Kết thúc đau khổ, mở đầu hạnh phúc

07/07/2025 - 11:34

PNO - Nỗi đau mất con và chồng ngoại tình đẩy chị đến bước ly hôn. Thật may, chị đã tìm lại bình yên và sức mạnh nhờ biến cố.

Buông bỏ để thoát khỏi cuộc hôn nhân tù ngục. Ảnh minh họa: Freepik
Buông bỏ để thoát khỏi cuộc hôn nhân ngục tù (ảnh minh họa: Freepik)

Đối với những người phụ nữ vốn ngại thay đổi và luôn đặt giá trị gia đình lên trên hết, việc từ bỏ một cuộc hôn nhân là quyết định đầy dằn vặt và nước mắt. Thế nhưng, câu chuyện của chị Lê Thu Hà - một cô giáo tiểu học ở tỉnh An Giang là minh chứng cho nghịch lý: đôi khi, sự giải thoát không đến từ việc níu giữ, mà đến từ việc dám buông tay.

Chị Hà quen anh Nguyễn Minh Dũng trong sinh nhật một người bạn. Người đàn ông vui vẻ, ân cần, hài hước và ga lăng với những thành viên trong bàn tiệc khiến chị - một cô giáo trẻ với kinh nghiệm tình trường ít ỏi đã say nắng. Những lần gặp gỡ sau đó. Anh Dũng vẫn luôn nhẹ nhàng, và quan tâm đến sở thích của chị để chọn quán phù hợp. Chị tin rằng mình đã tìm thấy mảnh ghép “một nửa” của mình.

Vài tháng sau, lễ cưới diễn ra và cuộc sống hôn nhân nhanh chóng phơi bày một sự thật khác. Người đàn ông chị từng ngưỡng mộ không còn sự ấm áp, mà trở nên nóng nảy. Anh bực bội khi nghe tiếng khóc của chính con mình. Anh lấy cớ tiếp khách để ra khỏi nhà cả những ngày cuối tuần. Anh sẵn sàng quát nạt vợ khi nửa đêm chị nhờ anh pha sữa cho con…

Chị thất vọng khi nhận ra: sự nhẹ nhàng, ga lăng, ấm áp, quan tâm đến người khác chỉ là chiếc mặt nạ của chồng khi ra đường. Còn ở nhà, với những người thân yêu thì “mắc gì phải diễn” - như lời anh nói.

Người chồng ga lăng, ấm áo bỗng biến thành kẻ bạc tình. Ảnh minh họa: Freepik
Người chồng ga lăng, ấm áp bỗng biến thành kẻ bạc tình (ảnh minh họa: Freepik)

Nhưng chưa dừng lại đó. Trong những ngày chị Hà mệt mỏi, áp lực và căng thẳng vì con hay khóc, thường xuyên bị bệnh đường ruột hành hạ, chị bàng hoàng phát hiện chồng ngoại tình. Những tin nhắn, hình ảnh mặn nồng và cả clip nóng của chồng và “tiểu tam” khiến chị cay đắng nhận ra: những ngày cuối tuần chồng trốn vợ con để đến bên nhân tình, anh còn lăn xả vào bếp nấu ăn, dọn dẹp cùng cô ấy.

Chị kể với ba mẹ chồng, chờ đợi ông bà lấy lại công bằng cho mẹ con chị. Nhưng ông bà chỉ nói: “Các con lớn rồi, chuyện gia đình các con đóng cửa nói với nhau’’.

Thấy vợ không có sự hậu thuẫn của cha mẹ, anh Dũng càng lấn tới: đi sớm về muộn và tuyên bố “tính tôi như vậy, sống không được thì chia tay” khi chị Hà yêu cầu chồng chấm dứt ngoại tình và phụ vợ chăm sóc con.

Đỉnh điểm của sự vô tâm là khi chị Hà mang thai lần thứ 2. Thai nhi chưa có tim thai, chị nhờ chồng đưa đi khám, thế nhưng anh Dũng nói vợ tự đi, vì anh đã có hẹn đi ăn cưới bạn. Chị Hà tự đến phòng khám trong lo lắng, rồi suy sụp hoàn toàn khi biết mình đã mất đứa con bé bỏng.

Những ngày chìm trong tuyệt vọng, chị Hà quyết định “buông” và dọn ra ngoài sống. Đó là sự khởi đầu cho cuộc tranh đấu dữ dội: buông hay giữ? Chị chìm trong khổ đau và thù hận. Cũng có những lúc chị yếu lòng, mong chồng đến tìm hay gọi điện níu kéo. Có lúc chị còn suýt điện thoại để nghe giọng nói người đã làm mình tổn thương.

Nhưng chính khoảnh khắc chiến thắng được cảm xúc lúc yếu lòng nhất, chị Hà như được tiếp thêm sức mạnh. Thay vì cố gắng quên đi, chị chọn cách "nhớ cho thật kỹ". Ký ức khổ đau không còn là kẻ thù, mà trở thành một liều thuốc giúp chị thức tỉnh. Chị nhớ như in lời tuyên bố của chồng: "Tính tôi vậy đó, sống được thì sống, không được thì chia tay!".

Chị nhớ hình ảnh chồng đập vỡ bức ảnh cưới khi 2 người gây gổ. Chị nhớ những lúc chồng nằm lướt điện thoại còn chị tất tả vừa dọn dẹp nhà, vừa chăm con. Và chị đặc biệt nhớ việc mình đã mất đi đứa con thứ 2, và hình ảnh chồng đang "ôm ấp với người phụ nữ khác" trong lúc chị mới sinh đứa con đầu 2 tháng.

Chị nghĩ: "Sống tiếp với người chồng vô tâm, thô bạo, bạc tình, ích kỷ thì không có gì ngoài đau khổ và bất hạnh". Câu hỏi tiếp theo hiện ra: "Vậy quay lại với chồng để làm gì?”.

Hỏi rồi chị tự trả lời: Nếu ở lại, thứ mẹ con chị "được" chỉ là cái danh hão huyền: có chồng và tiếp tục chịu đau khổ, bị phản bội. Cái giá phải trả cho những năm tháng đó là mất tất cả: tuổi xuân, nụ cười, và quan trọng nhất là để con cái chứng kiến cảnh cãi vã của ba mẹ, cũng như sự vô tâm của người cha.

Từ cuộc đối thoại với chính mình, chị Hà hiểu ra: việc cố giữ một người như vậy tai hại hơn là để con lớn lên trong một gia đình bình yên, dù không trọn vẹn.

Chị nộp đơn ly hôn. Chồng chị bất ngờ và xuống nước làm lành, nhắn chị quay về nhà. Nhưng chị Hà kiến quyết buông.

2 năm qua, với chị Hà, ly hôn không phải là sự thất bại, mà chính là sự giải thoát, khởi đầu. Thoát ngục tù hôn nhân và ngục tù tâm trí, chị không còn rơi vào cảnh vật vã trong cơn ghen, không uất ức khi chồng không phụ chăm con, cũng không thù hận. Chị sống buông bỏ và thoải mái. Đó là cách duy nhất để chị cứu lấy bản thân và cho con một môi trường sống lành mạnh hơn. Chị tin rằng: hạnh phúc của người phụ nữ không phụ thuộc vào bất kỳ ai, mà nằm ở sự lựa chọn của chính họ.

Hồng Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI