Hào quang K-culture và nghịch lý phía sau làn sóng Hallyu

08/07/2025 - 09:29

PNO - K-culture lan tỏa toàn cầu nhưng vẫn thiếu nền tảng bền vững, khi nghệ sĩ đối mặt thu nhập bấp bênh và ngành công nghiệp chưa sánh kịp Hollywood hay Trung Quốc.

Hàn Quốc đã chinh phục thế giới bằng làn sóng văn hóa đại chúng: K-pop trở thành âm nhạc của một thế hệ, phim ảnh gặt hái giải thưởng quốc tế, webtoon mở ra kỷ nguyên kể chuyện kỹ thuật số. Nhưng đằng sau hào quang đó là một nghịch lý chưa tìm ra lời giải đáp: K-culture tuy chiếm lĩnh trái tim người hâm mộ toàn cầu, nhưng vẫn chưa thể sánh được với Hollywood về quy mô hay với Trung Quốc về hiệu quả chi phí đầu tư.

Đây chính là thách thức khiến đến nay Hàn Quốc vẫn chưa tìm được tân Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vị trí then chốt trong việc xây dựng chính sách chiến lược cho ngành công nghiệp sáng tạo đang thay đổi nhanh chóng.

Chiếm lĩnh toàn cầu, nhưng chưa vững nội tại

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng toàn cầu của làn sóng Hallyu. K-pop không chỉ là âm nhạc mà còn trở thành biểu tượng văn hóa. Điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc liên tục nhận các giải thưởng danh giá, trong khi truyện tranh kĩ thuật số Hàn đã định hình phong cách riêng trên nền tảng toàn cầu. Tuy nhiên, các thành công ấy vẫn chưa thể chuyển hóa thành nền tảng phát triển bền vững.

Loạt phim  Squid Game đưa tên tuổi đạo diễn, diễn  viên  và  văn  hoá  Hàn  Quốc  vươn ra  toàn cầu
Loạt phim Squid Game đưa tên tuổi đạo diễn, diễn viên và văn hoá Hàn Quốc vươn ra toàn cầu

K-culture chưa xây dựng được hệ sinh thái công nghiệp với quy mô sản xuất tương đương Hollywood hay sức cạnh tranh về chi phí như Trung Quốc. Trong khi đó, áp lực tài chính, cạnh tranh quốc tế và tốc độ thay đổi thị hiếu ngày càng khiến ngành công nghiệp này dễ tổn thương. Vấn đề không chỉ nằm ở phía thị trường, mà còn ở chính những người làm nghề.

Lực lượng sáng tạo, từ ca sĩ, diễn viên, đạo diễn đến biên kịch, đang đối mặt với điều kiện làm việc bấp bênh do thiếu mô hình thu nhập bền vững. Họ thường bị bó hẹp trong các hợp đồng ngắn hạn, không có bảo hiểm nghề nghiệp, và bị lệ thuộc vào hệ thống phân chia lợi nhuận thiếu công bằng. Sáng tạo được tôn vinh, nhưng người sáng tạo lại không được bảo vệ tương xứng.

Ngành công nghiệp tỉ đô thiếu chiến lược nhân lực

Nghịch lý của K-culture cũng là hệ quả của một tầm nhìn chiến lược chưa hoàn thiện đối với nguồn nhân lực sáng tạo. Dù chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về thu nhập cơ bản cho nghệ sĩ và tăng hỗ trợ tài chính trực tiếp, các giải pháp vẫn rời rạc, chưa chạm đến những gốc rễ sâu hơn: bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp, cơ chế phân phối công bằng, và cơ hội phát triển lâu dài.

Tổng thống Lee Jae Myung và đệ nhất phu nhân Kim Hea Kyung, bên trái, trò chuyện với Hue Park, thứ hai từ bên phải, biên kịch của vở nhạc kịch đoạt giải Tony Maybe Happy Ending, và đạo diễn Kim Won-seok, người chỉ đạo bộ phim truyền hình When Life Gives You Tangerines của Netflix, tại một cuộc gặp gỡ với các nghệ sĩ tại văn phòng tổng thống ở Yongsan, Seoul, ngày 30/6. Ảnhh:The Korae  Times  .
Tổng thống Lee Jae Myung và đệ nhất phu nhân Kim Hea Kyung (bên trái) trò chuyện với Hue Park (thứ hai từ bên phải) biên kịch vở nhạc kịch đoạt giải Tony Maybe Happy Ending và đạo diễn Kim Won-seok, đạo diễn phim When Life Gives You Tangerines trong một cuộc gặp gỡ với các nghệ sĩ tại văn phòng tổng thống ở Yongsan (Seoul) ngày 30/6. Ảnh:The Korea Times .

Tổng thống Lee Jae Myung đã nhiều lần khẳng định cần chính sách cho phép nghệ sĩ “tự do sáng tạo mà không lo sinh kế’. Nhưng điều đó đòi hỏi không chỉ ngân sách, mà cả tư duy phát triển văn hóa như một ngành công nghiệp thực thụ, nơi nhân lực được xem là tài sản cần đầu tư bài bản.

Trong khi đó, du lịch, lĩnh vực song hành với văn hóa, cũng đang đối mặt với những thách thức riêng. Dù Hàn Quốc dự kiến đón hơn 18 triệu du khách quốc tế trong năm nay, nước này vẫn loay hoay trong việc giữ chân khách du lịch nội địa, khi nhiều người Hàn chọn đi Nhật Bản hay các điểm đến khác thay vì khám phá trong nước. Hallyu có thể tạo động lực cho ngành du lịch, nhưng để phát triển bền vững, cần sự gắn kết sâu hơn giữa chính sách văn hóa, hạ tầng địa phương và mô hình kinh tế sáng tạo.

Hallyu cần một “đạo diễn chiến lược” mới

Việc chiếc ghế Bộ trưởng Văn hóa để trống không chỉ là chuyện nhân sự. Nó phản ánh yêu cầu cao của thời đại: người đứng đầu không chỉ cần am hiểu nghệ thuật hay du lịch, mà phải là “đạo diễn chiến lược” cho toàn bộ hệ sinh thái K-culture, nơi văn hóa, kinh tế, giáo dục và công nghệ có sự phối hợp, đan xen nhịp nhàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Hallyu đang được cả thế giới dõi theo, Hàn Quốc không thể chỉ hài lòng với những cú hit nhất thời. Một mô hình phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi cho người làm sáng tạo, và đặt nhân lực làm trọng tâm là điều mà làn sóng Hallyu Hàn Quốc đang cần cho hành trình tiếp theo1.

Thảo Nguyên (Theo The Korea Times, tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI