Bảo tàng Hàn Quốc lập kỷ lục nhờ sức hút văn hóa đại chúng

08/07/2025 - 19:10

PNO - Văn hoá đại chúng giúp kết nối di sản với trải nghiệm hiện đại, đưa lượng khách và doanh thu của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc lên mức cao chưa từng có.

Tác phẩm nghệ thuật mới được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, quận Yongsan,
Tác phẩm nghệ thuật mới được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (Yongsan- Seoul). Ảnh: Korea JoongAng Daily

Kết nối di sản, đổi mới trải nghiệm

Kết hợp di sản với phong cách hiện đại, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả du khách quốc tế. Các sản phẩm như tượng Bồ tát suy tư phiên bản thu nhỏ (thành viên RM nhóm BTS đang sở hữu) hay ly rượu soju đổi màu lấy cảm hứng từ họa sĩ Kim Hong-do thời Joseon, đã đạt doanh thu hàng tỉ won và trở thành biểu tượng văn hóa mới trong giới trẻ.

Tượng Bồ tát suy tư, phiên bản thu nhỏ màu pastel đang là một trong những sản phẩm lưu niệm hot của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)
Tượng phật Bồ tát suy tư, phiên bản thu nhỏ màu pastel đang là một trong những sản phẩm "hot" của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: Korea JoongAng Daily

Bảo tàng cũng đã mở cửa hàng trực tuyến toàn cầu từ tháng 10/2024, cung cấp hơn 50 sản phẩm chính thức đến hơn 220 quốc gia, trong đó tượng Phật Bồ tát suy tư có giá khoảng 67,71 USD/tượng.

Từ thiết chế bảo tồn di sản, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đang từng bước chuyển mình thành trung tâm trải nghiệm văn hóa sống động, nơi hội tụ giữa lịch sử, nghệ thuật, công nghệ và xu hướng đương đại… phản ánh rõ sức mạnh mềm ngày càng lan tỏa mạnh mẽ của văn hoá đại chúng Hàn Quốc.

Ly rượu soju đổi màu lấy cảm hứng từ tranh của danh họa Kim Hong-do, được thiết kế thông minh: khi rót rượu lạnh vào, khuôn mặt nho sĩ trong tranh chuyển sang đỏ (như đang say).
Ly rượu soju đổi màu lấy cảm hứng từ tranh của danh họa Kim Hong-do, khi rót rượu vào, khuôn mặt nho sĩ trong tranh chuyển sang màu đỏ như đang say rượu. Ảnh: Korea JoongAng Daily

Những sản phẩm lưu niệm của Bảo tàng, đặc biệt là huy hiệu Magpie & Tiger và bút Black Gat String Pen, cháy hàng chỉ trong vài ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu bán hàng lưu niệm đạt 11,5 tỉ won (khoảng 8,4 triệu USD) - mức kỉ lục và tăng 34% so với cùng kì năm ngoái.

Theo đại diện của Bảo tàng, nguyên nhân chủ yếu của đà tăng trưởng ấn tượng này là “sự phổ biến ngày càng rộng khắp của làn sóng Hallyu, lan tỏa cả vào lĩnh vực văn hóa truyền thống”.

Chiếc but có hình nón Gat
Chiếc bút có hình nón Gat cháy hàng chỉ trong vài ngày giới thiệu sản phẩm. Ảnh: National Museum of Korea

Một yếu tố kích thích mạnh mẽ lượng khách chính là bài đăng của RM (BTS) trên Instagram, trong đó anh chia sẻ bức tranh vẽ chú chó con thời Joseon (1392-1910) của họa sĩ Yi Am, đang được trưng bày trong triển lãm Nghệ thuật đầu triều Joseon: Kiệt tác thế kỷ XV và XVI.

Ngoài ra, bộ phim hành động, âm nhạc mang màu sắc huyền bí K-pop Demon Hunters của Netflix cũng góp phần đáng kể. Bộ phim sử dụng nhiều yếu tố truyền thống như tranh jakhodo (vẽ hổ và chim ác là) và nón Gat, chiếc nón rộng vành dành cho nam giới quý tộc thời Joseon. Tác phẩm lọt top 10 tại cả 93 quốc gia có dịch vụ Netflix.

Instagram, trong đó anh chia sẻ bức tranh vẽ chú chó con thời Joseon (1392–1910) của họa sĩ Yi Am
Instagram của RM (BTS) chia sẻ bức tranh vẽ chú chó con thời Joseon (1392-1910) của họa sĩ Yi Am. Ảnh: National museum of Korea

Tập phát sóng gần đây của chương trình vũ đạo World of Street Woman Fighter cũng góp phần thúc đẩy làn sóng quan tâm. Trong phần thi "mega-crew", hàng chục vũ công biểu diễn theo chủ đề thần chết Hàn Quốc, tất cả đều đội nón Gat, thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem trên YouTube.

Không gian chiêm nghiệm và công nghệ số cùng tạo điểm nhấn

Một điểm nhấn đặc biệt là Phòng tĩnh tâm (Room of Quiet Contemplation), nằm trên tầng hai của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Phòng tĩnh tâm được mở cửa từ năm 2021 - giữa thời điểm đại dịch COVID-19 – như một không gian dành riêng để tôn vinh một trong những hiện vật mang tính biểu tượng nhất của bảo tàng: tượng Bồ tát suy tư.

Du khách sẽ bước qua một hành lang mờ tối để tiến vào khu vực trưng bày chính, nơi 2 bức tượng bồ tát bằng đồng được đặt dưới trần nhà gắn hơn 20.000 thanh nhôm. Phần đầu của các thanh này phát ra ánh sáng dịu nhẹ như sao trời, tạo nên một bầu không khí thanh bình, gần như siêu thực.

Tượng phật Bồ Tát  tại Phòng tĩnh tâm
Tượng phật Bồ Tát suy tư tại Phòng tĩnh tâm. Ảnh: Korea JoongAng Daily

2 pho tượng, có niên đại từ cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ VII, được công nhận là bảo vật quốc gia và bảo vật hiếm hoi còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn của nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc thời kỳ đầu. Điều đặc biệt là bảo tàng đã không đặt tượng trong lồng kính hay bao quanh bởi hệ thống biển chỉ dẫn dày đặc. Thay vào đó, 2 bức tượng được trưng bày trên một bệ hình bầu dục lớn, cho phép người xem tiếp cận ở cự ly gần, từ mọi góc độ. Điều này biến trải nghiệm không dừng lại chỉ ở việc chiêm ngưỡng hiện vật lịch sử, mà là cuộc gặp gỡ mang tính cá nhân với những tác phẩm được xem như hiện thân sống động của nghệ thuật điêu khắc truyền thống Hàn Quốc.

Không gian phòng Tĩnh tâm
Không gian phòng tĩnh tâm. Ảnh: Korea JoongAng Daily

Các bức tượng mô tả hình ảnh bồ tát đang ở ngưỡng cửa của sự giác ngộ, chìm trong dòng suy tưởng. Với một chân bắt chéo qua chân còn lại và bàn tay phải thon dài đặt nhẹ lên má, khuôn mặt với biểu cảm tĩnh lặng, trầm tư. Nhìn kĩ hơn, người xem có thể nhận ra nụ cười rất nhẹ, vừa đủ để khiến người đối diện cảm thấy được kết nối.

Theo truyền thống, hình ảnh bồ tát suy tư tượng trưng cho sự chiêm nghiệm sâu sắc về những quy luật phổ quát của đời người: sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng trong cách bài trí và ánh sáng của Phòng tĩnh tâm, bức tượng không chỉ mang ý nghĩa triết lí tôn giáo mà còn trở thành nơi trú ẩn cho tâm trí của con người thời hiện đại. Không gian được thiết kế bằng đất hoàng thổ màu vàng đỏ cộng với hương quế, tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu, lan nhẹ trong không gian, góp phần tạo nên sự tĩnh tại cần thiết cho một trải nghiệm sâu lắng, thiền định.

Không gian trung bày kỹ thuật số
Tác phẩm Hổ gầm: Dũng cảm, huyền bí và tinh nghịch ở phòng triển lãm kĩ thuật số Immersive Digital Gallery. Ảnh: National museum of Korea

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm, Bảo tàng còn liên tục làm mới trải nghiệm cho khách tham quan. Từ tháng 5/2025, phòng triển lãm kĩ thuật số (Immersive Digital Gallery) ra mắt 2 tác phẩm nghệ thuật mới: Hoa, thú, mèo: Một ngày của mèoHổ gầm: Dũng cảm, huyền bí và tinh nghịch. Các tác phẩm này mô phỏng sinh động những loài vật trong tranh truyền thống bằng công nghệ mô hình 3D, đồ họa chuyển động kết nối giữa tranh cổ và trải nghiệm hiện đại.

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, thiết chế văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của Hàn Quốc đã đón 2,7 triệu lượt khách chỉ trong nửa đầu năm 2025, tăng 64% so với cùng kì năm trước. Đây là mức cao nhất trong vòng 20 năm kể từ khi bảo tàng chuyển về quận Yongsan (Seoul) vào năm 2005.

Số lượng khách quốc tế cũng đạt 97.985 lượt, vượt kỉ lục trước đó là 94.951 lượt trong cùng kì năm 2024.

Minh Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI