cửa của Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã tiếp nhận, hỗ trợ 224 phụ nữ và trẻ vị thành niên là nạn nhân bạo lực. Trong cùng khoảng thời gian, bệnh viện này cũng ghi nhận hơn 1.000 trường hợp trẻ em mang thai và trẻ vị thành niên tìm đến dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Theo Bộ Công an, năm 2024, cơ quan chức năng trên cả nước đã khởi tố 2.361 vụ việc xâm hại trẻ em với tổng số 2.505 nạn nhân, trong đó có 1.927 vụ xâm hại tình dục. Còn theo báo cáo của Ban Bảo vệ trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, trong năm 2024, ban này đã tiếp nhận 66 trẻ bị xâm hại, trong đó 28,8% bị xâm hại tình dục.

Thu Huyền Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI