Những cánh diều bay giữa 3 thế hệ

17/05/2025 - 06:00

PNO - Nhìn lũ trẻ vui đùa, tôi nghĩ về sợi dây vô hình kết nối các thế hệ. Cha đã dạy tôi thả diều, truyền cho tôi tình yêu với những điều giản dị, với quê hương, với những buổi chiều gió lộng.

Cánh diều như sợi dây kết nối 3 thế hệ gia đình tôi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cánh diều như sợi dây kết nối 3 thế hệ gia đình tôi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những cơn gió tháng Năm thổi mát lành mang theo hương đồng cỏ nội trên vùng quê huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tôi đứng giữa cánh đồng xanh mướt, cậu con trai 10 tuổi và cô con gái 6 tuổi tíu tít bên cạnh, háo hức với những cánh diều rực rỡ.

Những cánh diều hiện đại in hình Spider Man, Elsa, Pikachu nhẹ nhàng tung bay. Dưới ánh nắng vàng dịu, tôi hướng dẫn các con cách cầm dây, cách chạy ngược gió, cách thả cho diều bay lên. Tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ hòa cùng tiếng gió khiến lòng tôi bỗng nôn nao nhớ. Hình ảnh cha tôi với đôi bàn tay tài hoa đầy vết sẹo hiện lên rõ như mới hôm qua.

Cha tôi - người thợ cả ở xưởng gỗ - luôn khiến tôi kinh ngạc bởi sự khéo léo. Những ngón tay ông dù đã mất đi vài đốt vì những lưỡi cưa thiếu an toàn thời xưa vẫn thoăn thoắt tạo nên các tác phẩm gỗ tinh xảo. Tôi nhớ những buổi chiều bên hiên nhà, cha ngồi vót tre, cẩn thận cắt giấy, nấu cơm làm hồ dán để làm diều. Mỗi chiếc diều của cha là một tác phẩm nghệ thuật: khung tre cân đối, giấy dán căng mịn, đuôi diều phất phơ như đuôi cá.

Bí quyết của cha để làm diều bay cao, bay xa là cuộn dây dù màu xanh rêu - một kỷ vật từ thời chiến tranh. Dây mỏng, nhẹ nhưng dai và chắc chắn, khác hẳn những cuộn dây cước nhựa dễ rối, dễ đứt trẻ con trong xóm thường dùng.

Tôi còn nhớ bóng dáng vững chãi của cha khi hướng dẫn tôi thả diều. Ông đứng giữa đồng, đôi tay rắn chắc nắm dây, điều khiển cánh diều lượn lờ trên bầu trời. Những đứa trẻ trong xóm, kể cả tôi, luôn nhìn cánh diều trong tay cha với sự ngưỡng mộ. Cha không chỉ làm diều bay cao mà còn dạy tôi cách cảm nhận gió, cách để diều hòa mình vào không trung. “Muốn diều bay xa, con phải biết thả dây đúng lúc, cảm nhận từng nhịp diều no gió hay chao lượn nhưng cũng phải giữ chắc khi gió đổi chiều”. Lời dạy ấy, giờ nghĩ lại, không chỉ đúng về cách thả diều mà còn là thông điệp của cuộc sống.

Hôm nay, khi hướng dẫn lũ trẻ thả diều, tôi bất giác lặp lại những động tác của cha năm xưa. Tôi bảo con lớn cầm dây chắc, chạy nhanh để diều cất cánh. Bé út reo lên khi chiếc diều Elsa chao lượn.

Trong lòng tôi, hình ảnh đôi bàn tay cha cứ ám ảnh. Những ngón tay cụt, thô ráp, đầy sẹo nhưng chứa đựng cả thế giới tài hoa. Tôi chợt nhận ra đã quá lâu mình chưa về thăm cha. Thành phố cùng nhịp sống hối hả đã cuốn tôi đi, để lại cha với những tháng ngày lặng lẽ ở quê. Cuộn dây dù ấy không biết cha còn giữ hay đã bạc màu theo thời gian như mái tóc trắng phau của cha?

Nhìn lũ trẻ vui đùa, tôi nghĩ về sợi dây vô hình kết nối các thế hệ. Cha đã dạy tôi thả diều, truyền cho tôi tình yêu với những điều giản dị, với quê hương, với những buổi chiều gió lộng. Giờ đây, tôi dạy lại lũ trẻ, hy vọng các con sẽ cảm nhận được niềm vui thuần khiết ấy. Nhưng hơn cả, tôi muốn kể cho chúng về ông nội, về đôi bàn tay tài hoa đã làm nên những cánh diều có một không hai. Tôi muốn chúng biết rằng dù thời gian có trôi, dù công nghệ có thay đổi, những giá trị ông chúng để lại - sự khéo léo, kiên nhẫn và tình yêu gia đình - vẫn mãi trường tồn.

Tôi quyết định cuối tuần này sẽ đưa bọn trẻ về thăm ông. Tôi muốn cha thấy cháu nội thả diều, muốn cha kể lại những câu chuyện về cuộn dây dù xanh rêu và muốn nói với cha rằng dù bao năm trôi qua, tôi vẫn luôn tự hào về cha - người cha với đôi tay tài hoa đã cho tôi cả bầu trời tuổi thơ.

Cánh diều trên cao vẫn chao lượn như mang theo ký ức và tình cảm giữa các thế hệ. Tôi mỉm cười, nắm tay lũ trẻ, bước đi trên con đường mòn dẫn về nhà. Gió vẫn thổi và trong lòng tôi, những cánh diều của cha vẫn mãi bay cao, bay xa.

Cát Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI