Thiệt thòi nếu chọn sai tổ hợp môn lớp Mười

07/07/2025 - 06:00

PNO - Từ đầu tháng Bảy, các trường THPT tại TPHCM bắt đầu tư vấn tổ hợp môn lớp Mười năm học 2025-2026 cho học sinh. Tổ hợp môn này sẽ theo học sinh trong suốt 3 năm học nên nếu chọn sai, các em sẽ rất vất vả để bắt đầu lại.

Chọn theo năng lực, định hướng nghề nghiệp

Năm học 2025-2026 là năm thứ tư thực hiện chương trình mới ở bậc THPT. Theo đó, học sinh sẽ học 8 môn bắt buộc là: ngữ văn, toán, tiếng Anh, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương.

Học sinh, phụ huynh lớp Mười Trường THPT Tây Thạnh tham gia buổi tư vấn chọn tổ hợp môn vào sáng 2/7
Học sinh, phụ huynh lớp Mười Trường THPT Tây Thạnh tham gia buổi tư vấn chọn tổ hợp môn vào sáng 2/7

Ngoài ra, học sinh phải chọn 4 trong 9 môn học tự chọn theo năng lực, định hướng nghề nghiệp, gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Dựa trên cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhà trường xây dựng các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Dù vậy, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn gặp khó khăn khi chưa xác định được hướng đi rõ ràng sau THPT.

Ngày 2/7, Ngọc Mai - học sinh lớp Mười Trường THPT Tây Thạnh (phường Tây Thạnh) - cùng mẹ đến trường để nghe tư vấn chọn tổ hợp. “Em chưa tìm hiểu và cũng chưa nghĩ mình nên học tổ hợp nào. Chắc em sẽ chọn các môn khoa học xã hội cho nhẹ nhàng. Định hướng của em là học đại học ngành sư phạm tiếng Anh hoặc ngôn ngữ Anh. Dù những năm gần đây, điểm của khối ngành này hơi cao nhưng em sẽ cố gắng” - Ngọc Mai nói.

Cùng có mặt trong buổi tư vấn, học sinh Phú Thịnh chia sẻ: “Em sẽ chọn tổ hợp có môn vật lý, hóa học, sinh học. Mọi người cũng nói tổ hợp này khá nặng nhưng sẽ dễ hình thành tổ hợp vào đại học. Nghề nghiệp thì em chưa xác định rõ ràng, cứ học trước rồi tính tiếp”.

Bà Phan Thị Tâm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh - cho biết: trường chỉ xây dựng 2 tổ hợp, gồm: vật lý, hóa học, sinh học, tin học và vật lý, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ.

Bà khuyên rằng: “Học sinh cần căn cứ vào năng lực, kết quả học tập để đưa ra lựa chọn, nghĩa là chọn môn mình học tốt. Nếu không chắc chắn, các em có thể tham khảo thầy cô lớp Chín, bàn bạc với cha mẹ để nhận thêm những lời khuyên khách quan và đúng đắn”. Đồng thời, bà cũng lưu ý phụ huynh không nên áp đặt mong muốn cá nhân lên học sinh. Cha mẹ có thể trao đổi, phân tích về định hướng phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực của con, nhưng vẫn để các em lựa chọn.

Trường THPT Dương Văn Thì (phường Tăng Nhơn Phú) thì xây dựng đến 9 tổ hợp môn, bao phủ 7/9 môn tự chọn, chỉ trừ môn âm nhạc, mỹ thuật. Bà Phạm Thị Tình - Phó hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận, dù có đa dạng lựa chọn nhưng nhiều học sinh vẫn khá hoang mang. Có em môn nào cũng giỏi nên sao cũng được nhưng có em chưa rõ thế mạnh của mình. Khi đó, các em có thể căn cứ vào kết quả học tập và niềm say mê ở bậc THCS để quyết định.

“Các em không bắt buộc phải xuất sắc cả 4 môn tự chọn mà chỉ cần không quá sợ hoặc có năng lực học môn đó tốt hơn các môn khác là được” - bà động viên.

Chọn đúng tổ hợp để phát huy tối đa năng lực

Bà Phạm Thị Tình nói thêm, học sinh cũng cần dựa trên định hướng nghề nghiệp để đưa ra lựa chọn. Các em muốn học ngành gì, trường đại học nào phải tìm hiểu trước về tổ hợp xét tuyển. Hiện nay, các trường đại học đều đã công bố đề án tuyển sinh theo chương trình mới.

Học sinh muốn học ngành gì, trường đại học nào thì phải vào trang web xem thông tin về tổ hợp môn xét tuyển. Các em thích những ngành công nghệ sinh học, hóa học, y dược, chăm sóc sức khỏe thì chọn tổ hợp môn có hóa học và sinh học. Thích khối ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ số… có thể chọn tổ hợp có môn công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật…

Học sinh có rất nhiều hướng để vào đại học như: xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng dù là hình thức nào, phần lớn đều dựa trên kết quả học tập của các môn học bắt buộc và tự chọn. “Học sinh chọn đúng tổ hợp có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Khi đã chọn, các em cần tin vào năng lực của mình, cố gắng theo đuổi suốt 3 năm để dễ vào đại học sau này” - bà Phạm Thị Tình nói.

Khác với các trường trên, năm nay, Trường THPT Võ Trường Toản (phường Tân Thới Hiệp) lần đầu cho học sinh đăng ký tổ hợp tự do. Cụ thể, nhà trường gợi ý 7 tổ hợp có sẵn, nhưng học sinh có thể đăng ký thêm nếu có nhu cầu. Nhà trường sẽ sắp xếp lớp học “chạy” để đáp ứng tối đa mong muốn của học sinh. Đề phòng trường hợp học sinh thay đổi nguyện vọng, cuối năm học lớp Mười, trường sẽ công bố kế hoạch chuyển đổi môn.

Bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Thông thường, các em chỉ có thể chuyển từ tự nhiên sang xã hội chứ không thể chuyển ngược lại. Do đó, học sinh phải suy nghĩ kỹ, không nên chạy theo bạn bè. Tránh trường hợp đến lớp Mười hai mới phát hiện tổ hợp mình chọn không thể xét tuyển vào ngành đại học mình yêu thích. Thời điểm đó, nhà trường sẽ không cho phép chuyển đổi nữa”.

Nói thêm về vấn đề này, bà Trương Thị Tranh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bà Điểm) - cho biết: khi học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn, trường sẽ tạo điều kiện để các em ôn tập, bổ sung kiến thức. Sau đó, học sinh làm bài kiểm tra đánh giá năng lực, nếu đạt từ 5 điểm trở lên thì cho phép chuyển đổi. Tuy nhiên, việc này sẽ hơi vất vả vì các em bị gián đoạn kiến thức, phải học lại trong thời gian ngắn.

“Khi chuyển đổi môn thì học bạ sẽ bị khuyết 1 năm học. Học sinh được ghi điểm của bài kiểm tra chuyển môn vào nhưng có trường đại học chấp nhận cột điểm này, cũng có trường không chấp nhận. Do đó, học sinh phải suy nghĩ cẩn thận. Nhưng dù chọn như thế nào thì trong quá trình học tập, học sinh cũng phải nỗ lực hết sức để đạt được những mong ước của mình” - vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI