Con trai xin một ngày được làm... má

27/02/2020 - 11:23

PNO - Thoả thuận 24 giờ đổi vai cho má, nhưng chưa được nửa ngày tôi đã mệt muốn xỉu.

Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ nghĩ việc nhà cực nhọc. Có lẽ vì từ nhỏ tôi đã thấy ba lao ra ngoài kiếm sống còn má chỉ ở nhà lo cơm nước và không phàn nàn gì.

Thông thường, sau mỗi ngày kiếm tiền, ba tôi lại trở về trong nhà với vẻ mệt mỏi. Mẹ lúi húi dọn cơm cho ba ăn, và trong bữa cơm ấy, tôi thấy ba móc tiền trong ví đưa cho má.

Chưa bao giờ tôi nghĩ công việc của má vất vả đến thế. Hình minh hoạ
Tôi ít về thăm nhà nhưng má không hề trách móc. Hình minh hoạ

Kỳ nghỉ dài vì dịch này, tôi về nhà với suy nghĩ sẽ dành thời gian nhiều hơn cho ông bà. Ba tôi đã ngoài 70, má tôi cũng tròm trèm “tuổi xưa nay hiếm”. Tôi nói với má: "Hay là má tạm nghỉ một hôm, để con được làm thay mọi việc cho má".

Lần đầu tiên nghe đứa con trai lớn nói ra câu đó, má bất ngờ bật cười, làm tôi có phần bối rối. Nhưng rồi tôi bằng mọi cách đã thuyết phục được má: "Má không cần làm gì hết. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, má chỉ thức dậy làm vệ sinh rồi lên ngồi bàn trên ngồi cùng ba bật ti vi lên xem, chờ con vô bếp làm cà phê, chuẩn bị đồ ăn sáng".

Ba tôi bất ngờ với ý tưởng này nhưng chẳng ý kiến gì. Lên thành phố sống và làm việc nhiều năm, tôi cũng ít khi về nhà. Ông bà cũng không hề trách móc tôi vì nước mắt chảy xuôi, rất hiếm khi rơi ngược. Con cái có ra sao và ở độ tuổi nào thì cha mẹ vẫn lo lắng chứ không để con phải chăm lo.

Tôi vào bếp. Một chàng trai lần đầu vào bếp thì có biết bao câu hỏi vọng ngược lên nhà. Tôi hỏi má từng hũ muối, lọ đường để ở đâu cho đến ba má thích uống cà phê ngọt hay ít đường. Tôi làm bữa sáng trong sự hứng khởi và thú vị đến bất ngờ.

Lay hoay đâu khoảng nửa tiếng thì tôi cũng đã xong các món ăn và pha được 2 ly cà phê mang lên cho ba má. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm vui trong mắt bậc sinh thành. Ba tôi cứ tủm tỉm cười mãi khi ông dắt xe đi xuống thềm nhà.

Ba tôi là tài xế lái xe ôm và ông theo nghiệp ấy tính gần 30 năm. Bây giờ, tuy sức khỏe yếu đi nhiều nhưng ba vẫn duy trì việc mỗi ngày, sáng sáng là phải ra bến để chờ xếp tài, đón khách.

Có lần tôi bảo ba tôi thôi đừng có chạy xe ôm nữa, kinh tế gia đình bây giờ cũng đâu đến nỗi, nhưng ba cứ ậm ừ rồi vẫn giữ thói quen đi làm mỗi ngày như thuở nào. Ba nói cái nghề này đã vận vào số phận của ba rồi, trước đây ngày nào cũng đi làm, giờ mà nghỉ ở nhà không ra bến đón khách rồi gặp gỡ người này người kia có khi ba "bị buồn", có khi ở nhà lại không được khỏe.

Ừ thì ba có những lựa chọn của ba, có cái lý của ba. Má nói tôi tốt nhất là cứ để ông đi làm, miễn sao ông cảm thấy vui.

Cả trăm việc lặt vặt mỗi ngày phải làm nhưng có bao giờ má của chúng ta thở than. Ảnh minh họa

Trở lại câu chuyện hoán đổi vai làm má của tôi. Sau khi ăn sáng, tôi nói má cứ để tôi tự tay dọn dẹp và lau rửa, có mấy cái chén, cái đĩa với ly tách, nhiều nhặn đâu mà lo. Vậy nhưng khi nhúng tay vào làm rồi, tôi mất hơn 15 phút cho khoản loay hoay dọn rửa này.

Tôi hỏi má, vậy thường sau những buổi ăn sáng, uống cà phê và lau rửa đó thì má làm gì? Má cười chỉ ra cái sân rộng toàn cây và hoa, sau đó chỉ qua cái chuồng gà đang ồn ã tiếng gà, tiếng ngỗng. Má cười, nói để làm xong hết mớ công việc này cũng hết hơn một tiếng đồng hồ. Tôi nhìn mặt trời. Buổi sáng ở quê sao mà trong lành và mát mẻ. Việc tiếp theo của tôi ngay bây giờ đây là đi kéo đường ống nước và cắm điện cho cái máy bơm nước.

Tôi thấm mệt sau một hồi làm mấy thứ mà mọi ngày tôi vẫn nghĩ là lặt vặt, chẳng có gì khó khăn hay nặng nề. Má theo dõi tôi tưới cây, tưới hoa và đi theo tôi ra tận chuồng gà, chỉ chỗ cất thức ăn và dặn cái nào cho bầy gà, cái nào cho mấy con ngỗng.

Má bảo mùa này dễ sinh dịch cúm nên thường thì sau mỗi khi dọn vệ sinh chuồng trại và cho bầy gia cầm ăn má thường pha mấy loại thuốc kiểu như vitamin cho chúng uống. Nhờ vậy mà năm nào bầy gà của má cũng khỏe. Mùa lạnh thì má dùng bạt che chắn cho bầy gà, chăm chút cẩn thận như chăm con mọn.

Tôi nghe má kể đến đâu thì hết hồn lè lưỡi đến đó. Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên tay, vẫn chưa đến 9 giờ, nghĩa là tôi chỉ mới "làm má" chưa tới 4 tiếng. Tôi hỏi má, vậy xong chuyện vườn tược, chuồng gà,  rồi mình làm gì nữa?

Má chỉ ra đoạn đường nhỏ dẫn lối từ thềm nhà ra con lộ. Má nói hôm nay cần sửa lại một chút cái hàng rào, sẵn tranh thủ hái mấy trái mướp đang treo lủng lẳng ngoài đó lát trưa nấu cơm cho ba con về ăn. Rồi má liệt kê một lô một lốc các công việc có tên lẫn không tên mà trước nay tôi tưởng không hề tồn tại.

Nào là chuyện cái quần cái áo cần vá, chuyện mấy đứa cháu sang chơi kỳ kèo nhờ chỉ bài, chuyện đi ra chợ tần ngần nâng lên rồi hạ xuống một món hàng nào đó vì gia đình không phải dư dả gì, đó là chưa kể từ khi có dịch cúm viêm phổi thì cả nhà, cả làng cần chuẩn bị tinh thần để chống dịch...

Tôi cảm thấy như sức khỏe của một chàng trai như mình còn đuối trước khối lượng công việc lặt vặt mà mỗi phụ nữ có tuổi như má phải làm hằng ngày. Nó khiến tôi bắt đầu suy nghĩ lại về những lần hồn nhiên ăn cơm xong để mẹ lụi hụi dọn dẹp dưới bếp. Nó khiến đầu tôi biết dặn bản thân đừng có việc gì cũng kêu má ơi, má à. Nó khiến tôi biết bỏ dép bên ngoài bậc thềm, thấy vũng nước hay chút thức ăn hay rác rơi vãi trong nhà tự giác cúi xuống lau dọn...

Chưa trọn một ngày làm má, tôi đã thấy: trời ơi, làm má sao khó quá!

Trương Quốc Phong

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI