Từ ngày 1/7/2025, phường Vĩnh Hội bao gồm phường 1, 3 và một phần phường 2, phường 4. Phường Khánh Hội được thành lập từ phần còn lại của phường 2, phường 4, một phần phường 15 và toàn bộ phường 8, 9. Trước năm 1975, Vĩnh Hội, Khánh Hội cũng từng là tên 2 phường của quận 4.
Lịch sử hào hùng
Vĩnh Hội trước đây là tên 3 làng: Vĩnh Khánh, Tân Vĩnh và Khánh Hội trong vùng, sau được ghép lại thành một tên. Khánh Hội cũng là tên một làng. Thôn Vĩnh Hội ở phía tây của thôn Khánh Hội, có trung tâm là đình Vĩnh Hội (240 Bến Vân Đồn). Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thôn Khánh Hội là nơi tọa lạc miếu Thành Hoàng của tỉnh Gia Định. Theo các cụ bô lão trong ban quản trị đình Khánh Hội, miếu Thành Hoàng nay là đình Khánh Hội (71- 73 Nguyễn Tất Thành, phường Xóm Chiếu).
 |
Bản đồ phường Vĩnh Hội, Khánh Hội - Ảnh: Thư viện pháp luật |
Đầu thế kỷ 20, các làng không còn là đơn vị hành chính nữa nên tên gọi cũng dần bị quên lãng, tuy nhiên, tên Khánh Hội vẫn được dùng để chỉ cả vùng quận 4 (cũ). Vào những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử, Vĩnh Hội và Khánh Hội là những nơi mà người dân nổi dậy với một khí thế mạnh mẽ, quyết đánh và chắc thắng.
Ở khóm 1 và khóm 3 phường Khánh Hội từ 24/4/1975 truyền đơn kêu gọi binh sĩ hạ vũ khí, bỏ hàng ngũ về với gia đình cùng với truyền đơn kêu gọi nổi dậy được rải khắp phường. Ở khóm 2 và khóm 3 phường Vĩnh Hội, từ tháng 2 và tháng 3/1975, các cơ sở của ta đã tổ chức may cờ, in truyền đơn kêu gọi binh sĩ và nhân dân chuẩn bị nổi dậy. Ngày 27 và 28/4/1975, các cơ sở đã tổ chức cho bà con địa phương đi kêu gọi lực lượng nhân dân tự vệ khóm bỏ súng trở về với gia đình.
 |
Từ đường Bến Vân Đồn (phường Vĩnh Hội) nhìn sang bên kia kênh Bến Nghé là đại lộ Võ Văn Kiệt - Ảnh: H.Nhu |
Tối ngày 29/4/1975, khi các binh đoàn chủ lực của ta đang áp sát thành phố, các cơ sở Đảng ở phường Khánh Hội cùng nghiệp đoàn ở nhà máy chỉ sợi Khánh Hội đã loan báo cho bà con khắp ngõ xóm trong phường biết và gấp rút triển khai kế hoạch nổi dậy. Cũng trong tối 29/4/1975, quần chúng nhân dân trong quận đã tự động phá kho lương thực để lấy gạo. 8g sáng ngày 30/4/1975, nhân dân phường Khánh Hội chứng kiến cảnh lính chế độ Sài Gòn tháo chạy tán loạn xuống Phú Xuân, Nhà Bè và ngược lại.
 |
Nhà thờ Vĩnh Hội có từ năm 1875 - Ảnh: H.Nhu |
Ở phường Khánh Hội, một lực lượng 50 người với đầy đủ súng đạn, băng cờ kéo đến chiếm bót cảnh sát Trần Văn Cát đóng trong phường. Viên đại úy trưởng bót, cùng 20 cảnh sát đã đầu hàng, giao toàn bộ vũ khí, súng đạn và các trang bị quân sự. Cờ Mặt trận giải phóng được kéo lên trên nóc ngôi nhà chính của bót. Ở phường Vĩnh Hội, một tổ vũ trang 8 người với 8 súng đã chiếm trụ sở khóm 2, sau đó phát triển chiếm các khóm khác của phường. 11g ngày 30/4/1975, quần chúng đã treo lá cờ Mặt trận giải phóng tại trụ sở nhân dân tự vệ khóm 2 và khóm 3 phường Vĩnh Hội.
“Trả lại tên cho em”
Trước năm 1975 Vĩnh Hội, Khánh Hội là 2 phường thuộc quận 4 (cũ). Sau ngày giải phóng, theo sắp xếp lại tổ chức hành chính mới, các phường cũ giải thể, lập các phường mới có diện tích, dân số nhỏ hơn và mang tên số. Nên giờ đây việc Vĩnh Hội, Khánh Hội trở lại thành tên phường có ý nghĩa như “trả lại tên cho em”.
Cả 2 phường đều mang dấu ấn lịch sử và văn hóa riêng, có nhiều công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử và các hoạt động lịch sử , văn hóa truyền thống. Khu vực phường Vĩnh Hội và Khánh Hội được giới hạn bởi các tuyến đường Bến Vân Đồn, Đoàn Văn Bơ, Xóm Chiếu và Tôn Thất Thuyết. 2 mặt của phường Vĩnh Hội, Khánh Hội bao bọc bởi kênh Bến Nghé và kênh Tẻ.
 |
Cầu Ông Lãnh bắc qua kênh Bến Nghé - Ảnh: H.Nhu |
Vì có 2 mặt giáp kênh rạch nên những cây cầu bắc qua đây giữ vai trò quan trọng trong việc đi lại của người dân. Những cây cầu như cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Calmette với dáng dấp hiện đại uốn lượn bắc qua rạch Bến Nghé tạo không gian gần gũi hơn, làm tăng thêm vẻ mỹ quan và mở rộng góc nhìn cho thành phố. Trong tương lai, tại phường Vĩnh Hội sẽ có thêm cây cầu mới Nguyễn Khoái nối liền đường Nguyễn Khoái sang đại lộ Võ Văn Kiệt, tạo cho cảnh quan kênh Bến Nghé thêm điểm nhấn mới.
 |
Đình Vĩnh Hội là di tích lịch sử - Ảnh: H.Nhu |
Nhắc đến 2 di tích nổi bật nhất của 2 phường phải kể đến đình Vĩnh Hội, nhà thờ Vĩnh Hội. Nhà thờ thành lập từ năm 1875, nằm cạnh bờ kênh Bến Nghé và được xây dựng lại mới từ năm 1993, có lối kiến trúc theo trường phái Á Đông. Đình Vĩnh Hội xây năm 1820, là một trong số ít những ngôi đình ở TPHCM còn giữ được bản sắc phong cổ xưa, do vua Tự Đức ban năm 1895.
Đình Vĩnh Hội còn bảo tồn các kiến trúc như: chánh điện, tiền điện, nhà hậu, miếu Bà... Chánh điện được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ truyền thống của đình Nam bộ. Hàng năm, đình Vĩnh Hội tổ chức lễ kỳ yên vào các ngày 12, 13, 14 tháng Hai âm lịch
Cái tên “Vĩnh Hội” mang ý nghĩa về sự trường tồn và hội tụ, phản ánh đặc trưng của khu vực quận 4 cũ, là nơi giao thoa giữa các luồng văn hóa và cộng đồng dân cư. Việc chọn tên này không chỉ giữ gìn giá trị truyền thống mà còn tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc cho người dân sau khi sáp nhập.
H.Nhu