Nhìn bếp nhớ mẹ

02/03/2020 - 18:26

PNO - Căn bếp cũng là nơi mẹ tôi chia sẻ buồn vui, nơi cất lại những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ mỗi khi nhớ đến chuyện tiền nong, chuyện nợ nần, chuyện học phí khi tôi vào đại học. Cả khung trời kỷ niệm ấu thơ của tôi gắn liền với căn bếp ấy.

Nơi tôi làm việc cũng là căn hộ riêng của sếp, nên thỉnh thoảng tôi hay gặp mẹ của sếp “tay xách nách mang” đồ ăn, thức uống từ quê lên thăm con. Tôi hay nói đùa: “Mỗi lần bác vào bếp nấu ăn là con lại nhớ những món ăn ở nhà mẹ con hay nấu. Bác làm khổ con rồi”.

Quả thật, chắc chẳng ai chịu đựng nổi cảnh tầm 5g chiều, đi ngang căn bếp, nghe cái mùi thịt kho tiêu bằng nồi đất xộc vào cánh mũi, nhìn thấy dáng người mẹ đang loay hoay nấu nướng cho con.

Hôm trước trong một lần lướt Facebook, tôi thấy một người đồng nghiệp cũ chia sẻ hình ảnh gian bếp với những vật dụng xưa như cái gạc-măng-giê cũ kỹ, cái rế bằng mây, cái rổ bằng tre, vách bếp ám đầy khói… Tự dưng tôi nhớ đến mẹ mình với cái dáng lui cui, khom lưng thổi lửa. 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tôi nhớ đôi mắt cay xè của mẹ với những tiếng ho sù sụ. Tôi nhớ cả cái mùi khói trong căn bếp lâu năm, nhớ cả tiếng lửa cháy xèo xèo khi gặp những thanh củi ướt. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng: “Ở nơi nào khiến em nhớ mẹ nhất?” thì tôi sẽ trả lời ngay rằng đó chính là gian bếp.

Cô bạn tôi lập nghiệp ở Sài Gòn mấy chục năm trời, hai vợ chồng gom góp xây được một căn nhà be bé. Mỗi lần mẹ bạn ở quê vào, cả nhà bạn quây quần tíu tít bên bữa cơm gia đình mà mẹ là người nấu chính. Do vậy, dù là ở không gian phố thị nhộn nhịp chứ chẳng phải căn bếp xưa ở quê, nhưng bạn nói mỗi lần bước chân vô bếp nấu ăn là mỗi lần bạn lại nhớ mẹ. 

Mẹ bạn đã vội vã bỏ bạn ra đi sau một cơn tai biến, để rồi mỗi lần nấu ăn, cũng căn bếp đó, nhưng bạn lại cảm thấy trống trải vô cùng. Bạn nói với tôi: “Có lẽ căn bếp là nơi in đậm dấu chân, dấu tay và hình ảnh của má tui nhiều nhất…”. Bạn nói như thể đang nói hộ lòng tôi vậy.

Hồi đó, nhà tôi nấu ăn trong căn bếp lụp xụp, bằng củi rơm và củi tre. Mỗi lần mẹ làm bếp, tôi hay vào phụ, mẹ con lại có dịp tỉ tê tâm sự. Căn bếp chính là giang sơn riêng của mẹ, nên vật dụng nào để ở đâu, mẹ là người biết rõ nhất. 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Đôi lần, mẹ giấu bịch chè hay gói kẹo ở những nơi “bí mật” trong bếp. Tôi và em gái đi học về chỉ việc tìm đến đó là có đồ ăn ngay. Căn bếp cũng là nơi mẹ tôi chia sẻ buồn vui, nơi cất lại những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ mỗi khi nhớ đến chuyện tiền nong, chuyện nợ nần, chuyện học phí khi tôi vào đại học. Cả khung trời kỷ niệm ấu thơ của tôi gắn liền với căn bếp ấy.

Thời sinh viên, tôi ở trọ một nhà dân trước trường đại học. Cứ đến bữa cơm chiều hằng ngày là tôi tìm cách “trốn” qua trường, vì không chịu nổi mùi thức ăn bay lên từ gian bếp. Tôi cũng cảm thấy vô cùng khó khăn mỗi khi bước chân xuống bếp nhà bà chủ, nghe tiếng muỗng đũa khua loảng xoảng, tiếng giã hành tiêu tỏi ớt, tiếng cười nói của bà và mấy đứa con bà. Tôi sợ rằng mình sẽ nhớ mẹ, nhớ nhà đến bật khóc. 

Bây giờ, dù đã lập gia đình và có không gian nấu nướng riêng cho mình, nhưng cũng giống như các anh chị, các cháu của mình, mỗi lần về quê, vừa thả dép ngoài cửa là tôi đi thẳng xuống bếp để tìm mẹ. Cứ như thuở nhỏ đi học về thả cặp sách xuống bàn là chạy ù ra bếp tìm cơm vậy.

Tôi biết có nhiều người giống tôi, mỗi lần bước chân vào gian bếp là một lần nhớ mẹ, nhất là những ai không còn mẹ trên đời. 

Huyền Nga 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI