Hàng đạt chuẩn mới được lên sàn thương mại điện tử

08/07/2025 - 07:00

PNO - Trong khoảng 2 tuần qua, nhiều người bán thực phẩm, nông sản trên các sàn thương mại điện tử bị gỡ sản phẩm, khóa gian hàng hoặc từ chối duyệt đăng bán sản phẩm mới.

Khóa sản phẩm, gỡ gian hàng

Trong nhóm “Shopee người bán - Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng nghìn đơn - Shopee” trên mạng xã hội Facebook, nhiều chủ shop phàn nàn về các quy định mới của sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tài khoản B.N. - chuyên bán trà hoa sấy thủ công tự đóng túi và dán nhãn - cho biết, khi đăng sản phẩm mới, sàn yêu cầu công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nếu không có thì sẽ khóa sản phẩm.

Chị Trần Thu Thảo - chủ gian hàng (shop) K.R. trên sàn TMĐT Shopee - than, không thể bán linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc do không có đầy đủ giấy tờ. Trước đây, một số sàn TMĐT cho phép chủ gian hàng chọn chế độ “no brand” (không nhãn hiệu) khi đăng bán sản phẩm, nhưng bây giờ, sàn yêu cầu phải có hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào, hợp đồng mua bán với nhãn hàng và chứng nhận đại lý của nhãn hàng. Một số chủ shop kinh doanh mỹ phẩm xách tay cũng bị khóa sản phẩm do thiếu nhãn phụ.

Bà Đoàn Trang Hạ Thanh - Giám đốc vận hành sàn TMĐT Lazada Việt Nam - cho hay: Lazada đang đẩy mạnh kiểm soát chất lượng sản phẩm, yêu cầu các chủ shop cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và chịu trách nhiệm pháp lý liên quan. Bà Tôn Nữ Minh Thi - Phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh của sàn TMĐT Tiki - cũng cho biết, Tiki đang kiểm duyệt nghiêm ngặt các sản phẩm lên sàn để bảo vệ người tiêu dùng.

Các loại thực phẩm, nông sản, bánh mứt… nếu muốn bán trên sàn thương mại điện tử phải có đầy đủ giấy chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm… - ẢNH: H.LÀI (chụp tại chợ An Đông)
Các loại thực phẩm, nông sản, bánh mứt… nếu muốn bán trên sàn thương mại điện tử phải có đầy đủ giấy chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm… - ẢNH: H.LÀI (chụp tại chợ An Đông)

Theo các quy định mới về thuế, về chống hàng giả, từ ngày 1/7/2025, các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán là cá nhân, hộ kinh doanh. Do đó, các sàn buộc phải kiểm soát chặt chẽ thông tin pháp lý của các đối tượng này, bao gồm mã số thuế, hóa đơn đầu vào, giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, số công bố tiêu chuẩn chất lượng… Cuối tháng 6/2025, đại diện các sàn TMĐT lớn như Tiki, Lazada, Shopee, TikTok Shop đã đồng loạt ký cam kết tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm trên sàn TMĐT” do Sở Công Thương TPHCM phát động.

Giải thích về chương trình “tick xanh trách nhiệm”, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho hay, chương trình này huy động sự tham gia của cơ quan quản lý, sàn TMĐT, chủ shop, người tiêu dùng, cơ quan báo chí, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng (KOC). Họ cùng giám sát, kiểm tra chéo nhau một cách minh bạch, vì cộng đồng. Ông nói: “Nguyên tắc cốt lõi của chương trình là “3 tự”: tự nguyện, tự cam kết, tự giám sát. Sàn TMĐT phải đảm bảo môi trường minh bạch, tuân thủ pháp luật, hỗ trợ người bán. Người bán hàng chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc, thông tin trung thực. KOC cam kết không giới thiệu sản phẩm mà mình chưa dùng thử”.

Cơ hội cho hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Hồ Thị Hoài Thu - Nhà sáng lập Công ty Rebaca Việt Nam, cũng là KOC - nhận định, việc có nhiều người nổi tiếng, chủ gian hàng bị xử phạt hoặc gỡ giỏ hàng là do những người này thiếu hiểu biết về chính sách TMĐT, có những sai phạm ngay từ khâu đầu tiên. Họ chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua việc tìm hiểu quy định pháp luật. Đây không phải là vấn đề mới, mà là hệ quả của một quá trình dài với lối tư duy thiếu bền vững trong cộng đồng người bán hàng ở Việt Nam.

Theo bà, thời gian qua, kênh siêu thị luôn yêu cầu nghiêm ngặt về hồ sơ pháp lý của sản phẩm nhưng kênh TMĐT lại quá dễ dãi. Sự thiếu đồng bộ này đã tạo điều kiện cho hành vi gian lận phát triển, dẫn đến hệ lụy khó khắc phục khi TMĐT bùng nổ. Chi phí pháp lý cao cũng là rào cản khiến nhiều người bán không chịu tuân thủ quy định. Chẳng hạn, chi phí công bố sản phẩm thực phẩm hoặc hồ sơ quảng cáo theo quy định có thể lên tới 16 triệu đồng. Do đó, không ít người bán chọn cách nhập hàng giá rẻ, đẩy mạnh tiếp thị qua nội dung được chia sẻ nhanh (content viral) hoặc lợi dụng uy tín cá nhân và bỏ qua yếu tố pháp lý, chất lượng sản phẩm.

Theo bà Hoài Thu, điều đáng lo ngại hơn là sự thiếu kiểm soát đối với hoạt động bán hàng không cần kho lưu trữ (drop shipping). Nhiều sản phẩm có thành phần bị cấm vẫn được bán tràn lan thông qua hình thức này mà không rõ ai chịu trách nhiệm. Do đó, cơ quan quản lý cần có biện pháp chế tài mạnh với các sàn TMĐT. Hiện tại, các sàn vẫn ưu tiên doanh thu từ mặt hàng giá cao thay vì đảm bảo tính minh bạch nên kiểu kinh doanh thiếu bền vững vẫn tồn tại.

Bà cho rằng, để hoạt động của sàn TMĐT minh bạch hơn, cơ quan nhà nước cần phổ biến rõ các quy định pháp luật, tổ chức tập huấn và yêu cầu các sàn tuân thủ nghiêm quy định. Các sàn TMĐT cần xây dựng tiêu chuẩn phê duyệt người bán nghiêm ngặt, ưu tiên hỗ trợ sản phẩm chất lượng và doanh nghiệp chân chính. Bà nói: “Kinh doanh online là xu hướng tất yếu, nhưng nếu không tạo dựng môi trường công bằng, hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ khó tồn tại. Trong khi kênh offline đang suy yếu, TMĐT phải là cơ hội để phổ biến hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng”.

Phải chọn sản phẩm phù hợp để kinh doanh trên sàn

Việc có nhiều người bán tạm ngừng kinh doanh có thể khiến tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam chững lại trong ngắn hạn. Theo dữ liệu từ nền tảng Haravan, khoảng 10% gian hàng đã tạm đóng cửa thời gian qua, chủ yếu tập trung vào nhóm có giá bán dưới 150.000 đồng/sản phẩm.

Người bán hàng tạm ngừng kinh doanh trên sàn không chỉ do các sàn TMĐT bắt đầu thu hộ thuế mà còn bởi chi phí quảng cáo trên các sàn tăng 10%, một số sàn còn thu thêm phí hạ tầng. Thời gian triển khai chính sách (thuế, chống hàng giả) quá gấp trong khi việc phổ biến kiến thức và hướng dẫn chưa thực sự hiệu quả đã “gây sốc” cho các chủ gian hàng. Ngoài ra, các sàn TMĐT ngày càng đòi hỏi cao hơn về sự chuyên nghiệp và đồng bộ, trong khi không ít chủ gian hàng vẫn hoạt động kiểu nghiệp dư. Với những người kinh doanh nhỏ lẻ, việc tái cơ cấu doanh thu, lợi nhuận và chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động là bài toán nan giải. Do đó, họ buộc phải tạm đóng gian hàng để hoàn thiện thủ tục pháp lý, hệ thống kế toán và tối ưu hóa chi phí.

Xét về dài hạn, đây là quá trình thanh lọc tất yếu, giúp thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bài bản hơn. Khi những người bán hàng trên sàn TMĐT chuẩn hóa quy trình và thích ứng với quy định mới, họ sẽ có cơ sở để điều chỉnh giá bán hợp lý để có lợi nhuận. Điều này buộc họ lựa chọn sản phẩm phù hợp, là hàng có chất lượng tốt, biên độ lợi nhuận cao và dễ quản lý. Xu hướng này sẽ tạo đà cho làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Các sàn TMĐT cũng có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Dù có thể có khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng thị trường minh bạch.

Cần áp dụng 2 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cộng đồng kinh doanh vượt qua giai đoạn chuyển đổi: tăng tốc triển khai chương trình đào tạo trực tiếp và cung cấp cẩm nang hướng dẫn tiểu thương; có chính sách hỗ trợ cụ thể về công nghệ để số hóa quy trình vận hành, giúp các hộ, cá nhân kinh doanh thích ứng nhanh với môi trường pháp lý mới.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing, Công ty cổ phần Công nghệ Haravan

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI