Mạo danh cuộc thi “Viết chữa lành”: Thêm một biến tướng tinh vi của lừa đảo trực tuyến

08/07/2025 - 20:25

PNO - Cuộc thi “Viết chữa lành” do Công ty Cổ phần Bookas tổ chức đang bị một nhóm đối tượng mạo danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của thí sinh.

Cuộc thi “Viết chữa lành” do Công ty Cổ phần Bookas tổ chức đang bị một nhóm đối tượng mạo danh trên mạng xã hội nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự việc được đánh giá là nghiêm trọng không chỉ vì số lượng người bị hại đang gia tăng, mà còn vì thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, tinh vi và khai thác cảm xúc sâu sắc của người viết.

Theo xác nhận từ ban tổ chức, các đối tượng đã lập một fanpage giả mạo cuộc thi, sau đó dẫn dụ người quan tâm vào nhóm Zalo có tên và hình ảnh giống với nhóm chính thức. Tại đây, người tham gia bị yêu cầu trả lời một số câu hỏi ngắn để “xác nhận thông tin”, rồi nhanh chóng được hướng dẫn chuyển khoản số tiền 680.000 đồng với danh nghĩa “ủng hộ từ thiện” hoặc “kết nối cộng đồng”. Một số trường hợp khác còn được yêu cầu chuyển tiếp khoản tiền 2.980.000 đồng để “hoàn tất hồ sơ” hoặc “nhận giải vòng sơ khảo”. Các đối tượng cam kết sẽ hoàn tiền lại sau khi “hoàn tất thủ tục”, hoặc thậm chí hoàn lại một lần chuyển đầu tiên để tiếp tục tạo lòng tin, sau đó mới lừa tiếp các khoản lớn hơn.

Nhà văn Tống Phước Bảo, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, cho biết ông đã nhận được tin báo từ một số người dự thi nghi ngờ bị lừa, sau đó phối hợp cùng ban tổ chức xác minh. Kết luận được đưa ra là: cuộc thi hoàn toàn không thu bất kỳ khoản phí nào, không lập nhóm Zalo, không có hoạt động kêu gọi chuyển tiền từ người tham gia dưới bất kỳ hình thức nào. Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Bookas đã nộp đơn tố cáo hành vi giả mạo và chiếm đoạt tài sản đến Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vào ngày 4/7.

Các hình thức lừa đảo này đang được thực hiện bài bản, từ việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, dùng tài khoản giả mạo (như tên “Trần Thảo Ly”) đến việc sử dụng thông tin doanh nghiệp thật hoặc gần giống để nhận tiền chuyển khoản. Trong một số trường hợp, các hình ảnh cá nhân được dùng làm ảnh đại diện được cho là do đánh cắp từ mạng xã hội hoặc thậm chí được tạo bởi công nghệ AI. Đối tượng nhận tiền được xác định là tài khoản mang tên Công ty TNHH TMDV TTVH Kingsport – số tài khoản 000000046075 tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Ngay khi sự việc được công bố, nhiều nhóm cộng đồng doanh nhân và các hội nhóm Facebook của người yêu văn chương đã chủ động chia sẻ thông tin cảnh báo, dẫn lại bài viết của nhà văn Tống Phước Bảo để lan tỏa cảnh báo đến các thành viên. Một số nhà xuất bản, tổ chức giáo dục, giám khảo và tác giả có uy tín cũng lên tiếng khẳng định không liên quan đến bất kỳ hoạt động thu phí nào và kêu gọi cộng đồng cẩn trọng trước những lời mời chuyển tiền không rõ nguồn gốc.

Sự việc này không chỉ cho thấy sự manh động và tinh vi của các nhóm lừa đảo trên không gian mạng mà còn đặt ra yêu cầu khẩn thiết về việc minh bạch hóa thông tin trong các hoạt động văn hóa, giáo dục và truyền thông số. Các chuyên gia an ninh mạng tiếp tục khuyến cáo người dùng không nên chuyển tiền cho bất kỳ tài khoản nào nếu không xác minh được danh tính rõ ràng, không tham gia các nhóm Zalo, Facebook lạ nếu không có thông báo chính thức từ đơn vị tổ chức, và cần chủ động kiểm tra thông tin qua các kênh chính thức.

Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm túc về xu hướng lừa đảo mới: không còn chỉ nhắm vào người cả tin, mà nhắm đến những người tốt, tin vào điều tử tế, và sẵn sàng lan tỏa giá trị tích cực. Khi lòng tốt bị lợi dụng làm công cụ để trục lợi, xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ hơn và hành động kịp thời hơn để bảo vệ những điều đúng đắn.

Việt Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI