Nhớ chợ

09/07/2021 - 10:40

PNO - Chợ đóng, nhiều mặt người ngơ ngác. Ngơ ngác vì nhớ chợ, âm thanh chợ, con người chợ. Ở đó là một bức tranh tổng thể nhiều màu sắc cuộc đời.

Chỉ đến khi đứng trước cổng chợ Tân Mỹ - một chợ truyền thống lớn ở quận 7, TP.HCM - nhìn những sợi dây trắng sọc đỏ chằng chéo, tôi mới thật sự hụt hẫng, dù tin đóng chợ này, chợ kia (vì phát hiện ca lây nhiễm) vẫn đọc trên báo mạng. 

Sau đó là nỗi buồn mà tôi nghĩ những ai thường đi chợ sẽ thấu. Chợ đóng, mọi thứ của chợ sẽ khép lại, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu và lâu bền, dịch vụ… Hàng quán phủ bạt, lặng lẽ.

Ảnh: Quốc Thái
Những sạp hàng phủ bạt buồn hiu - Ảnh: Quốc Thái

Tôi vòng qua con đường bên hông chợ, một hàng rào chắn chừa lối đi nhỏ. Cảm giác trống vắng theo tôi suốt đường về nhà. Tôi “vẽ sơ đồ” bên trong chợ có gì theo trí nhớ: chỗ này thực phẩm tươi sống, chỗ kia hàng khô, chỗ nọ vải vóc, kim chỉ… Phía trước dãy hàng hoa, một bên là dụng cụ gia đình… 

Có một lần tôi mua thịt bò, khi người bán hàng trả lại tiền thừa, tôi không đếm. Đến khi qua mua gì đó ở hàng khác, tôi thấy thiếu 50.000 đồng. Tôi chần chừ giữa việc quay trở lại nói hay bỏ đi? Lỗi này hoàn toàn ở tôi. Quy tắc cuộc đời là tiền bạc phân minh, người nhận phải đếm trước mặt người giao như vậy mới rõ ràng, sòng phẳng. Cuối cùng tôi quay trở lại mà không chắc mình sẽ lấy được tiền. Nên tôi hơi ngỡ ngàng khi chị bán hàng cười nói: “Vậy hả chị, em xin lỗi nha, chắc lúc đó vội quá!”. 

Tôi thử đặt ra vài tình huống. Một là chị bán hàng dễ tính, vui vẻ, không so đo. Hai là chị muốn giữ bạn hàng. 50.000 đồng không lớn, nhưng là con số “biết nói” nếu tính theo tiền lãi buôn bán mỗi ngày. 

Tôi dừng lại một điểm trên “sơ đồ” trí nhớ, chỗ này hàng đồ khô bán đầy đủ các thứ cho tôi nấu một nồi chè dưỡng nhan với hàng chục món. Chỗ kia hàng vật liệu may, tôi thường ghé đến mua kim chỉ móc, nút, ren… Tôi lại lẩn thẩn nghĩ tới những người buôn bán quanh năm, ngày nào cũng ra chợ, thời gian trò chuyện bán buôn với bạn hàng còn nhiều hơn thời gian sống với gia đình. Những ngày nghỉ bán, ở nhà chắc họ buồn lắm. Chưa kể, đồng ra đồng vào, con cái học hành, ăn uống gia đình nhờ hết vào đó.

Trước đây, tôi đi chợ hằng ngày như một thói quen. Ngày không đi chợ thường là mưa bão hay đi xa đâu đó. Những ngày như vậy, dường như câu cửa miệng mà tôi hay nói với bất kỳ ai đó thường là: “Hôm nay không đi chợ”. Như một quán tính vừa có chút áy náy (mà không biết mình áy náy điều gì, với ai khi thức ăn đã chuẩn bị sẵn).

Phải chăng, thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống làm nên bản chất thứ hai của con người khiến tôi bật thốt ra như thế? 

Tôi nhớ đến má tôi, một đời nội trợ. Công việc đi chợ của bà cũng như người đi làm công sở. Hồi ấy má tôi thuộc lòng cả tên và tính tình của người bán hàng. Ai khó chịu, hung hăng, ai dễ tính, xởi lởi, hiểu để mà xử thế. Má tôi hay nói: “Sống được ở chợ đâu dễ”. 

Tôi lại nhớ đến những cái chợ mà tôi thường đi ở Nha Trang. Hồi chưa lập gia đình, tôi thường cùng bạn bè dạo chợ Đầm, khi mua vải, lúc mua áo quần, mỗi lần như thế dứt khoát phải sà vào một, hai hàng ăn gì đó. Thời con gái hay ăn quà vặt mà ở chợ không thiếu thức gì, món nào cũng ngon. 

Một thời gian dài tôi hay đi chợ Xóm Mới, thuộc lòng hàng nào, sạp nào cùng người bán. Xẹt qua một chút, ngồi trên xe máy thôi, tôi đã có đủ thức ăn cho một ngày với những lời chào mời thân tình, vui vẻ. Gần nhà tôi có thêm vài cái chợ nhỏ, thiếu thứ gì, nhờ lũ trẻ chạy ra mua. Bọn trẻ con ề à, lười biếng, phải thuộc lòng vị trí các hàng quán để chỉ vẽ cho chúng. 

Hồi nhà ở Phú Nhuận, tôi thuộc lòng nhiều cái chợ gần nhà mà có thể vẽ được sơ đồ trong chợ như: Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định, chợ Nguyễn Đình Chiểu, chợ Ga… 

Chợ Hoà Hưng đóng cửa im lìm - Ảnh: Quốc Thái
Chợ Hoà Hưng đóng cửa im lìm - Ảnh: Quốc Thái

Về quận 7, nhà tôi xa chợ lớn nhưng lại có chợ cóc đối diện. Mỗi sáng tôi băng qua bên kia đường đầy đủ sản vật, coi như đi bộ thể dục.

Mùa dịch tôi phải tập thói quen đi chợ hay siêu thị tuần một lần, xen kẽ vài ngày ra chợ cho đỡ nhớ. Rồi chợ cóc ven đường cũng dẹp, chỉ còn lẻ tẻ vài hàng thịt cá, rau bán nhanh kiểu “chợ chạy”. 

Chợ đóng, nhiều mặt người ngơ ngác. Ngơ ngác vì nhớ chợ, âm thanh chợ, con người chợ. Ở đó là một bức tranh tổng thể nhiều màu sắc cuộc đời. 

Chỉ biết cầu mong cho những ngày “nguy cơ” này mau chóng qua đi, chợ sẽ hồi sinh, tấp nập trở lại. Không chỉ là sức sống của riêng một chợ nào mà đó là bộ mặt nhộn nhịp nói lên sự trù phú của cả thành phố. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI