Như lần cuối cùng

17/01/2014 - 07:25

PNO - PNO - Bao giờ cũng vậy, khi kết thúc cuộc trò chuyện mỗi ngày với mẹ qua điện thoại – mẹ hay nói với con gái:“Giá mẹ có sức khỏe tốt hơn, mẹ sẽ vào Sài Gòn để chăm sóc cho con và cháu ngoại của mẹ".

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều tháng nay, cứ mỗi lần nghe trời trở lạnh - và nhớ đến những cơn ho sặc sụa của mẹ, tôi lại thấy bồn chồn lo sợ tới một ngày nào đó, mình phải xa rời mãi mãi những người mình yêu thương và trân quý nhất.

Nhu lan cuoi cung
 

Năm bà ngoại 95 tuổi, ngoại trượt chân ngã phải nằm một chỗ. Mẹ khi đó đã ở tuổi 60 - cũng vừa qua một cuộc phẫu thuật bị vỡ xương vai do té vì treo màn từ cửa sổ, cánh tay phải yếu hẳn, cử động khó khăn… Nhiều năm nay, mẹ còn bị viêm họng mãn tính, trời trở lạnh, mẹ bị mệt người và ho suốt cả đêm… Vậy mà, từ khi ngoại nằm một chỗ, một tay mẹ chăm bà ngoại, ngày cũng như đêm, từ việc đút từng muỗng cháo cho đến việc giặt giũ, lau rửa cơ thể. Ban ngày ngoại ngủ, ban đêm thức, mẹ vì thế cũng phải thức theo ngoại. Mọi việc chăm ngoại, mẹ lẳng lặng làm với sự tập trung, nâng niu và dịu dàng nhất của đứa con gái dành cho người mẹ sắp đi xa… Hàng tháng liền chăm ngoại, có những giai đoạn mẹ kiệt sức, phải nhập viện cấp cứu. Mẹ vốn chỉ hơn 37 kg, chăm ngoại, mẹ chỉ còn hơn 33 kg, thân thể hao gầy đến mức bác sĩ cảnh báo: mẹ cần được chăm sóc - nếu không, có khi mẹ “đi” trước ngoại.

Những đứa con của mẹ lo lặn ngụp cuộc sống ở phương xa, phụ mẹ cũng chỉ được ít ngày rồi quay lại với công việc. Những người thân, con cháu cũng bàn nhau chia ca trực đêm để săn sóc ngoại, thuê y tá… nhưng rốt cuộc vẫn không ai hiểu được ý của ngoại bằng mẹ. Chỉ có mẹ mới hiểu và đáp ứng nhanh những yêu cầu của ngoại qua những cử chỉ, những tiếng ú ớ. Con cháu ở xa về thăm ngoại, cũng phải nhờ mẹ “thông dịch”… Và cũng không hiểu bằng sức mạnh nào, mẹ sau các ca cấp cứu, tưởng chừng sẽ quỵ ngã nhưng rồi mẹ lại trở về, bình thản đón lấy các công việc, lui cui chăm sóc và túc trực bên ngoại.

Ngoại sống với con cháu thêm 3 năm, 98 tuổi ngoại mất. Trong 3 năm ngoại bệnh, con cháu của ngoại gần 60 đứa, hầu hết đã kịp về thăm… Với tôi trong những lần trở về thăm ngoại, tôi luôn ý thức rằng đó có thể là lần cuối tôi được ngồi cạnh bà, nên mỗi cử chỉ đều chất chứa yêu thương, sự trân trọng và suy ngẫm. Một đứa luôn vội vàng, thiếu kiên nhẫn như tôi đã có thể nằm cạnh ngoại, ngồi hàng giờ bên cạnh ngoại để ngắm nhìn khuôn mặt, mái tóc, bàn tay…

Nhu lan cuoi cung
 

Ngoại đi đã một năm, mẹ vẫn gầy, vẫn chống chọi suốt đêm với cơn ho rũ rượi mỗi khi trời trở lạnh và đến sáng hôm sau, lại tất bật và bận rộn với việc coi sóc nhà cửa, chăm chút và lo lắng cho con cháu. Những đứa con tóc đã muối tiêu, tự cảm thấy hổ thẹn và cần yêu thương mẹ nhiều hơn, cư xử trưởng thành và biết sống cho gia đình hơn. Đứa con lên 5 của tôi cũng rất yêu quý và quyến luyến bà ngoại. Nó bảo ở với ngoại nó rất sung sướng vì ngoại rất yêu thương và chẳng la mắng nó. Mỗi dịp đi xa và trở về, tôi luôn cảm thấy mình được yêu thương, chăm sóc và đón nhận một cách trọn vẹn nhất từ mẹ - trong cuộc hành trình mẹ chuẩn bị lần cuối cho chuyến đi xa.

Mùa xuân này con sẽ về bên mẹ….


PHAN THU THẢO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI